• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Phát triển văn hoá ẩm thực thông qua nghệ thuật làm đồ ăn mô phỏng ở Nhật Bản

Thế giới 26/11/2024 16:11

(Tổ Quốc) - Làm đồ ăn mô phỏng là một hoạt động phổ biến ở Nhật Bản dành cho khách du lịch muốn tìm hiểu về văn hóa địa phương.

Khích lệ sự tò mò của du khách về nghệ thuật làm đồ ăn mô phỏng

Theo trang SCMP, du khách thường nhìn thấy đồ ăn mô phỏng các món ăn từ các cửa sổ trưng bày của nhiều nhà hàng ở Nhật Bản. Và hầu hết khách du lịch đến Nhật Bản đều muốn tham gia các buổi hội thảo để tìm hiểu cách làm ra chúng.

Nghệ thuật  - Ảnh 1.

Hàng loạt đồ ăn mô phỏng tại một nhà hàng ở Nhật Bản. Ảnh: Công ty Iwasaki

Tại một xưởng ở Tokyo, khoảng một chục du khách chứng kiến sáp xanh và trắng được đổ vào nước ấm. Khi chất lỏng chuyển thành một tấm, họ được yêu cầu từ từ kéo lên và cuộn lại, ngạc nhiên khi thấy biến thành rau diếp.

Các bài học thực hành về nghệ thuật tạo ra bản sao thực phẩm đã thu hút du khách nước ngoài muốn tìm hiểu thêm về một nghề thủ công đặc biệt của Nhật Bản đã phát triển trong hơn 100 năm qua. Một cuộc triển lãm về bản sao thực phẩm cũng được tổ chức tại thủ đô London của Anh vào năm nay.

Các bài học được cung cấp bởi Iwasaki Group, được cho là công ty đầu tiên thương mại hóa sản xuất bản sao thực phẩm vào năm 1932.

Hiện những sản phẩm này không chỉ được sử dụng trưng bày tại cửa sổ của các nhà hàng mà còn được xem như món đồ lưu niệm hấp dẫn dành cho khách du lịch. Bản sao thực phẩm có nguồn gốc từ giai đoạn cuối những năm 1910 đến đầu những năm 1920 ở Nhật Bản, khi việc ăn uống bên ngoài trở nên phổ biến nhờ sự xuất hiện các nhà hàng.

Sự phổ biến của các bản sao thực phẩm ngày càng lan rộng trong bối cảnh văn hóa ẩm thực phát triển và ý tưởng đưa các món ăn phương Tây xa lạ đến người tiêu dùng ở Nhật Bản.

Ông Daniel Bucheli, Giám đốc bán hàng đến từ Thụy Sĩ, đã đặt một chỗ tại hội thảo trưng bày những món ăn mô phỏng thu hút sự chú ý đến các khách mời.

"Tôi muốn thử trải nghiệm văn hóa mà chỉ có thể có ở Nhật Bản. Oishiso ['có vẻ ngon' trong tiếng Nhật]" - ông đã nói như vậy với khách mời khi giả vờ cắn vào món tempura bí ngô.

Sam Li, một thành viên trong nhóm 15 người khác đến từ Hồng Kông (Trung Quốc) đã thử làm bản sao thực phẩm lần đầu tiên.

"Tôi đã gửi cho con gái 14 tuổi của mình một bức ảnh và con bé nói rằng chắc chắn muốn thử. Tôi chắc chắn sẽ đưa con bé đến Nhật Bản vào lần tới chúng tôi ghé thăm", Sam Li nói.

Magnus Wattman, 49 tuổi, một nhà thiết kế đồ họa đến từ Thụy Điển, đã tìm kiếm trên Google "cửa hàng đồ ăn giả" và tìm thấy vị trí sau khi anh nhìn thấy một bản sao đồ ăn của một cây kem ốc quế bên ngoài một nhà hàng ở Tokyo.

"Tôi nghĩ đây sẽ là một món quà lưu niệm tuyệt vời'", Wattman, người đã mua bản sao của một miếng bánh mì nướng ăn dở, chuối và trứng lòng đào, cho biết.

Và Ariel Shitrit, một cậu bé 13 tuổi đến thăm Nhật Bản từ Israel cùng cha mình, là một trong những người bị mê hoặc bởi những sáng tạo đầy màu sắc sau khi nhìn thấy chúng trên TikTok.

"Điều kỳ diệu"

Những món ăn mô phỏng này thu hút nhiều khách du lịch là bởi sự cẩn thận trong từng chi tiết của các nghệ nhân làm đồ ăn giả.

Mỗi ngày, một nhà máy ở Yokohama, do Iwasaki GroupIwasaki Group điều hành, luôn bận rộn với khoảng 50 công nhân đang miệt mài chế tạo các bản sao thực phẩm.

Phát triển văn hóa ẩm thực thông qua nghệ thuật làm đồ ăn mô phỏng ở Nhật Bản - Ảnh 2.

Các bản sao thực phẩm giống như thật của Nhật Bản đang ngày càng được khách du lịch ưa chuộng. Họ muốn tìm hiểu thêm về cách chế biến chúng và nghệ thuật này đã phát triển như thế nào. Ảnh: Iwasaki Group

Đầu tiên, thợ thủ công lấy khuôn của từng thành phần. Sau khi nhựa dẻo được đổ vào khuôn và nung trong lò, các thành phần cơ bản đã sẵn sàng để tô màu.

Thợ thủ công sử dụng súng phun, pha trộn nhiều màu sắc khác nhau, vẽ các đường vân đá mịn trên sashimi hoặc các chấm nhỏ trên vỏ quả lê sao cho giống hệt quả lê thật.

Theo truyền thống, thợ thủ công phải dành ba năm để lấy khuôn và cảm nhận các màu sắc và kết cấu khác nhau của các thành phần trước khi học quy trình tô màu.

Các thành phần có màu sau đó được sắp xếp lại với nhau trên đĩa hoặc bát do nhà hàng cung cấp, tiếp theo là các công đoạn hoàn thiện, chẳng hạn như đổ nước sốt hoặc đánh bóng.

Hiroaki Miyazawa, quản lý nhà máy, người đã làm đồ ăn mô phỏng trong 28 năm, cho biết: "Mục tiêu là làm cho chúng trông thật đến mức bạn thực sự có thể ngửi thấy hương vị của đồ ăn mô phỏng. Những thành phần khó tái tạo nhất là các thành phần thô như cá và lá thảo mộc".

Tuy nhiên, bất chấp sự thích thú của du khách nước ngoài, ngành công nghiệp tạo đồ ăn mô phỏng vẫn đang gặp khó khăn do nhu cầu ngày càng giảm ở Nhật Bản.

"Các bản sao đồ ăn hiện vẫn được sử dụng trong các nhà hàng nằm trong các trung tâm thương mại nhưng không nhiều ở các nhà hàng ven đường", Miyazawa giải thích.

Phát triển nghề thủ công làm đồ ăn mô phỏng

Trong những thập kỷ gần đây, sự trỗi dậy của nền văn hóa ẩm thực đa dạng hơn cùng với sự phổ biến ngày càng tăng của các món ăn nước ngoài đã khiến những người thợ thủ công khó khăn và tốn thời gian hơn trong việc sản xuất các mô hình.

Để ứng phó với nhu cầu giảm từ các nhà hàng, nhà sản xuất Iwasaki Group đã khám phá các thị trường tiềm năng khác.

Tập trung vào tình trạng thiếu hụt lao động của ngành nông nghiệp Nhật Bản, công ty đang phát triển các bản sao của các loại cây trồng như rau và trái cây để sử dụng trong việc giảng dạy cho những người lao động nước ngoài không có tay nghề hoặc tạm thời.

Các công ty dược phẩm cũng có nhu cầu về bản sao của thuốc.

Sản xuất bản sao thực phẩm cũng đã phát triển, với các vật liệu được sử dụng để làm mẫu đã thay đổi từ sáp sang nhựa tổng hợp vào khoảng những năm 1980 để giải quyết vấn đề về độ bền, vì sáp có xu hướng tan chảy hoặc phân hủy dưới nhiệt độ cao và ánh sáng mặt trời, đặc biệt là khi đặt gần cửa sổ của nhà hàng.

Iwasaki cũng đã chuyển sang sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường, bắt đầu với 10% thành phần có nguồn gốc từ sinh khối, để giải quyết mối lo ngại của người tiêu dùng ở nước ngoài.

Tại London, một triển lãm giới thiệu lịch sử, văn hóa và nghề thủ công độc đáo các bản sao thực phẩm đã khai mạc vào tháng 10 năm nay. Du khách đã được chiêm ngưỡng khoảng 150 bản sao các món ăn ngon của Nhật Bản do Iwasaki Group thực hiện.

Phản hồi rất tích cực và lượng truy cập vào trang web của Iwasaki từ Anh đã tăng gấp 4 lần.

"Thật đáng kinh ngạc khi những điều này có thể bắt đầu từ hoạt động tiếp thị và trở thành một hình thức nghệ thuật thu thú sự chú ý của công chúng", Matilda Davies, một du khách người Anh đến tham quan triển lãm cho biết.

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ