(Tổ Quốc) - Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 2/6 cho biết Tổng thống Syria Bashar Assad không sử dụng vũ khí hoá học chống lại người dân nước này.
Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 2/6 cho biết Tổng thống Syria Bashar Assad không sử dụng vũ khí hoá học chống lại người dân và vụ tấn công gần đây giết chết hàng loạt thường dân là một "sự khiêu khích" chống lại nhà lãnh đạo này.
Trước đó, Mỹ và châu Âu cho rằng vụ tấn công hóa học hồi tháng 4 ở ở thị trấn Khan Sheikhoun, miền bắc Syria, làm ít nhất 90 người thiệt mạng, trong đó có nhiều trẻ em là do lực lượng thân cận với chính quyền Syria thực hiện.
Phát biểu tại một diễn đàn kinh tế ở St. Petersburg ngày 2/6, ông Putin cho biết "Chúng tôi hoàn toàn tin rằng đó là một sự khiêu khích. Assad không sử dụng những vũ khí đó", "vụ việc này đã được thực hiện bởi những người muốn đổ lỗi cho ông ấy về điều đó."
Tổng thống Nga Putin phát biểu tại một diễn đàn kinh tế ở St. Petersburg ngày 2/6. (Nguồn: AP) |
Tổng thống Putin nói thêm rằng tình báo Nga có thông tin về "một tình huống tương tự" đã được thực hiện ở những nơi khác ở Syria, cả ở khu vực gần Damascus.
"Cảm ơn Chúa, họ đủ thông minh để không làm điều đó sau khi chúng tôi tiết lộ thông tin", ông nói.
Trước đó, Nga, một trong những đồng minh thân cận nhất của Assad, và chính phủ Syria đã nhiều lần phủ nhận việc sử dụng vũ khí hóa học. Sau vụ tấn công hóa học đẫm máu vào năm 2013, Syria đã gia nhập Tổ chức Cấm Vũ khí Hóa học (OPCW) và tuyên bố huỷ kho vũ khí hoá học 1.300 tấn.
Kho vũ khí đó đã bị phá hủy, nhưng OPCW vẫn tiếp tục đặt câu hỏi ra câu hỏi rằng liệu Damascus có xoá sổ hoàn toàn vũ khí hoá học của họ hay không.
Ông Putin cho biết Nga đã đề nghị Mỹ và các đồng minh của mình thanh sát căn cứ của Syria để tìm ra dấu vết của chất độc hoá học và cũng bày tỏ sự chỉ trích vì Mỹ và phương Tây đã từ chối.
Các nhóm tìm kiếm bằng chứng thực tế của OPCW đang điều tra việc sử dụng vũ khí hoá học ở Syria nhưng không bắt buộc phải xác định bên chịu trách nhiệm. Việc kết luận về bên chịu trách nhiệm trong cuộc tấn công trên sẽ thuộc thẩm quyền của một uỷ ban điều tra chung giữa Liên hợp quốc và OPCW.
(Theo AP)