• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại vùng biển này là không có cơ sở pháp lý

Thế giới 12/07/2016 16:42

(Tổ Quốc) -Phán quyết của Tòa cho rằng  tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại vùng biển này là không có cơ sở pháp lý

Tòa Trọng tài thường trực (PCA) vừa công bố kết quả phán quyết vụ kiện biển Đông, chỉ trích hành vi của Trung Quốc tại khu vực, từ việc xây dựng các hòn đảo nhân tạo đến can thiệp vào việc đánh bắt cá.

Nhiều người tụ tập reo hò ở thủ đô Manila trước thềm phán quyết của Tòa trọng tài - Ảnh: Reuters 

Phán quyết của Tòa cho rằng  tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại vùng biển này là không có cơ sở pháp lý và Bắc Kinh cũng không có “quyền lịch sử” với các vùng biển ở Biển Đông.

Tòa cũng nhận định rằng Trung Quốc đã vi phạm quyền chủ quyền của Philippines cũng như đã gây ra những "tổn hại nghiêm trọng đến môi trường sống của rạn san hô" bằng cách xây dựng các hòn đảo nhân tạo.

Phán quyết của tòa được đưa ra dựa trên Công ước Liên hợp quốc về luật biển (UNCLOS), được cả Trung Quốc và Philippines kí kết.

Đây được coi là chiến thắng của Philippines khi Tòa PCA nhấn mạnh, "Không có cơ sở pháp lý cho Trung Quốc để đòi quyền lịch sử đối với các tài nguyên trong vùng biển thuộc phạm 'đường chín đoạn".

Trong bản phán quyết dài 497 trang, các thẩm phán cũng chỉ ra rằng việc các tàu thực thi pháp luật của Trung Quốc đã gây nguy hiểm khi va chạm với tàu đánh cá Philippines tại nhiều khu vực trên Biển Đông.

Người Philippines kêu gọi Bắc Kinh chấp nhận quyết định và rời khỏi bãi cạn Scarboroughgười (ảnh: Reuter)

Theo Reuters, trước đó, khoảng 100 người Philippines đã biểu tình bên ngoài lãnh sự quán Trung Quốc ở Manila, ngày 12/7, kêu gọi Bắc Kinh chấp nhận quyết định và rời khỏi bãi cạn Scarborough, một khu vực đánh bắt cá phổ biến của người Philippines đã bị Trung Quốc chiếm giữ kể từ năm 2012.

Về quyền lịch sử của Trung Quốc và "đường chín đoạn": không có bằng chứng rằng Trung Quốc đã thực hiện quyền kiểm soát lịch sử đối với khu vực biển hay tài nguyên ở đây. Tòa trọng tài kết luận rằng không có cơ sở pháp lý để Trung Quốc tuyên bố quyền lịch sử đối với các tài nguyên trong vùng biển này theo phạm vi đường chín đoạn.

Tình trạng của các thực thể: Tòa kết luận rằng không một cấu trúc nào ở Trường Sa có khả năng duy trì đời sống con người nên không khu vực nào có vùng đặc quyền kinh tế hay vùng thềm lục địa.

Tính hợp pháp trong hành động của Trung Quốc: Tòa án thấy rằng Trung Quốc đã vi phạm quyền chủ quyền của Philippines trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này bằng cách (a) can thiệp vào hoạt động đánh cá và thăm dò dầu mỏ của Philippines, ( b) xây dựng đảo nhân tạo và (c) không ngăn chặn ngư dân Trung Quốc đánh bắt cá trong khu vực này. Toà án cũng cho rằng ngư dân Philippines (cũng như những ngư dân Trung Quốc) có quyền đánh cá truyền thống tại bãi cạn Scarborough và rằng Trung Quốc đã can thiệp để hạn chế quyền hạn này của Philippines.

Phản ứng của Bắc Kinh

Trung Quốc vẫn hung hăng bác bỏ phán quyết: Quyền chủ quyền và lãnh hải của Trung Quốc và lợi ích ở Biển Đông trong mọi trường hợp sẽ không bị ảnh hưởng bởi phán quyết này. Trung Quốc phản đối và sẽ không bao giờ chấp nhận bất kỳ tuyên bố hoặc hành động dựa trên quyết định này,

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết trong một tuyên bố ngày 12/7 sau khi phán quyết được công bố.

"Chính phủ Trung Quốc nhắc lại rằng, liên quan đến vấn đề tranh chấp lãnh thổ và phân định biển, Trung Quốc không chấp nhận bất kỳ giải pháp giải quyết tranh chấp nào của bên thứ ba hoặc giải pháp áp đặt với Trung Quốc.

Ngay trước thềm công bố phán quyết, Trung Quốc vẫn ngang ngược thực hiện tập trận bắn đạn thật trái phép gần quần đảo Hoàng Sa thuộc Biển Đông.

Tuần trước, cuộc tập trận đã được công bố bởi Cục quản lý An toàn Hàng hải của tỉnh Hải Nam của Trung Quốc, bao gồm việc khoanh vùng tàu thuyền không được đi và cấm đi lại trong khu vực cấm khoảng 106.000 m2.

Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, "Hải quân Trung Quốc đã tiến hành một cuộc diễn tập chiến đấu ở vùng biển tiếp giáp với phía nam đảo Hải Nam của Trung Quốc và quần đảo Tây Sa vào ngày 8/7", thông tin ngụy biện bằng cách sử dụng tên Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa.

Trước đó, nhận định về vụ kiện của Philippines, Bắc Kinh cũng đã tuyên bố phán quyết của tòa án có khả năng sẽ "gia tăng căng thẳng và phá hoại hòa bình trong khu vực." Hồng Lỗi, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng đã nói rõ rằng "Trung Quốc sẽ không bao giờ thay đổi lập trường của mình."

Tờ Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc còn hung hăng cho biết trong một bài xã luận ngày 12/7 rằng phản ứng của Trung Quốc đối với phán quyết "phụ thuộc vào sự khiêu khích".

Còn Đài Loan tuyên bố không chấp nhận tính ràng buộc pháp lý của phán quyết. Phán quyết của tòa án quốc tế về tranh chấp Biển Đông sẽ không mang tính ràng buộc về mặt pháp lý đối với Đài Loan, thông tấn xã Đài Loan CAN cho biết ngày 12/7, trích dẫn tuyên bố của Thủ tướng Đài Loan Lin Chuan

Ông Lin cho biết Đài Loan kiên định về tuyên bố chủ quyền với các đảo ở Biển Đông, bao gồm cả đảo Ba Bình – thuộc Trường Sa - vùng chủ quyền của Việt Nam. Nhận định này của ông Lin được đưa ra chỉ vài giờ trước khi Tòa trọng tài phán quyết rằng không một cấu trúc nào ở Trường Sa có khả năng duy trì đời sống con người nên không khu vực nào có vùng đặc quyền kinh tế hay vùng thềm lục địa.

Các nước lên tiếng

Nhật Bản, có liên quan tới tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc ở Biển Hoa Đông, cho biết quân đội nước này đang theo dõi chặt chẽ hoạt động của Trung Quốc sau khi phán quyết được đưa ra.

"Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên liên quan phản ứng theo cách mà không làm tăng căng thẳng", Bộ trưởng Quốc phòng Gen Nakatani nói trong một cuộc họp báo ngày 12/7 ở Tokyo. "Chúng tôi sẽ theo dõi sát sao tình hình ở Biển Hoa Đông."

Theo Reuters ngày 12/7, ngay trước khi phán quyết được đưa ra, các quan chức ngoại giao, quân sự và tình báo Hoa Kỳ cho biết phản ứng của Trung Quốc sẽ định hình phần lớn hành động các bên liên quan khác, cũng như Mỹ có động thái phản hồi.

Nếu, ví dụ, Trung Quốc tăng tốc hoặc leo thang các hoạt động quân sự tại khu vực tranh chấp, Mỹ và các quốc gia khác sẽ không có sự lựa chọn nào ngoài việc phản ứng bằng việc mở rộng và gia tăng hoạt động tuần tra hàng hải và hàng không tại Biển Đông, các quan chức Mỹ cho biết, nói với điều kiện giấu tên.

Kế hoạch dự phòng cho hoạt động diễn tập đã được hoàn thành hoặc đang ở giai đoạn cuối cùng, một trong những quan chức Mỹ cho biết, nhưng nói thêm: "Chúng tôi hy vọng tình hình không đến mức đó."

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ