(Tổ Quốc) - Bài học về cân bằng ngoại giao: Rodrigo Duterte điều chỉnh chính sách sau khi ngả bài quá sớm với Trung Quốc.
Tổng thống Philippines đã nhận thức ra tầm quan trọng của cuộc chơi cân bằng của một nước nhỏ với các nước lớn.
Sai lầm ngoại giao của Duterte trong quan hệ với Bắc Kinh
Lên cầm quyền chưa được bao lâu, ông Duterte đã quyết định “thoát Mỹ”, “thân Trung”. Cải thiện quan hệ với Trung Quốc là một nhu cầu khách quan của Philippines sau một thời gian căng thẳng của quan hệ song phương, sau cuộc khủng hoảng tại bãi cạn Scarborough, tháng 4-5/2012, và Manila khởi kiện Trung Quốc tại Tòa trọng tài quốc tế La Hay (PCA), tháng 1/2013. Quan hệ hai nước đã bị tổn thương nghiêm trọng sau khi PCA ra phán quyết ngày 12/7/2016, trong đó Manila giành phần thắng hầu như 100%.
Rodrigo Duterte tuyên thệ nhậm chức tổng thống ngày 30/6. Đi ngược lại với sự khôn ngoan và thực dụng vốn có của ngoại giao Philippines, tổng thống mới đã quay lưng lại với các phán quyết PCA, tuyên bố sẵn sàng cải thiện quan hệ với Trung Quốc bỏ qua phán quyết PCA cũng như bất đồng về vấn đề Biển Đông.
Như vậy, ông Duterte đã bỏ đi một đòn bẩy quan trọng khi chưa đàm phán. Bắc Kinh tất nhiên hoan nghênh. Ngoại giao Trung Quốc đã đưa ra các hứa hẹn để “nhử” tân tổng thống Philippines.
Ngoài ra, chính quyền Philippines bỏ đi một đòn bẩy quan trọng nữa, khi nước này đăng cai Chủ tịch luân phiên ASEAN – 2017. Những năm gần đây, mỗi khi một nước ASEAN nào đảm nhận chức chủ tịch này, Bắc Kinh đều ra sức tranh thủ. Indonesia và Campuchia hốt bạc tỷ USD từ viện trợ và tín dụng ưu đãi của Trung Quốc. Nhưng năm 2017 sắp qua đi mà Manila chưa nhận được đồng USD nào.
Ngoại giao là một ván bài. Ván bài này cần vận dụng các đòn bẩy có được. Trong cục diện quan hệ nước lớn hiện nay, mỗi nước ASEAN đều ứng xử một cách khôn khéo quan hệ với ba nước lớn chủ yếu – Mỹ - Nhật Bản và Trung Quốc. Dám chơi và dùng đòn bẩy của mình đến đâu, đó là một nghệ thuật ngoại giao. Ông Duterte đã ngả bài quá sớm với Bắc Kinh, nên chưa thu được lợi lộc gì.
Tổng thống Duterte phải xử lý vấn đề chống phiến quân (trong ảnh) với cân bằng quan hệ Mỹ-Trung |
Duterte trong cuộc khủng hoảng Marawi: “tái hồi Kim Trọng”?
Báo Philippine Star ngày 16/7 đưa tin: sau những chỉ trích nhằm vào Mỹ, Tổng thống Duterte cuối cùng thừa nhận Mỹ đã cung cấp vũ khí cho chính phủ Philippines để chống lại quân khủng bố Maute tại thành phố Marawi.
Trước sự hiện diện của các nhà ngoại giao tại Davao, ông Duterte giải thích vì sao Manila không thể tham gia vào bất kỳ liên minh quân sự mới nào khác ngoài hiệp ước quân sự lâu đời giữa Philippines với Mỹ: “Tôi không thể tham gia vào liên minh quân sự với những quốc gia khác được bởi vì như vậy tôi sẽ vi phạm thỏa thuận Mỹ - Philippines. Chúng tôi vẫn sẽ ở lại với người Mỹ”.
Hồi giữa tháng 6 vừa qua, người phát ngôn của quân đội Philippines xác nhận quân đội Mỹ đang hỗ trợ quân đội nước này trong các trận đánh tại Marawi nhằm giải phóng thành phố khỏi tay của lực lượng Hồi giáo cực đoan liên quan đến tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS). Tuy nhiên, Mỹ chỉ hỗ trợ về mặt kỹ thuật và cung cấp các thông tin có liên quan, chứ không trực tiếp chiến đấu chống lại phiến quân tại Marawi. Quân đội Philippines xưa nay huấn luyện đánh đồng bằng và rừng núi, chưa sẵn sàng cho trận chiến tại thành phố. Lực lượng đặc nhiệm Mỹ hiện đang trợ giúp huấn luyện chiến thuật đánh thành phố.
Các cố vấn Mỹ huấn luyện quân đội Philippines chống IS tại Marawi |
Cuộc vây hãm Marawi là một phần của làn sóng tấn công của các nhóm liên kết với IS đang tìm cách thành lập một tỉnh của IS tại Philippines. Tổng thống Duterte thậm chí còn cảnh báo về khả năng có một cuộc nội chiến tại Mindanao, nếu và khi các cộng đồng Cơ đốc giáo quyết định tự vũ trang chống lại các phần tử Hồi giáo cực đoan như họ từng làm trong các loạt xung đột giáo phái trước đây trên hòn đảo này.
Trong nhiều thập kỷ, hòn đảo Mindanao đã chứng kiến các cuộc xung đột đẫm máu giữa chính quyền trung ương tại Manila và các nhóm phiến loạn khác nhau, cả Hồi giáo lẫn cánh tả Mao-it. Xung đột kéo dài đã cướp đi sinh mạng của hàng trăm nghìn người, khiến hàng triệu người nữa phải rời bỏ quê hương và đẩy phần lớn hòn đảo này vào tình trạng đói nghèo cùng cực và chậm phát triển. Điều này đã tạo nên mảnh đất màu mỡ cho các hệ tư tưởng cực đoan và các nhóm cực đoan. Tuy nhiên, mức độ bạo lực gần đây tại Mindanao đánh dấu sự hội tụ đầy rắc rối của nhiều yếu tố. IS đang thực hiện “xoay trục” sang châu Á, trọng điểm là Đông Nam Á, sau những thất bại quân sự nặng nề của chúng tại Trung Đông.
Do sự hiện diện mạnh mẽ của các phiến quân nước ngoài trong hàng ngũ Maute, trong đó có các phần tử thánh chiến từ các quốc gia Arập và vùng Caucasus của Nga, chính phủ Philippines đã mô tả cuộc khủng hoảng tại Mindanao như một cuộc xâm lược của ngoại bang.
Những lo ngại về triển vọng có một “vương quốc Hồi giáo” tại Mindanao đã đưa các đồng minh từng tách rời trở lại với nhau./.