• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Phát hiện khoa học mới giải thích tình trạng thế giới nóng lên nhanh hơn dự kiến

Thế giới 06/12/2024 11:31

(Tổ Quốc) - Năm 2023 là năm nóng nhất từng được ghi nhận về tình trạng đại dương sôi sục, các sông băng tan chảy với tốc độ đáng báo động, khiến các nhà khoa học phải tìm hiểu chính xác lý do tại sao.

Theo các nhà khoa học, hiện tượng nhiệt độ cực cao được thúc đẩy bởi một số nguyên nhân nhưng chủ yếu là ô nhiễm làm nóng hành tinh do đốt nhiên liệu hóa thạch và hiện tượng El Niño. Nhưng chỉ riêng những yếu tố đó chưa thể giải thích hết được sự gia tăng nhiệt độ nhanh bất thường.

Phát hiện khoa học mới giải thích tình trạng thế giới nóng lên nhanh hơn dự kiến - Ảnh 1.

Những đám mây lúc mặt trời mọc ở Bãi biển Lido, New York, ngày 23/9/2022. Ảnh: Shannon Stapleton/Reuters

Một nghiên cứu mới được công bố vào ngày 5/12 trên tạp chí Science cho biết họ đã xác định thêm một nguyên nhân nữa gây ra hiện tượng hành tinh nóng lên. Đó là mây.

Cụ thể hơn, theo nghiên cứu, sự gia tăng nhanh chóng về nhiệt độ được thúc đẩy bởi sự thiếu hụt các đám mây thấp trên các đại dương. Phát hiện này có thể ảnh hưởng đến sự nóng lên trong tương lai.

"Nói một cách đơn giản, các đám mây ở vùng thấp đã biến mất khiến nhiều ánh sáng Mặt Trời chiếu vào hơn", Helge Goessling, tác giả báo cáo và nhà vật lý khí hậu tại Viện Alfred Wegener ở Đức cho biết.

Hiện tượng này được gọi là "suất phản chiếu" và liên quan đến khả năng phản xạ năng lượng mặt trời trở lại không gian của bề mặt.

Suất phản chiếu hay suất phản xạ (Albedo) là khái niệm liên quan đến hiện tượng phản xạ khuếch tán hoặc công suất phản xạ của bề mặt.

Theo báo cáo, suất phản chiếu của Trái đất đã giảm đáng kể từ những năm 1970, một phần là do tuyết và băng biển tan chảy, để lộ vùng đất và nước sẫm màu hấp thụ nhiều năng lượng từ mặt trời hơn, làm nóng hành tinh.

Theo nguyên lý của hiệu ứng Suất phản chiếu, khi Mặt Trời chiếu xuống băng tuyết, băng sẽ phản chiếu ánh sáng và một phần nhiệt lượng sẽ tỏa lên không trung. Lớp băng càng dày, màu càng trắng thì mức độ phản chiếu càng mạnh, thậm chí mạnh gấp đôi tầng băng mỏng và gấp 10 lần mặt nước, và lượng nhiệt tỏa lên sẽ nhiều hơn. Do đó, khi tầng băng trở nên mỏng đi hay tan thành nước, sức phản chiếu ánh sáng sẽ giảm và Trái Đất sẽ phải hấp thu nhiều năng lượng Mặt Trời hơn. Các đám mây thấp cũng góp phần vào hiệu ứng này vì chúng phản chiếu ánh sáng mặt trời.

Nghiên cứu dữ liệu vệ tinh của NASA

Các nhà khoa học đã nghiên cứu dữ liệu vệ tinh của NASA, dữ liệu thời tiết và các mô hình khí hậu đồng thời phát hiện sự suy giảm của các đám mây thấp đã tác động đến Suất phản chiếu.

Nghiên cứu cũng phát hiện các khu vực bao gồm một số vùng của Bắc Đại Tây Dương đã trải qua sự sụt giảm đặc biệt đáng kể các đám mây ở vùng thấp. Tuy nhiên, hiện nghiên cứu vẫn chưa thể giải thích chắc chắn tại sao điều này lại xảy ra. Đây là một vấn đề phức tạp và rất khó để giải quyết", Goessling cho biết.

Ông tin rằng sự suy giảm các tầng mây thấp có thể xuất phát từ một số lý do. Đầu tiên là việc giảm ô nhiễm từ ngành vận tải, đã giúp giảm lượng khí thải lưu huỳnh có hại. Nếu như vậy, đây sẽ là một chiến thắng trong nỗ lực bảo vệ sức khỏe con người.

Thứ hai là thúc đẩy bởi biến động khí hậu tự nhiên, bao gồm cả sự thay đổi của các mô hình đại dương. Và thứ ba là do hiện tượng nóng lên toàn cầu - một yếu tố đáng báo động.

Các đám mây tầng thấp có xu hướng phát triển mạnh trong bầu khí quyển thấp mát mẻ và ẩm ướt. Khi bề mặt hành tinh nóng lên, điều này có thể khiến chúng mỏng đi hoặc tan biến hoàn toàn. Như vậy, các đám mây tầng thấp biến mất là do hiện tượng nóng lên toàn cầu và sự biến mất của chúng tiếp tục thúc đẩy sự nóng lên hơn nữa.

"Nếu điều này xảy ra, dự báo về sự nóng lên trong tương lai có thể tăng lên và hành tinh có thể tiếp tục nóng lên khá dữ dội trong tương lai", ông Goessling nhấn mạnh.

Ông Mark Zalinka, một nhà khoa học về khí quyển tại Phòng thí nghiệm quốc gia Lawrence Livermore, người không tham gia vào nghiên cứu này, nhận định "giả thiết các đám mây đóng vai trò quan trọng trong câu chuyện này là hợp lý, vì về cơ bản chúng hoạt động như "kem chống nắng của Trái đất".

"Những thay đổi nhỏ trong lớp mây có thể quyết định các hiện tượng nóng lên của Trái đất", ông nói với CNN.

Trong khi đó, ông Tapio Schneider, một nhà khoa học về khí hậu tại Viện Công nghệ California, cũng bày tỏ lo ngại trước kết quả của nghiên cứu này. Ông cho rằng nếu sự nóng lên toàn cầu bị ảnh hưởng bởi những thay đổi lớn của lớp mây thì hiện tượng nóng lên toàn cầu sẽ trở nên mạnh hơn so với dự đoán trước đây.

Mây có vẻ đơn giản, thậm chí là tầm thường, nhưng chúng có tác động lớn đến khí hậu. Các nhà khoa học vẫn chưa thể giải mã được hết cách chúng hoạt động. Ông Goessling cho rằng đây sẽ là "một trong những vấn đề đau đầu nhất" trong ngành khoa học khí hậu. Vì vậy, việc tìm ra mối tương quan giữa các đám mây với sự nóng lên toàn cầu là điều quan trọng vì yếu tố này có thể quyết định mức độ nóng lên của hành tinh trong tương lai./.

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ