(Tổ Quốc) - Các bộ trưởng quốc phòng NATO ngày 7/6 đã công bố kế hoạch tăng cường khả năng chi viện của liên minh bằng cách nâng cao khả năng sẵn sàng triển khai lực lượng trên toàn châu Âu.
Các bộ trưởng quốc phòng NATO ngày 7/6 đã công bố kế hoạch tăng cường khả năng chi viện của liên minh bằng cách nâng cao khả năng sẵn sàng triển khai 30 tiểu đoàn, 30 phi đội máy bay và 30 tàu chiến trong vòng 30 ngày tới bất kỳ khu vực xung đột nào trên lục địa châu Âu.
Thông tin chi tiết về kế hoạch trên – do Mỹ soạn thảo vẫn chưa rõ ràng, mặc dù các bộ trưởng cho biết họ dự định triển khai hoạt động hậu cần cho dự định này không muộn hơn năm 2020.
Tham vọng NATO tại châu Âu
Các bộ trưởng quốc phòng NATO cũng công bố kế hoạch tăng cường cơ cấu chỉ huy mới của mình với hơn 1.200 nhân viên điều hành một trung tâm chỉ huy Đại Tây Dương mới -có trụ sở tại Norfolk, Virginia và một trung tâm hậu cần cho các cuộc xung đột tại châu Âu ở Ulm, Đức.
Bỏ qua điều mà Tổng Thư kí NATO nói là “những khác biệt nghiêm trọng” trong liên minh 29 thành viên, các bộ trưởng đã nhất trí với kế hoạch bảo vệ Bắc Đại Tây Dương để chống lại Nga – có sức mạnh hải quân đang gia tăng, có thể di chuyển quân nhanh hơn khắp châu Âu và đang có thêm nhiều tiểu đoàn, tàu chiến và máy bay.
Đáng chú ý là sự thiếu hụt một nội dung trong cuộc họp của các bộ trưởng NATO ngày 7/6 về một quyết định gần đây của Nhà Trắng - nhắm mục tiêu tới châu Âu về thương mại. Chiến lược này sắp tới có thể sẽ gia tăng thêm căng thẳng trong liên minh xuyên Đại Tây Dương này.
Liên minh châu Âu EU, cùng với Canada và Mexico, trước đó đã kịch liệt phản ứng việc Mỹ tuyên bố áp mức thuế 25% đối với thép và 10% đối với nhôm nhập khẩu vào Mỹ - điều chính quyền Trump coi là lợi ích an ninh quốc gia.
"Có những khác biệt liên quan đến các vấn đề như thương mại, thỏa thuận hạt nhân của Iran và biến đổi khí hậu", Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói với các phóng viên. "Chúng tôi có những bất đồng giữa các đồng minh NATO nhưng chúng tôi vẫn đứng cùng nhau trong liên minh khi nói đến nhiệm vụ cốt lõi của NATO ... là để bảo vệ lẫn nhau."
Kịch tính thượng đỉnh NATO tháng 7
Một thách thức khác mà liên minh này phải đối mặt là nỗ lực mở rộng thành viên ở Đông Âu, nơi Nga từ lâu đã phản đối sự hiện diện của NATO.
Cả Nga và NATO đang dè chừng sức mạnh quân sự của nhau. |
Sau khi bổ sung từ 12 lên 29 quốc gia thành viên thông qua bảy vòng mở rộng kể từ năm 1949, NATO gần đây đã cập nhật trên trang web của mình về bốn quốc gia có ý định tham gia liên minh này trước hội nghị thượng đỉnh ngày 11/7. Những quốc gia này bao gồm Ukraine, Bosnia-Herzegovina, Gruzia và Macedonia.
Trong một chuyến thăm tháng 5 tới Nhà Trắng, Tổng Thư kí NATO Stoltenberg đã cho biết việc mở rộng sẽ giúp tăng cường liên minh. "Chúng tôi sống trong một thế giới không thể đoán trước, chúng tôi cần một NATO mạnh mẽ, và chúng tôi cần đầu tư nhiều hơn vào an ninh của chúng tôi", ông nói trong một cuộc phỏng vấn với VOA.
Cựu Thượng nghị sĩ Kay Bailey Hutchison, đại diện thường trực của Mỹ tại NATO, cho biết nước Mỹ đang xúc tiến việc giúp các quốc gia nộp đơn đáp ứng các yêu cầu về tư cách thành viên NATO.
"Chúng tôi có mặt để cung cấp cho họ các tiêu chuẩn, để giúp họ đạt được điều này (gia nhập NATO), và đó là những gì chính sách mở cửa đang thể hiện", bà nói.
Cựu phó tổng thư ký NATO Alexander Vershbow, tuy nhiên, nói rằng, việc chống lại ảnh hưởng của Nga ở Balkan sẽ vẫn là một trụ cột quan trọng trong việc bảo vệ các thành viên, trích dẫn bằng chứng gần đây về sự can thiệp của Nga trong chính trị nội bộ Macedonia.
Ông Alexander Vershbow nói với VOA: “Người Nga đã cố ngăn cản các nước Balkan tham gia NATO”. "Macedonia, tôi nghĩ rằng, là mục tiêu chính ngay bây giờ, bởi vì khả năng đột phá giữa Macedonia và Hy Lạp về vấn đề tên gọi sẽ mở ra cách để đàm phán tư cách thành viên của họ ngay trong năm nay."
Macedonia sắp đột phá cửa vào NATO?
Hy Lạp phản đối tên gọi của Macedonia, cho rằng điều này đồng nghĩa với việc Macedonia có yêu sách lãnh thổ với vùng đất cùng tên gọi này nằm ở phía Bắc Hy Lạp, nơi có 2 thành phố Thessaloniki và Kavala. Sự tranh cãi này có thể ngăn bước Macedonia gia nhập NATO, nhưng ngay cả khi vượt qua được vấn đề trên, Macedonia vẫn cần đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt của liên minh.
Matthew Nimetz, phái viên LHQ về tranh chấp tên gọi Hy Lạp-Macedonia, nói với VOA rằng các cuộc đàm phán gần đây về vấn đề này đang có hiệu quả.
"Đây là những cuộc đàm phán rất công bằng," ông Nimetz nói về các cuộc họp gần đây ở New York. “Các vấn đề được xác định rõ. Nội dung vấn đề cũng đã được thu hẹp. Chúng tôi vẫn chưa có giải pháp cuối cùng nhưng cả hai bên đều quyết tâm để cố gắng đạt được thỏa thuận và đang làm việc rất chăm chỉ để đạt được điều đó"
Một yêu cầu quan trọng khác đối với tư cách thành viên NATO hiện tại là cam kết dành ít nhất 2% GDP quốc gia cho quốc phòng.
Chỉ có năm quốc gia thành viên NATO là Hy Lạp, Anh, Estonia, Ba Lan và Hoa Kỳ đang đáp ứng được yêu cầu này.
Ngay từ khi nhậm chức, ông Trump đã liên tục chỉ trích các nước thành viên NATO vì không đóng góp công bằng cho liên minh này. Nhà Trắng ngày 6/6 cho biết Tổng thống Donald Trump sẽ đến Brussels để tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO dự kiến diễn ra từ ngày 11-/ 7, tiếp theo là chuyến thăm Anh ngày 13/7.