(Tổ Quốc) - Báo Mỹ nhận định, Nga sẵn sàng lợi dụng những rạn nứt trong quan hệ giữa Mỹ và các đồng minh Arab để mở rộng ảnh hưởng khu vực.
Trang Wall Street Journal nhận định, Nga đang thắt chặt quan hệ với các đồng minh Arab truyền thống , can thiệp vào bối cảnh chính trị Trung Đông và tìm cách khẳng định vị thế của mình như một cường quốc trung gian trong khu vực.
Kể từ khi bắt đầu hiện diện quân sự tại Syria và ủng hộ cho Tổng thống Bashar al-Assad, Moscow đã thiết lập những mối quan hệ kinh tế gần gũi với Arab Saudi, tăng cường hợp tác kinh doanh với Qatar và bán hàng tỷ USD vũ khí cho UAE. Tại Ai Cập, Điện Kremlin cũng củng cố liên kết với Tổng thống Abdel Fattah Al Sisi.
Quan hệ chính trị phát triển giữa Nga và Arab thể hiện rõ vào tháng Mười một, khi Thái tử Saudi Mohammed bin Salman cùng Tổng thống Nga Vladimir Putin bắt tay và tươi cười với nhau tại thượng đỉnh G-20 ở Argentina. Đáng chú ý, đó là thời điểm mà Arab Saudi đang phải hứng chịu những giận dữ từ cộng đồng quốc tế, liên quan tới việc nhà báo Jamal Khashoggi bị ám sát tại Instanbul. Cái bắt tay thể hiện Moscow sẵn sàng trở thành bạn của các nước Arab mà không "để tâm" đến hồ sơ nhân quyền – một vấn đề mà phương Tây thường tỏ ý lo ngại.
Đối với các đồng minh Arab của Mỹ, vai trò ngày càng tăng của Nga trong khu vực đem tới một lợi thế quan trọng ảnh hưởng tới mối quan hệ của họ với Tổng thống Donald Trump. Người đứng đầu Nhà Trắng từng bày tỏ mong muốn không nhúng sâu vào tình hình Trung Đông, bao gồm cả quyết định rút quân khỏi Syria mới công bố hồi tháng 12/2018.
Nga chuẩn bị làm việc với các đồng minh truyền thống của Mỹ và tận dụng bất kỳ bất đồng nào giữa họ với Mỹ, cùng lúc để không trở thành những người chịu trách nhiệm cho an ninh khu vực theo cách mà người Mỹ đã làm.
Mark N. Katz
Giới phân tích đánh giá, ông Putin đã sẵn sàng tận dụng những rạn nứt giữa Washington và đồng minh, nhằm đưa Moscow trở thành một nhà hòa giải cho các xung đột địa chính trị trong khu vực.
"Nga chuẩn bị làm việc với các đồng minh truyền thống của Mỹ và tận dụng bất kỳ bất đồng nào giữa họ với Mỹ, cùng lúc để không trở thành những người chịu trách nhiệm cho an ninh khu vực theo cách mà người Mỹ đã làm", Mark N. Katz, một giáo sư chính trị tại Đại học George Manson nhận định.
Quan hệ với Saudi
Việc can thiệp vào Syria đã giúp Nga gia tăng mối quan hệ với Iran và các đồng minh khác của mình trong khu vực, bao gồm cả chính phủ Lebanon và lực lượng Hezbollah. Thậm chí Thổ Nhĩ Kỳ - một thế lực đang lên trong khu vực và ủng hộ cho các nhóm đối lập tại Syria, giờ đây cũng đang có mối quan hệ khá ổn định với Nga. Ngoài ra, Điện Kremlin còn dành nhiều nỗ lực cho quan hệ với cả Israel, chính quyền Palestine và các đảng phái chính trị tại Libya.
Có thể thấy, quốc gia mà Nga đang mở rộng ảnh hưởng mạnh mẽ nhất chính là Arab Saudi.
Việc Moscow không chỉ trích Riyadh ngay cả khi vụ Khashoggi làm ảnh hưởng không nhỏ tới quan hệ đồng minh của Saudi với Mỹ. Thượng viện Mỹ và cộng đồng tình báo cáo buộc chính quyền Saudi đứng sau vụ ám sát, bất chấp việc Tổng thống Trump từng thể hiện sự ủng hộ với Thái tử Mohammed bin Salman.
"Tôi nghĩ người Saudi cảm thấy không hài lòng khi bị Mỹ thuyết giáo về nhân quyền hay một số chính sách đối nội; trong khi người Nga tỏ ra không để ý đến điều đó", Robert Jordan, cựu đại sứ Mỹ tại Arab Saudi dưới thời Tổng thống George W. Bush, nói.
Tôi nghĩ người Saudi cảm thấy không hài lòng khi bị Mỹ thuyết giáo về nhân quyền hay một số chính sách đối nội; trong khi người Nga tỏ ra không để ý đến điều đó.
Robert Jordan
Tháng Tám năm ngoái, đề cập tới xung đột ngoại giao giữa Arab Saudi và Canada sau vụ bắt giữ một nhóm các nhà hoạt động dân sự tại Saudi, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói, Nga ủng hộ cho việc "tuân thủ nhân quyền toàn cầu phù hợp với các phong tục, tập quán cụ thể của mỗi quốc gia và đã phát triển trong thời gian dài." Moscow cũng coi "chính trị hóa các vấn đề nhân quyền là không thể chấp nhận được", bà Zakharova nhấn mạnh.
Theo Mohammed Alyahya, một nhà phân tích người Saudi, mối quan hệ ngày càng khăng khít giữa Moscow và Riyadh còn là một lợi ích chung cho việc điều tiết giá dầu thế giới. Các kết nối kinh tế khác cũng đang được mở rộng. Truyền thông Nga đưa tin, quan hệ thương mại giữa hai nước đã tăng gấp đôi từ năm 2016 tới 2017, đạt mức 914,5 triệu USD.
Động thái cân bằng
Tuy nhiên, cơ hội của Nga trong khu vực tỏ ra khá giới hạn. Một số nhà quan sát đánh giá, "thị phần" quân sự và kinh tế của Nga chỉ là phần nhỏ so với Mỹ, khiến việc Moscow thực sự vượt qua được vai trò của Mỹ trong khu vực – là rất khó, thậm chí bất khả thi. Liên minh Saudi – Mỹ khởi nguồn từ đầu thời kỳ Chiến tranh lạnh, trong khi mối quan hệ với Nga vẫn còn chưa được kiểm nghiệm đầy đủ.
Mặc dù vậy, người Nga vẫn đang nỗ lực không mệt mỏi để mở rộng ảnh hưởng của mình và nâng cao lợi ích thông qua hợp tác với các chính phủ trong khu vực. Ví dụ như, quốc gia bé nhỏ Qatar đã không ngừng xây dựng các lợi ích kinh tế với Điện Kremlin trong thời gian gần đây – một mối quan hệ ngày càng trở nên quan trọng sau khi Arab Saudi, UAE và các nước láng giềng tiến hành cô lập kinh tế Qatar vào năm 2017.
Cùng lúc, Qatar cũng tìm cách duy trì một liên minh mạnh với Mỹ, ngay cả khi rời bỏ OPEC trong năm 2019. Một trong những lý do của quyết định này được cho là làm hài lòng Tổng thống Trump – người chưa bao giờ che giấu thái độ chỉ trích với tổ chức dầu mỏ.
Các nước Arab giờ đây đứng trước sứ mệnh cân bằng, giữ cho cả Moscow và Washington hài lòng. "Tình huống hiện tại khác với thời kỳ Chiến tranh lạnh, khi mà Nga có đồng minh của họ, chúng ta [Mỹ] có của chúng ta và hầu như không nước nào có thể hòa hợp với cả hai" giáo sư đại học Mark N. Katz phân tích.