(Tổ Quốc) - Tranh chấp Biển Đông sẽ bước sang một trang mới sau phán quyết của tòa PCA về vụ Philippines kiện Trung Quốc.
Một phán quyết mang tính bước ngoặt của Tòa trọng tài thường trực (PCA) về vụ kiện của Philippines đối với những tuyên bố chủ quyền trái phép của Trung Quốc trên Biển Đông, sắp được công bố ngày 12/7 sẽ là một phép thử đối với luật pháp quốc tế và các cường quốc trên thế giới.
Phiên tòa ngày 24/11/2015 khi Tòa PCA nghe Philippines trình bày vụ kiện. (Nguồn: AP) |
Vụ kiện tập trung vào nội dung gì?
Sau nhiều năm đàm phán ngoại giao không mang lại hiệu quả, Philippines đã đưa tranh chấp với Trung Quốc ra tòa trọng tài quốc tế vào tháng 1/2013, bất chấp những cảnh báo về một phản ứng dữ dội trên phương diện ngoại giao và kinh tế của Bắc Kinh.
Trung Quốc từ lâu đã tuyên bố muốn đàm phán trực tiếp với Philippines và các bên liên quan khác theo cách mà ảnh hưởng và sức nặng về kinh tế của Bắc Kinh sẽ là một lợi thế. Đồng thời, nước này cũng kiên quyết phản đối đưa tranh chấp Biển Đông ra các diễn đàn quốc tế, điều có thể sẽ khiến Mỹ can thiệp.
Philippines đã đưa ra 15 vấn đề trong vụ kiện, bao gồm việc yêu cầu Tòa PCA tuyên bố yêu sách chủ quyền của Trung Quốc, được gọi là đường chín đoạn, bao quanh gần như toàn bộ lãnh thổ Biển Đông là phi pháp, dựa trên Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS). Trung Quốc và Philippines nằm trong số hơn 160 nước ký Công ước này năm 1982, - được coi như hiến pháp điều chỉnh và quy định quyền của các quốc gia trong việc sử dụng đại dương trên thế giới.
Philippines cũng yêu cầu tòa án chỉ rõ liệu một số khu vực tranh chấp là các hòn đảo, mỏm san hô – chỉ lộ ra khi triều thấp hoặc các bãi dài có thuộc vùng lãnh hải quốc gia theo luật biển hay không. Manila cũng đề nghị PCA tuyên bố Trung Quốc đã vi phạm quy ước về luật biển khi thực hiện các hoạt động đánh bắt cá và bồi đắp – điều vi phạm quyền hàng hải của Philippines.
Tranh chấp Biển Đông được bắt đầu như thế nào?
Mặc dù tranh chấp đã diễn ra trong nhiều thập kỷ, căng thẳng dần dần leo thang dưới thời cựu Tổng thống Philippines Benigno Aquino III và lên đến đỉnh điểm vào năm 2012 khi Trung Quốc kiểm soát hoàn toàn bãi cạn Scarborough.
Trong khi đó, các tàu bảo vệ bờ biển của Trung Quốc cũng bao quanh bãi Hãi Sâm, Trường Sa, ngăn cản các tàu cá Philippines vào khai thác trong khi cản trở việc tiếp tế lương thực và nhu yếu phẩm của Philippines cho các binh sĩ đồn trú gần đó.
Theo AP, người Philippines cho biết họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc đưa tranh chấp này ra tòa trọng tài quốc tế.
Phán quyết sẽ thay đổi điều gì?
Phán quyết cuối cùng của tòa án sắp tới mang tính ràng buộc pháp lý với Trung Quốc và Philippines. Tuy nhiên, việc Trung Quốc tuyên bố bác bỏ vụ việc và do phiên tòa thiếu cơ chế thực thi phán quyết đã làm giảm sức nặng theo kỳ vọng của Philippines.
Cựu Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario, người dẫn đầu việc nộp đơn kiện chống lại Trung Quốc, nói rằng một phán quyết ủng hộ bất cứ vấn đề nào trong 15 nội dung mà Philippines đưa ra, đặc biệt là về yêu cầu tòa khẳng định tuyên bố đường chín đoạn của Trung Quốc là phi lý theo UNCLOS sẽ là một đòn giáng mạnh vào Bắc Kinh và là một chiến thắng tinh thần đối với Philippines.
Chính phủ Philippines, các nhà ngoại giao Philippines cho biết, có thể làm việc với Washington và các nước khác để yêu cầu Trung Quốc tuân thủ trên các diễn đàn ngoại giao trên toàn thế giới, kể cả tại Liên Hợp Quốc.
Nếu như không thực hiện, Trung Quốc có nguy cơ bị mất uy tín nghiêm trọng tại thời điểm nước này đang nỗ lực mở rộng ảnh hưởng chính trị và kinh tế trên sân khấu thế giới.
Ông Carpio cũng đã vẽ ra một bức tranh tối màu nếu tòa PCA không ra phán quyết chỉ trích Trung Quốc và đưa ra các khả năng rằng Bắc Kinh sẽ thực thi tuyên bố đường chín đoạn như đường biên giới quốc gia, còn Mỹ sẽ đẩy mạnh hoạt động tuần tra để thúc đẩy tự do hàng hải trong khi các bên có liên quan sẽ bị cuốn vào một cuộc chạy đua vũ trang nguy hiểm.
"Biện pháp phòng thủ duy nhất của các quốc gia ven biển sẽ là mua tàu chiến, máy bay chiến đấu và các tên lửa chống tàu," ông Carpio nói. "Căng thẳng sẽ tăng lên. Biển Đông sẽ trở nên hỗn loạn."
Tại sao Trung Quốc từ chối tham gia vụ kiện này?
Trung Quốc đã lập luận rằng tòa PCA không có thẩm quyền để xử lý vụ kiện của Philippines, bởi vì tranh chấp này liên quan đến vấn đề chủ quyền, điều nằm ngoài quyền tài phán của tòa án.
Bắc Kinh cũng tuyên bố tranh chấp ở Biển Đông thuần túy là vấn đề của các nước châu Á, và những "người ngoài" như Mỹ không có quyền can thiệp.
Trong khi đó, Manila phản hồi rằng, việc Trung Quốc không tham gia vụ kiện vì nước này biết rằng những cơ sở lịch sử cho các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh không còn được công nhận trong những hiệp ước quốc tế hiện đại như UNCLOS.
Phản ứng của dư luận quốc tế
Mỹ, Anh và Liên minh châu Âu đã tuyên bố ủng hộ vụ kiện trong khi cuộc chiến ngoại giao về vấn đề này cũng đặt nhiều quốc gia và các khối nhỏ hơn vào tình thế khó khăn, điển hình như Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), với 4 quốc gia liên quan trực tiếp trong tranh chấp.
Philippines đã nỗ lực kêu gọi ASEAN ra tuyên bố chung để yêu cầu Trung Quốc tôn trọng phán quyết của tòa trọng tài nhưng điều này vẫn chưa được thực hiện do nguyên tắc cơ bản của ASEAN là ra quyết định dựa trên đồng thuận, nên chỉ cần một nước không đồng tình thì vấn đề không thể thông qua.
Bên cạnh đó, Malaysia, Indonesia và Singapore cũng hết sức thận trọng trong các quyết định liên quan tới Trung Quốc.
Còn Bắc Kinh nói rằng có nhận được sự ủng hộ của 40-60 quốc gia, nhưng cho tới nay chưa đưa ra danh sách chính thức những nước này, phần lớn thuộc châu Phi nằm sâu trong lục địa, và các đảo quốc nhỏ ở Thái Bình Dương – khu vực nhận hỗ trợ kinh tế đáng kể của Trung Quốc.
(Theo AP)