(Tổ Quốc) - Financial Times đăng tải, hôm 15/7, tại độ cao khoảng 615km phía trên Trái đất, vệ tinh Nga mang tên Cosmos 2543 đã kích hoạt một chức năng đặc biệt và cho tới thời điểm đó vẫn là một bí mật: phóng đi một vật thể xuyên bầu khí quyển.
Giới chức Mỹ đã theo dõi hoạt động của Cosmos 2543 trong nhiều tháng sau khi nhận thấy nó di chuyển gần tới một vệ tính gián điệp của Mỹ. Khi Cosmos 2543 phóng đi vật thể chưa xác định, mọi nghi ngờ của Mỹ đồng thời cũng được làm rõ – đấy không phải là một vệ tinh thông thường.
Mặc dù Nga từ chối đã tiến hành thử nghiệm một công nghệ quốc phòng mới nhưng vụ việc lại làm dấy lên những quan ngại quốc tế rằng, vũ trụ đang trở thành một chiến trường chiến lược cho các cường quốc. Nó cũng nhấn mạnh những nguy cơ đang gia tăng cho các hạ tầng vệ tinh trọng điểm cung cấp nhiều dịch vụ từ công nghệ GPS cho tới năng lực phóng vũ khí hạt nhân.
Theo Christopher Ford, một quan chức cấp cao về kiểm soát vũ trang của Bộ Ngoại giao Mỹ, Nga và Trung Quốc đã "biến vũ trụ thành một địa hạt chiến tranh". Moscow là "kẻ gây nên phiền toái nổi bật nhất cho vũ trụ" và từng hai lần thử nghiệm các vũ khí phóng đi từ vệ tinh.
Nhiều ngày sau lời phủ nhận của Moscow, giới chức cả hai nước đã tụ họp tại Vienna để tham gia một hội nghị an ninh vũ trụ đầu tiên kể từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc. Một quan chức Mỹ nhận xét, các cuộc thảo luận "dài, thú vị và có hiệu quả". Tuy nhiên, sẽ tốn rất nhiều thời gian – thậm chí là bất khả thi, để đưa ra được bất kỳ thỏa thuận nào giống như trong đối với các vũ khí trên Trái đất.
Trong suốt một thập kỷ qua, Nga đã thất bại với việc thúc đẩy một hiệp ước điều tiết các vũ khí trong vũ trụ trong khi Mỹ theo đuổi những cuộc thảo luận tương tự với Trung Quốc. Một trong những thách thức cho các nhà ngoại giao là đạt được sự thống nhất về những gì cấu thành nên một vũ khí trong không gian.
Chính quyền Tổng thống Donald Trump muốn bỏ qua phần định nghĩa mà thay vào đó, thống nhất và áp dụng các quy định của xung đột vũ trang lên vũ trụ; đồng thời thiết lập một kênh giải quyết khủng hoảng tương tự như "đường dây nóng" chiến tranh hạt nhân với Nga nhằm giải quyết các xung đột tiềm năng trong vũ trụ.
Các quan chức Mỹ coi các lợi ích của mình là đảm bảo "lối đi không bị kiềm chế" dẫn vào vũ trụ. Đó cũng là nơi mà quân đội, viễn thông và ứng dụng thương mại của Mỹ phải phụ thuộc nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Moscow và Bắc Kinh đều có những giới hạn đề xuất khác nhau về các vũ khí trên mặt đất có thể tạo ra nguy cơ cho vệ tinh.
Chuyên gia an ninh vũ trụ Todd Harrison tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Washington nhận định, khó khăn cho những đàm phán như trên là "mỗi nước liên quan sẽ cố gắng đưa ra một định nghĩ riêng của mình".
Những khác biệt vẫn được duy trì. "Nga và Mỹ không có chung tiếng nói về cái gọi là 'hành động hòa bình' ngoài vũ trụ; điều đó tạo ra thách thức lớn", học giả cấp cao tại tổ chức tư vấn Chatham House là bà Beyza Unal nói.
Các cường quốc từ lâu đã nhìn nhận vũ trụ như một chiến trường tiềm năng. Ngày nay, Mỹ coi vũ trụ như một bối cảnh chiến tranh và khắc họa các cuộc cạnh tranh trên vũ trụ giống như các cuộc xung đột quy mô lớn trong tương lai. Nga cũng có một cơ quan tư lệnh phòng thủ chuyên giám sát bầu khí quyển và không gian bên ngoài Trái đất.
Tuy nhiên, để vô hiệu hóa hoặc phá hủy vệ tinh chưa cần tới các vũ khí tối tân "mà chỉ cần một ảnh hưởng nhỏ", một quan chức cấp cao Mỹ cho hay. "Ý tưởng cấm vũ khí trong vũ trụ đang đi lệch hướng. Những gì chúng ta đang xem xét là các quy định trên một con đường… cách mà chúng ta đối xử và quản lý các hệ thống trong vũ trụ".
Theo Moscow, vật thể phóng đi từ Cosmos 2534 là một thử nghiệm về một thiết bị "giám định", được thiết kế để theo dõi chi tiết về chính các vệ tinh của Nga. Điện Kremlin khẳng định Nga "cam kết với nhiệm vụ phi quân sự hóa hòa toàn" vũ trụ.
Trong khi giới chức Mỹ miêu tả các thử nghiệm vũ khí vũ trụ của Nga là "gây hấn, nguy hiểm và thiếu chín chắn", giới chuyên gia nhận định, Mỹ đã xây dựng được những năng lực vũ khí không gian riêng nhưng không theo đuổi các lựa chọn "động lực học". Năm 2008, Mỹ từng bắn bỏ một vệ tinh của mình trong một động thái được coi là nhằm "thị uy" sau khi Trung Quốc làm điều tương tự vào một năm trước.
Trong một báo cáo mới đây, Bộ Quốc phòng Mỹ cảnh báo về khả năng bị tụt hậu trên vũ trụ và bị "buộc phải lùi xuống thứ hạng hai". Ông Joe Mozerr, một nhà khoa học tại Lực lượng Vũ trụ Mỹ tuyên bố, Mỹ phải "đánh thắng các đối thủ chiến lược".
Tuy nhiên, các tham vọng của Mỹ trên vũ trụ - từ việc quay trở lại Mặt trăng vào năm 2024 cho tới những hy vọng của tỷ phú Elon Musk là chiếm lĩnh Sao Hỏa và đưa loài người sinh sống ở các hành tinh khác ngoài Trái đất – lại phải đối mặt với những khó khăn liên quan tới an ninh vũ trụ, cũng như những nguy hiểm mà chúng đem lại về mặt quân sự.
Bà Unal cảnh báo, nếu không có một thỏa thuận toàn cầu giám sát triển khai vũ khí, cuộc chạy đua giữa các nước để bảo vệ tài sản ngoài không gian của mình có thể khiến họ buộc phải phát triển những năng lực mạnh mẽ hơn, dẫn tới khả năng leo thang xung đột toàn diện trên vũ trụ.
"Các cường quốc địa chính trị đã thể hiện tham vọng của mình trong phát triển vũ khí ngoài không gian", bà nói. "Nhưng… sẽ luôn tồn tại một công nghệ mới có thể vượt qua và đánh bại những năng lực cũ".