(Tổ Quốc) - Các chuyên gia nghiên cứu vô cùng ngạc nhiên khi phát hiện ra những cánh cửa bí ẩn trên Vạn Lý Trường Thành, một trong những công trình vĩ đại của thế giới.
Theo đó, một nhóm nghiên cứu ở Trung Quốc mới đây phát hiện ra tàn tích của hơn 130 cánh cửa bí ẩn trên Vạn Lý Trường Thành, thông qua các hình ảnh có độ phân giải cao.
Cụ thể, dựa trên việc phân tích hình ảnh kỹ lưỡng cùng các chuyến đi thực tế đến Vạn Lý Trường Thành, nhóm nghiên cứu đã nhận thấy mỗi cánh cửa bí ẩn lại được thiết kế một cách khéo léo để tương thích với địa hình của từng địa phương.
Các chuyên gia cho rằng, trong quá khứ, những lối đi bí mật này được xây dựng để dành cho những người làm nhiệm vụ do thám đi qua. Trong khi đó, có một số cánh cửa bí ẩn được xây dựng để đóng vai trò như các kênh liên lạc giữa bên trong và ngoài Vạn Lý Trường Thành, hoặc để giao thương buôn bán trong thời cổ đại.
Một số tài liệu từ thời nhà Minh (1368 – 1644) chỉ ra rằng, các bộ lạc du mục được phép sử dụng những cánh cổng bí mật như vậy để tiến hành chăn thả gia súc của họ giữa Thanh Hải và một khu vực ở phía tây bắc Trung Quốc, nơi có nguồn nước và cỏ dồi dào vào thời điểm đó.
Giáo sư Zhang Yukun tại ĐH Thiên Tân, đồng thời là trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết điều này hoàn toàn khả thi bởi vì thực tế một số cánh cửa bí mật lớn có thể cho phép hai con ngựa đi qua cùng một lúc theo cả hai hướng.
"Tất cả những điều này giúp chứng minh Vạn Lý Trường Thành không hoàn toàn đóng, mà mở một cách bí mật", ông Zhang Yukun chia sẻ thêm.
Theo các chuyên gia, trước đây, ở Trung Quốc có rất ít nghiên cứu về các lối đi bí mật như vậy. Do đó, khám phá mới này được coi là một bước ngoặt có thể giúp nghiên cứu về cấu trúc sống động của Vạn Lý Trường Thành.
Ngoài ra, các đường hầm bí ẩn nhất ở Vạn Lý Trường Thành cũng đã được nhóm nghiên cứu tìm ra. Những lối đi kín đào này đã được các học giả trong những triều đại như nhà Đường, Tống, Minh và Thanh ghi chép lại. Thế nhưng chưa bao giờ có bất kỳ bằng chứng cụ thể nào cho thấy về một lối đi bí mật như vậy từng được phát hiện trước đó.
Trên thực tế, các chuyên gia cho biết, mặt của lối đi bí ẩn với kẻ địch được nguỵ trang bằng gạch, trong khi mặt còn lại được thiết kế rỗng. Do đó, kẻ địch gần như không thể phân biệt được vị trí của lối đi từ bên ngoài. Tuy nhiên, khi con đèo chính gần đó bị tấn công, binh lính có thể phá cổng từ bên trong, giống như là phá vỏ trứng, và sau đó họ sẽ thực hiện cuộc tấn công bất ngờ.
Ông Li Zhe, thành viên nhóm nghiên cứu nhận định: "Đây là một minh chứng tuyệt vời cho thấy trí tuệ quân sự của Trung Quốc thời cổ đại".
Vạn Lý Trường Thành – Công trình kỳ vĩ hơn 2.000 năm tuổi
Với tổng chiều dài hơn 20.000 km, Vạn Lý Trường Thành là Di sản Thế giới được UNESCO công nhận. Công trình khổng lồ này bao gồm nhiều bức tường được nối liền với nhau.
Vạn Lý Trường Thành được coi là biểu tượng dễ nhận biết nhất của Trung Quốc, với lịch sử lâu đời và có cấu trúc rất sống động. Ban đầu, sau khi Hoàng đế Tần Thuỷ Hoàng thống nhất Trung Quốc vào năm 221 TCN và lập ra nhà Tần, ông đã cho xây dựng bức tường dài tới 5.000 km để bảo vệ lãnh thổ của đất nước.
Các triều đại sau đó cũng tiếp tục công việc xây dựng và tu sửa Vạn Lý Trường Thành. Phần nổi tiếng và được bảo tồn tốt nhất của Vạn Lý Trường Thành được xây dựng từ thế kỷ 14 đến thế kỷ 17, dưới triều đại nhà Minh.
Nhiều người cho rằng Vạn Lý Trường Thành là một cấu trúc nhất quán, không bị gián đoạn. Tuy nhiên, công trình khổng lồ này hoá ra lại là một mạng lưới tường thành trải dài qua biên giới phía bắc của lãnh thổ Trung Quốc thời cổ đại.
Ngoài lịch sử hơn 2.000 năm, Vạn Lý Trường Thành còn là công trình khiến các chuyên gia, nhà nghiên cứu bất ngờ. Bởi công trình này không chỉ được xây dựng bằng những vật liệu thông thường như đất, đá mà còn có những thành phần như gạo nếp, cây sậy. Trong đó, gạo nếp được dùng làm vữa sau khi được nấu chín và giã nhuyễn. Những nghiên cứu ngày nay cũng chỉ ra rằng, chất amylopectin có trong gạo nếp giúp tạo sức bền cho các bức tường.
Hiện nay, Bát Đạt Lĩnh, phần nổi tiếng nhất của Vạn Lý Trường Thành, nằm cách Bắc Kinh 70 km về phía tây bắc, được xây dựng từ thời nhà Minh, thu hút hàng nghìn du khách tới tham quan mỗi ngày.
Bài viết tham khảo nguồn: History, Xinhua