• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Ông Nguyễn Sỹ Dũng: “Tôi nghe nhiều người phàn nàn chạy vào biên chế cả núi tiền”

Thời sự 28/09/2017 13:04

(Tổ Quốc) - Nguyên Phó Chủ nhiệm văn phòng Quốc hội Nguyễn Sỹ Dũng cho hay ông từng nghe nhiều người phàn nàn chuyện chạy chọt vào biên chế cả núi tiền. Điều này cho thấy có vân đề về đạo đức ở đây.

Quản lý và tinh giản biên chế là một trong những nội dung lớn tại dự thảo báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước giai đoạn 2011 -2016 vừa được công bố.

 Nguyên Phó Chủ nhiệm văn phòng Quốc hội Nguyễn Sỹ Dũng.

Theo báo cáo, tính hết năm 2016, tổng số lượng người làm việc vượt biên chế tại các tổng cục thuộc bộ, cơ quan ngang bộ là 3.137 người (vượt 3,5%), còn tại các cục thuộc ộ, cơ quan ngang bộ là 1.234 người (vượt 8,6%). Đặc biệt, tính riêng theo từng cơ quan, vẫn còn 7 bộ sử dụng quá số biên chế được giao ở các tổng cục . 14 bộ, cơ quan ngang bộ sử dụng quá số biên chế được giao ở các vụ, cục.

Nhiều địa phương cũng không kém cạnh khi có tới 31/36 tỉnh, thành sử dụng vượt tổng số 6.376 biên chế tại các đơn vị hành chính thuộc cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Có nhiều tỉnh, thành phố vượt với tỷ lệ rất cao như Tp. HCM vượt 1.434/4.822, bằng 29,74%; Hải Phòng, Quảng Ninh đều vượt trên 19%, Khánh Hòa vượt 45,68% và Bạc Liêu vượt 51,46%...

Chia sẻ với Báo Điện tử Tổ Quốc, ông Nguyễn Sỹ Dũng cho rằng, kết quả như vậy là “không ổn”. Từ kết quả trên, ông đặt giả thiết, “ban hành chính sách nhưng chính sách đó không được thực thi, hoặc không có giải pháp để thực thi”. Và nguyên nhân dẫn đến kết quả này, theo ông Dũng là không ít.

“Trước hết, chúng ta thấy rằng mỗi thiết chế sinh ra bao giờ cũng có xu thế phình ra, đó là động lực tự nhiên. Vì thế, nếu không có những giải pháp chặt chẽ, đặc biệt là giải pháp chặt chẽ về ngân sách thì rất khó.

Thêm một giải pháp nữa là tạo cơ hội cho lĩnh vực tư nhân. Nếu lĩnh vực tư nhân “làm ăn được” thì số người rời bỏ biên chế để chuyển sang lĩnh vực tư nhân sẽ nhiều hơn. Cùng với đó là các giải pháp như: chống tham nhũng, quy trách nhiệm của người đứng đầu”. Nói chung, phải tổng hợp tất cả các giải pháp như vậy thì mới hiệu quả”, ông Nguyễn Sỹ Dũng nói.

Nguyên Phó Chủ nhiệm văn phòng Quốc hội chia sẻ thêm, cần phải nghiên cứu xem biên chế tăng như vậy do nguyên nhân gì? Nguyên nhân gì thì giải pháp đó.

Đồng quan điểm với nguyên Phó Chủ nhiệm văn phòng Quốc hội Nguyễn Sỹ Dũng, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, câu chuyện “nở” ra mấy nghìn con người cho thấy công tác tinh giản biên chế chưa quyết liệt.

Ông Lưu Bình Nhưỡng nêu quan điểm, cần phải xác định rõ ngành nào, địa phương nào không thực hiện tốt chứ không thể chung chung. Địa phương nào tăng, giảm cần phải quy định rõ. Các quy định của Đảng, Nhà nước đều khẳng định rõ trách nhiệm thuộc về người đứng đầu. Và trách nhiệm thuộc về cấp ủy của địa phương.

Vậy trước hết trách nhiệm sẽ là của người đứng đầu cấp ủy và người đứng đầu chính quyền, sau đó thì mới đến tập thể lãnh đạo.

“Cứ căn cứ theo Nghị quyết 39 và Nghị định 108 mà kiểm tra. Nghị định 108 đã quy định trách nhiệm của các Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, gồm quy định một loạt trách nhiệm và 7 nhiệm vụ. Tại Nghị định này, điều 19 cũng quy định rõ trách nhiệm của UBND tỉnh, trách nhiệm của Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính…

Về triển khai Nghị quyết 39, tại mục 4 của Nghị quyết cũng quy định đầy đủ trách nhiệm. Vậy thì cứ theo đó mà quy trách nhiệm những người có liên quan khi đã không đôn đốc thực hiện công tác tinh giản biên chế”, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng chia sẻ quan điểm.

Nể nhau trong xét duyệt, bố trí biên chế

Đại biểu Quốc hội khoá 14 Lưu Bình Nhưỡng  (Ảnh: Hà Giang)

 

Nguyên Phó Chủ nhiệm văn phòng Quốc hội Nguyễn Sỹ Dũng cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến kết quả của công tác tinh giản biên chế không những không giảm mà còn tăng là do “lợi ích của việc tăng lợi ích”. Theo nguyên Phó Chủ nhiệm văn phòng Quốc hội thì “bây giờ người xin vào biên chế phải “chạy chọt”.

“Nhiều người phàn nàn chuyện “chạy” vào biên chế cả “núi” tiền. Kể cả Trung ương chứ không phải chỉ địa phương. Các cán bộ làm tổ chức, các lãnh đạo là những người có quyền quyết. Vậy là có vấn đề đạo đức ở đây?”, ông Nguyễn Sỹ Dũng đặt câu hỏi.

Nêu giải pháp để ngăn chặn tình trạng này, ông Nguyễn Sỹ Dũng cho rằng, nếu thực hiện chính khoán sẽ hiệu quả hơn. Ví như, lương của “anh” hiện có từng này, nếu cắt giảm nhiều biên chế thì “anh” càng có nhiều hơn. Như vậy sẽ tạo động lực lớn hơn.

“Chứ tôi cắt giảm từng ấy biên chế mà chẳng nhận được gì, trong khi chỉ cần nhận tiền của một người... Bây giờ chứng minh thì khó nhưng ai cũng biết phải chạy hàng trăm triệu mới vào được biên chế. Rõ ràng đây chính là nguyên nhân cản trở việc cắt giảm biên chế. Như vậy, vấn đề ở đây là chúng ta phải xem lại hệ thống khuyến khích”, ông Dũng nói.

Về phía ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng, ông cũng khẳng định trong công tác tổ chức cán bộ vẫn còn tình trạng nể nhau để mà xét duyệt, bố trí biên chế nên mới có câu chuyện “nở” ra mấy nghìn con người.

Theo ông Lưu Bình Nhưỡng, sự quen biết, nể nang… không chỉ ảnh hưởng đến tốc độ trong công tác tinh giản biên chế mà còn ảnh hưởng đến toàn bộ bộ máy nhân sự của nhà nước. Cùng với đó là ảnh hưởng đến ngân sách đặc biệt trong bối cảnh nợ công tăng cao, ảnh hưởng đến đầu tư và an sinh xã hội.

“Tăng thêm 1 người trong biên chế là tăng thêm các loại kinh phí khác nhau. Đây là vấn đề hết sức nghiêm trọng. Tôi cho rằng, cùng với việc làm giảm tốc độ, cản trở cải cách thì còn gây ra những hệ lụy khác mà chúng ta cần phải xem xét một cách nghiêm túc và có những biện pháp xử lý triệt để”, ông Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh./.

Hà Giang

 

 

NỔI BẬT TRANG CHỦ