(Tổ Quốc) - Tuyên bố đường chín đoạn về chủ quyền Biển Đông của Trung Quốc đã bị bác bỏ.
Phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực ngày 12/7 cho rằng tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông là không có cơ sở pháp lý và Bắc Kinh cũng không có “quyền lịch sử” với các vùng biển tại đây.
Tòa cũng nhận định rằng Trung Quốc đã vi phạm quyền chủ quyền của Philippines cũng như đã gây ra những "tổn hại nghiêm trọng đến môi trường sống của các rạn san hô" bằng cách xây dựng các hòn đảo nhân tạo.
Phán quyết của tòa được đưa ra dựa trên Công ước Liên hợp quốc về luật biển (UNCLOS). (Nguồn: PCA) |
Phán quyết của tòa được đưa ra dựa trên Công ước Liên hợp quốc về luật biển (UNCLOS), được cả Trung Quốc và Philippines kí kết.
Reuters nhận định, đây là thắng lợi của Philippines khi Tòa PCA nhấn mạnh, "Không có cơ sở pháp lý cho Trung Quốc để đòi quyền lịch sử đối với các tài nguyên trong vùng biển thuộc phạm 'đường chín đoạn".
Phản ứng của Trung Quốc
Bộ Ngoại giao trung Quốc cho biết trong một tuyên bố ngày 12/7 sau khi phán quyết được công bố rằng, quyền chủ quyền và lãnh hải của Trung Quốc và lợi ích ở Biển Đông trong mọi trường hợp sẽ không bị ảnh hưởng bởi phán quyết này. Trung Quốc phản đối và sẽ không bao giờ chấp nhận bất kỳ tuyên bố hoặc hành động dựa trên quyết định này.
"Chính phủ Trung Quốc nhắc lại rằng, liên quan đến vấn đề tranh chấp lãnh thổ và phân định biển, Trung Quốc không chấp nhận bất kỳ giải pháp giải quyết tranh chấp nào của bên thứ ba hoặc giải pháp áp đặt với Trung Quốc".
Ngay trước khi phán quyết được công bố, hãng tin Tân Hoa Xã của Trung Quốc thông tin về việc một máy bay dân sự Trung Quốc đã thử nghiệm thành công tại hai sân bay mới ở quần đảo Trường Sa – khu vực tranh chấp tại Biển Đông.
Còn Bộ Quốc phòng Trung Quốc thông báo rằng một tàu khu trục tên lửa dẫn đường mới cũng được chính thức triển khai tại một căn cứ hải quân ở đảo Hải Nam, trong đó có trách nhiệm đối với Biển Đông.
"Phán quyết này là một đòn giáng mạnh mẽ đối với các tuyên bố về quyền tài phán của Trung Quốc ở Biển Đông", Ian Storey, của Viện Ishak Yusof ISEAS tại Singapore, nói với Reuters. Theo New York Times, dư luận đang lo ngại rằng Trung Quốc sẽ phản ứng với phán quyết này bằng cách đẩy nhanh nỗ lực để khẳng định quyền kiểm soát Biển Đông.Cũng có đồn đoán rằng Trung Quốc có thể bồi đắp đảo nhân tạo tại bãi cạn Scarborough, một động thái có thể gây ra xung đột với Philippines vàHoa Kỳ.
Ý nghĩa quan trọng
New York Times cho biết, phán quyết này được cho là sẽ ảnh hưởng tới quá trình tăng cường ảnh hưởng của Trung Quốc như một cường quốc toàn cầu. Phán quyết này có ý nghĩa vô cùng quan trọng vì đây là lần đầu tiên một tuyên bố pháp lý được đưa ra đối với tranh chấp Biển Đông, khu vực bao gồm một số các mỏ dầu và khí đốt hứa hẹn nhất của thế giới và là ngư trường quan trọng.
Tuy nhiên, ảnh hưởng của phán quyết phần nào sẽ bị hạn chế do không có cơ chế thực thi: Không có lực lượng cảnh sát hàng hải quốc tế, và Trung Quốc sẽ không bỏ trống hoặc hủy bỏ việc bồi đắp đảo các đảo nhân tạo trên Biển Đông.
Dù vậy, một phán quyết đề cập đến tính hợp pháp hay không của đường chín đoạn đã báo hiệu rằng các thẩm phán của Tòa án đã "quyết định đi một bước lớn", Julian Ku, giáo sư luật tại Đại học Hofstra đã cho biết trước khi phán quyết được công bố. "Nếu đường chín đoạn được tuyên bố vô hiệu thì tất cả các nước khác sẽ được khích lệ."
“Dù phiên tòa sẽ không giải quyết được triệt để vấn đề Biển Đông nhưng sẽ mang lại rất nhiều ảnh hưởng đến các cuộc đàm phán trong tương lai", New York Times dẫn nhận định Markus Gehring, giảng viên luật tại Đại học Cambridge cho biết./.
(Theo Reuters, New York Times)