(Tổ Quốc) - Thông qua số phiếu bầu áp đảo cho ông Rouhani, người dân Iran đang thể hiện niềm khao khát đời sống cởi mở và hoà nhập hơn với thế giới.
Theo số liệu chính thức được Bộ trưởng Nội vụ Iran Abdolreza Rahmanifazli công bố ngày 20/5, ông Rouhani đã nhận được 57% số phiếu – vượt trội so với 38% tỷ lệ ủng hộ của đối thủ mạnh nhất là Ebrahim Raisi trong cuộc bầu cử tổng thống ngày 19/5.
Dù quyền lực của Tổng thống Iran bị giới hạn bởi nhà lãnh đạo tối cao Ayatollah Ali Khamenei, chiến thắng áp đảo của ông Rouhani là đòn bẩy cho lực lượng cải cách tại Iran tìm kiếm những bước tiến mới.
"Cuộc bầu cử là rất quan trọng" về vai trò tương lai của Iran trong khu vực và trên thế giới," ôn Rouhani cho biết hôm thứ Sáu sau khi bỏ phiếu.
Chiến thắng của ông Rouhani hứa hẹn nhiều cải cách trong nước và cởi mở hơn trong quan hệ với thế giới. (Nguồn: Reuters) |
Việc ông Rouhani tái đắc cử dường như sẽ là một sự bảo đảm cho thoả thuận hạt nhân lịch sử năm 2015 giữa Iran và nhóm P5+1 – bao gồm việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt quốc tế để đổi lấy việc Iran cắt giảm chương trình hạt nhân.
Mahnaz, 37 tuổi, một cử tri ủng hộ cải cách đã chia sẻ: "Tôi rất vui vì sự thành công của Rouhani, chúng tôi đã thắng…Tôi muốn Rouhani thực hiện lời hứa của mình."
Dù vậy, ông Rouhani vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn khi nhà lãnh đạo tối cao Iran, có lập trường cứng rắn về hợp tác với thế giới, nắm giữ quyền phủ quyết đối với tất cả các chính sách và nắm quyền kiểm soát tối đa đối với các lực lượng an ninh.
Trong khi đó Tổng thống Iran vừa tái đắc cử Rouhani cũng phải giải quyết mối quan hệ rắc rối với Washington, dường như đang có lập trường không nhất quán về thỏa thuận hạt nhân 2015.
Tổng thống Donald Trump đã nhiều lần mô tả đây là "một trong những thỏa thuận tồi tệ nhất từng được ký", mặc dù chính quyền của ông gần đây vẫn nới lỏng các lệnh trừng phạt nhằm vào Iran theo thoả thuận.
Đồng thời, trong khi nhiều lệnh trừng phạt nhằm vào Iran đã được dỡ bỏ dần từ năm 2016,
việc Mỹ duy trì các biện pháp trừng phạt đơn phương nhằm vào Iran với cáo buộc về nhân quyền và khủng bố đã khiến nhiều công ty nước ngoài thận trọng trong việc đầu tư vào Iran – điều cho đến nay đã hạn chế nhiều lợi ích kinh tế của Iran.
(Theo Reuters)