(Tổ Quốc) - Ngay sau phiên chất vấn của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân vào chiều 7/11, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã phát biểu bổ sung thêm một số ý kiến liên quan đến lĩnh vực mà ông phụ trách.
- 07.11.2019 Đại biểu Quốc hội nói không thực tế khi đưa cán bộ xã luân chuyển lên huyện, tỉnh
- 07.11.2019 Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân: "Có những đồng chí vi phạm về tiêu chuẩn tuyển dụng, bổ nhiệm thì nay đã là cán bộ cấp cao rồi"
- 07.11.2019 Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân: “Tôi hơn mười năm làm lãnh đạo từ cấp tỉnh trở lên chưa có bản tự kiểm điểm nào”
Chính phủ đã nỗ lực sắp xếp, kiện toàn bộ máy tổ chức nhà nước
Theo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, đổi mới chế độ công vụ, công chức là chủ trương lớn quan trọng được đề cập trong các Nghị quyết số 18, 19, 26, 27 của Ban Chấp hành Trung ương, Quy định số 205 của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức chạy quyền.
Mục tiêu, quan điểm xuyên suốt là xây dựng tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, tinh gọn, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm của từng cơ quan, cấp chính quyền, thực hiện tinh giản biên chế nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, qua đó góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy, chính quyền các cấp.
Trên cơ sở kết quả giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2016, tại kỳ họp thứ tư Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 56 Quốc hội khoá 14 về việc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, tinh gọn hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
"Thời gian qua, Chính phủ đã nỗ lực trong việc sắp xếp, tổ chức, kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính nhà nước và cải cách chế độ công vụ, công chức theo các chủ trương, định hướng của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội" – Phó Thủ tướng cho biết.
Vẫn còn sai phạm trong tuyển dụng, bổ nhiệm
Cũng theo Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, bên cạnh những kết quả đạt được quá trình tổ chức thực hiện còn một số khó khăn, vướng mắc như: Tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước của một số lĩnh vực chưa thực sự tinh gọn, hiệu quả hệ thống đơn vị sự nghiệp công lập còn cồng kềnh, phân tán, xã hội hoá dịch vụ sự nghiệp công còn hạn chế một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế yếu kém, về phẩm chất, năng lực chưa làm tròn, chức trách nhiệm vụ được giao còn tình trạng tham nhũng vặt.
Cùng với đó công tác thực thi chính sách pháp luật còn chưa hiệu quả; vẫn còn sai phạm trong tuyển dụng, bổ nhiệm, việc xử lý sai phạm chưa nghiêm, công tác đánh giá chất lượng đội ngũ công chức, viên chức chưa thực chất, số liệu chưa thuyết phục. Chính phủ cũng đã nắm được những vấn đề này và đang từng bước có giải pháp xử lý.
Tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội cử tri cả nước, Chính phủ sẽ tập trung thực hiện quyết liệt đồng bộ. Trong đó, đặc biệt lưu ý những vấn đề như: Văn bằng, chứng chỉ trong tuyển dụng, xử lý các vi phạm trong hoạt động công vụ, xử lý cán bộ sau khi nghỉ hưu sắp xếp cán bộ dôi dư do tinh giản biên chế; chính sách đặc thù phù hợp đối với cán bộ là người dân tộc thiểu số; Phương thức thi nâng ngạch công chức chỉ đạo các bộ.
Đồng thời, tiếp tục rà soát, sắp xếp, thu gọn đầu mối tổ chức của các cơ quan bố trí số lượng cấp phó phù hợp đối với việc thí điểm hợp nhất các sở, địa phương căn cứ ý kiến của các cơ quan.
Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ Nội vụ xây dựng lộ trình thực hiện phù hợp, khả thi, thận trọng trong công tác sắp xếp tổ chức và bố trí cán bộ; đẩy mạnh đổi mới cơ chế hoạt động đơn vị sự nghiệp công lập theo lộ trình như Nghị quyết Trung ương 6 khoá 12 gắn với nâng cao chất lượng và thực hiện xã hội hoá, dịch vụ sự nghiệp công.
Vấn đề về tổ chức cán bộ phải làm từng bước, thận trọng
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh, những vấn đề về sắp xếp, tổ chức bộ máy tinh giản biên chế theo hướng thu gọn đầu mối là vấn đề liên quan tổ chức con người, rất phức tạp trong quá trình thực hiện và phải giải quyết những vấn đề do lịch sử để lại đã tồn tại một thời gian dài.
Chính phủ xác định phải làm từng bước thận trọng, vừa làm vừa rút kinh nghiệm vừa lắng nghe theo ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động để có giải pháp giải quyết đúng quy định của pháp luật. Đồng thời cũng phải đảm bảo hợp tình hợp lý.
Chính phủ đang có những chủ trương giải quyết phải vừa đạt được yêu cầu các nghị quyết của Đảng, Quốc hội vừa không tạo ra những vấn đề xã hội bức xúc. Ví dụ giải quyết vấn đề giáo viên hợp đồng sắp xếp cán bộ dôi dư. Vấn đề sáp nhập một số cơ quan…một số vấn đề một số vấn đề Quốc hội đang thảo luận ví dụ như sáp nhập 3 Văn phòng.
Bày tỏ cảm ơn các ý kiến của Đại biểu Quốc hội, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình khẳng định: "Sắp xếp, cải tiến bộ máy, tinh giản biên chế không phải là vấn đề mới trong các giai đoạn phát triển của đất nước, chúng ta cũng đã tiến hành một số lần nhưng vấn đề này chưa bao giờ là dễ dàng. Chính phủ xác định đây là vấn đề khó khăn, phức tạp nên phải có bước đi phù hợp, thận trọng"./.