(Tổ Quốc) - Trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump rời thượng đỉnh G7 với bất đồng leo thang, Trung Quốc và Nga đã đưa ra một chương trình rất khác ở bên kia thế giới.
Trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump rời thượng đỉnh G7 - nhóm bảy nước công nghiệp phát triển với tình trạng bất đồng leo thang vào cuối tuần này, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đưa ra một chương trình rất khác ở phía bên kia của thế giới.
Hôm Chủ nhật – ngày 10/6, Chủ tịch Tập và ông Putin đã chúc mừng việc mở rộng Tổ chức Hợp tác Thượng Hải SCO – liên minh nay gồm tám thành viên được xây dựng để phối hợp thực thi các chính sách an ninh trên khắp châu Á. Nhóm này, chào đón các thành viên mới Ấn Độ và Pakistan, cùng với các nhà quan sát Afghanistan, Belarus, Iran, Mông Cổ, đã cam kết tăng cường hợp tác về năng lượng và nông nghiệp, cũng như tạo điều kiện thuận lợi hơn cho thương mại và đầu tư.
Tương phản với sóng gió tại G7
Chương trình của SCO được xây dựng cẩn trọng tương phản với sự bất hòa ở Canada, khi ông Trump từ chối kí tuyên bố chung của G7 và chỉ trích nhà lãnh đạo của nước chủ nhà là Thủ tướng Canada Justin Trudeau.
Ngày 11/6, ông Trump đã có một loạt tweet chỉ trích các đồng minh Canada, EU và NATO về vấn đề thương mại. Trong khi đó, hai thành viên khác của hội nghị thượng đỉnh G7 là Đức và Pháp lại lên án Tổng thống Trump rút khỏi tuyên bố chung G7 là hành động “phá huỷ lòng tin và thể hiện hành động không nhất quán”.
Khi xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, ngay cả với các đồng minh châu Âu và Canada đang leo thang, đặc biệt là về thuế quan, Chủ tịch Tập đã lên tiếng chỉ trích điều ông cho là những hình thức mới của “chủ nghĩa đơn phương” và “chủ nghĩa bảo hộ”.
“Chúng tôi phản đối việc tiến hành hy sinh an ninh của các nước khác vì an ninh tuyệt đối của chính mình”, Chủ tịch Trung Quốc phát biểu tại một phiên họp của các nguyên thủ SCO tại Thanh Đảo, Trung Quốc. "Chúng ta cần phải bác bỏ các chính sách ích kỷ, tầm nhìn ngắn hạn và đóng cửa, duy trì các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới, hỗ trợ hệ thống thương mại đa phương và xây dựng một nền kinh tế thế giới mở."
Tổng thống Putin và Chủ tịch Tập Cận Bình ngày 10/6 tại Thanh Đảo. (Nguồn: AFP) |
"Chúng tôi đã tái khẳng định sự sẵn sàng, sự sẵn lòng của chúng tôi trong việc tiếp tục thực hiện các quy tắc thương mại đang tồn tại trong thế giới hiện tại," ông Putin nói. "Đây là một tuyên bố rất quan trọng."
SCO cũng đã thể hiện tình đoàn kết trong cam kết ủng hộ thỏa thuận hạt nhân Iran (JCPOA) – một vấn đề chính dấy lên sự chia rẽ trong G7 sau khi ông Trump rút khỏi thỏa thuận này hồi tháng trước. Tổng thống Iran Hassan Rouhani, có chuyến công du nước ngoài đầu tiên để tham dự SCO kể từ khi Mỹ quyết định rời khỏi JCPOA, bày tỏ sự hoan nghênh việc Trung Quốc và Nga ủng hộ JCPOA và cảnh báo về "những hậu quả nghiêm trọng" nếu thỏa thuận này sụp đổ.
Truyền thông Trung Quốc đã chú ý tới sự tương phản về hai cuộc họp thượng đỉnh phương Tây và phương Đông diễn ra gần như cùng một thời điểm. Twitter tiếng Anh của tờ Nhân dân Nhật báo Trung Quốc đã đăng những bức ảnh về khung cảnh căng thẳng ở La Malbaie, Quebec, và một hình ảnh khác cho thấy ông Tập và ông Putin mỉm cười, với chú thích “G7 vs SCO: hai cuộc họp cùng ngày. ”
Hãng tin Tân Hoa Xã chính thức của Trung Quốc cũng đã đăng tải một bản tin có tiêu đề "Bảy quốc gia bị chia rẽ, nước Mỹ cô độc" vào ngày Chủ nhật, nói rằng sức mạnh của G-7 đã giảm đi và sự chia rẽ nội bộ sẽ tiếp tục làm suy giảm ảnh hưởng của khối này.
Đối đầu tiềm ẩn trong SCO?
Theo Bloomberg, SCO 17 tuổi đang ngày càng mở rộng vào hợp tác thương mại và kinh tế - trọng tâm tập trung của G7 – điều cho thấy sự chuyển hướng lớn khi SCO được thành lập với mục tiêu ban đầu là về an ninh. SCO, cũng bao gồm Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Uzbekistan, đã tập hợp xung quanh lập trường chống lại "ba tệ nạn" là chủ nghĩa khủng bố, ly khai và chủ nghĩa cực đoan tôn giáo.
SCO chiếm hơn 40% dân số thế giới so với khoảng 10% của G7.
Dù vậy, SCO có căng thẳng riêng của mình ẩn sâu dưới tiến trình hợp tác hiện tại. Trung Quốc đang tìm cách sử dụng SCO như một phương tiện để thúc đẩy Sáng kiến Vành đai và Con đường - một chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng rộng lớn chạy qua sân sau chiến lược của Nga. Trong khi đó, việc bổ sung hai thành viên là đối thủ của nhau tại Nam Á là Ấn Độ và Pakistan cũng dấy lên những câu hỏi về sự gắn kết lâu dài của nhóm này.
Pang Zhongying, một thành viên cao cấp tại Pangoal, một tổ chức nghiên cứu có trụ sở tại Bắc Kinh, cho biết, SCO cũng phải đối mặt với những căng thẳng như G7 khi các chính phủ ủng hộ các hành động đơn phương thay vì các hành động tập thể.
“Thời đại vàng của chủ nghĩa đa phương đã kết thúc, đối mặt với khủng hoảng không chỉ có G7, mà cả ở trong SCO,” Pang nói. "Mặc dù phương tiện truyền thông Trung Quốc đăng tải về điều gọi là kết quả phong phú của SCO, chỉ có một vài thành tựu hữu hình trên thực tế được tạo ra từ hội nghị thượng đỉnh này.