• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Phomai làm từ vi khuẩn tai người, cây dâu biết nói… xuất hiện bất ngờ tại London

Thế giới 16/05/2019 16:04

(Tổ Quốc) - Một triển lãm đặc biệt nhấn mạnh vào vòng tuần hoàn và tính bền vững của thực phẩm đang diễn ra tại thủ đô nước Anh.

Phomai được làm bằng vi khuẩn lấy từ tai, móng chân và nách của người nổi tiếng; toilet có chất liệu… phân bò; chai đựng nước có thể ăn được; cây "biết nói"… - đó là một vài trong số các trải nghiệm đang chờ đón người xem tại bảo tàng Victoria & Albert, London trong một chương trình triển lãm đặc biệt với mục đích nhấn mạnh vào vòng thực phẩm từ nông trại tới bếp ăn cũng như tính bền vững.

Phomai làm từ vi khuẩn tai người, cây dâu biết nói… xuất hiện bất ngờ tại London - Ảnh 1.

Phomai làm từ vi khuẩn tai người, cây dâu biết nói… xuất hiện bất ngờ tại London - Ảnh 2.

Phomai làm từ vi khuẩn tai người, cây dâu biết nói… xuất hiện bất ngờ tại London - Ảnh 3.

Một số hình ảnh trong triển lãm tại bảo tàng V&A, London (ảnh: Reuters)

"Nhiều người không biết rằng, mối quan hệ của bạn với thực phẩm không chỉ dừng lại ở giây phút bạn ăn những thứ trong bát của mình", May Rosenthal Sloan, đồng giám tuyển của triển lãm "THỰC PHẨM: to lớn hơn là đĩa đựng", chia sẻ với Reuters. "Mỗi bữa ăn, mỗi hành động ăn uống đều kết nối bạn với thiên nhiên, văn hóa, kinh tế và chính trị, tới chính cơ thể của bạn và chúng tôi muốn mọi người nhìn thấy điều đó theo một cách mở rộng và nghĩ về những lựa chọn của chúng ta có thể ảnh hưởng tới tương lai như thế nào".

Tại triển lãm, có nhiều loại phomai khác nhau – từ mozzarella, comte, cheddar, Cheshire và stilton – được làm từ các vi khuẩn lên men lấy từ rapper Professor Green, đầu bếp Heston Blumental, ca sỹ Suggs, nhạc sỹ Alex James và cây bút Ruby Tandoh.

"Có rất nhiều sự tương tự giữa các vi khuẩn dưới nách bạn và những gì thực sự có trong phomai", nhà thiết kế sinh học Helene Steiner nói. "Vì vậy, nó giống như là bạn đang nhìn vào sự đa dạng, vẻ đẹp của thực phẩm và cách vi khuẩn giúp chúng ta tạo ra đồ ăn".

Steiner cũng là tác giả của "Dự án Florence", hay còn gọi là "cây biết nói" – một tác phẩm đến từ bốn năm nghiên cứu về các dấu hiệu sử dụng điện và hóa học của thực vật. Với mục đích "đưa cho tự nhiên một tiếng nói", dự án đặt một cây dâu tây vào trong một lọ thủy tinh, kết nối với máy tính và cho phép người xem đánh máy câu hỏi và nhận được câu trả lời được in ra.

"Một trong những lý do tôi bắt đầu dự án này là do thuốc trừ sâu…", Steiner nói. "Tôi nghĩ sẽ rất thú vị nếu chúng ta có thể hiểu được khi nào mà thực vật thực sự bị ảnh hưởng bởi thuốc trừ sâu và chỉ sử dụng lượng thuốc chính xác và đúng thời điểm".

Một số chủ đề đáng chú ý của triển lãm là phân hữu cơ, nông trại, thương mại và ăn uống. Các hiện vật trưng bày đáng chú ý khác còn có các thiết kế xúc xích, trang trại nấm thành thị…

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ