(Tổ Quốc) - Nước chủ nhà Qatar cho biết World Cup 2022 sắp tới sẽ là lần đầu tiên mà sự kiện bóng đá lớn nhất hành tinh hướng tới nỗ lực đảm bảo "trung hòa carbon" nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Về lý thuyết điều này có nghĩa là giải đấu kéo dài một tháng do quốc gia Ả rập vùng Vịnh đăng cai sẽ có ý nghĩa to lớn đối với mục tiêu chống biến đổi khí hậu. Theo hãng AP, đây được xem là tuyên bố táo bạo của một quốc gia đã dành 12 năm qua để xây dựng thêm nhiều sân vận động thi đấu, hệ thống khách sạn, nhà cao tầng và đường xá để đáp ứng nhu cầu cho sự kiện bóng đá lớn nhất hành tinh lần này. Quốc gia này đã xây dựng thêm 7 trong số 8 sân vận động World Cup, hệ thống tàu điện ngầm mới, đường cao tốc, nhà cao tầng và Lusail, một thành phố mới bởi cách đây 10 năm, đây chỉ là khu vực đầy cát và bụi.
Trong nhiều năm, Qatar đã hứa hẹn mang đến những điều khác biệt thực sự cho World Cup 2022. Nỗ lực hướng tới việc trung hòa carbon và thực hiện các hành động có ý nghĩa ứng phó với biến đổi khí hậu là một trong số những kế hoạch được tăng cường tại World Cup năm nay.
Và chìa khóa đặc biệt cho kế hoạch của Qatar là tuyên bố trung hòa carbon để loại bỏ khí thải gây hiệu ứng nhà kính trước và trong giải đấu.
Sự đền bù carbon
Theo các nhà khoa học, sự đền bù carbon (carbon offset) được hiểu đơn giản là việc cân bằng lượng khí thải carbon tạo ra bằng cách tài trợ cho các dự án môi trường làm giảm khí nhà kính trong khí quyển. Hiện tại, các dự án năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng hiệu quả được xem là lợi thế của các nước phát triển nhằm tạo ra các tín chỉ carbon có chất lượng cao. Các công ty, chính phủ và cá nhân sẽ đầu tư vào dự án giảm phát thải carbon hiệu quả.
Ý tưởng cơ bản đằng sau quá trình triển khai dự án trị giá hàng tỷ đô la cụ thể là: khí thải từ các hoạt động gây ô nhiễm của con người có thể được giải quyết tốt bằng cách sử dụng phương pháp canh tác lưu trữ carbon, trồng cây hoặc ngăn chặn quá trình thoát khí thải gây biến đổi khí hậu bằng việc sử dụng các thiết bị hiện đại.
Các khoản phụ cấp, tín chỉ và bù trừ đều được thực hiện theo cách tương tự. Khi hoạt động của một đơn vị tạo ra một tấn carbon dioxide, họ sẽ phải chi trả tiền đền bù tương ứng để loại bỏ tác động gây ô nhiễm môi trường hoặc có những biện pháp để tăng cường bảo vệ môi trường bù lại số khí thải đã tạo ra.
Cách tiếp cận này đang trở nên phổ biến với chính phủ các nước để đạt được mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu. Các công ty cũng kết hợp triển khai phương pháp này để đạt mục tiêu kế hoạch "net-zero" ( cam kết đạt phát thải ròng bằng 0). Các cá nhân cũng sẵn sàng bỏ tiền để bù đắp lượng carbon phát thải khi họ sử dụng các chuyến bay tư nhân.
Có hai loại bù đắp carbon trên thị trường là tự nguyện và bắt buộc. Các cá nhân và công ty mua các tín chỉ trên thị trường tự nguyện trong khi chính phủ có thể áp dụng các giới hạn ràng buộc về mặt pháp lý đối với lượng khí thải carbon từ các ngành như dầu mỏ, giao thông vận tải, điện và các bãi chôn lấp. Các công ty và tổ chức khác cũng có quyền lựa chọn: họ có thể chi tiền hoặc mua tín chỉ theo quy định.
Tại World Cup năm nay, Qatar cam kết tự nguyện mua các khoản tín chỉ carbon để bù đắp lượng khí thải phát ra từ những trận thi đấu.
Một đơn vị tín chỉ carbon được cho là tương đương với một tấn CO2, hoặc một tấn khí nhà kính khác. Các chính phủ, công ty hay cá nhân có thể mua những khoản tín chỉ này từ những công ty và các chương trình trồng cây; tài trợ cho các dự án sản xuất năng lượng tái tạo, hoặc thậm chí từ những nông dân đang cố gắng hạn chế phát thải hoặc thu lại lượng khí thải mê-tan từ hoạt động chăn nuôi.
Trong thị trường carbon tự nguyện, nhiều cơ quan đăng ký cấp tín chỉ dựa trên các tiêu chí được xác minh bởi bên thứ ba, để đảm bảo sự nghiêm ngặt và trung lập. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng hầu hết thị trường vẫn chưa được kiểm soát.
Những chiến lược mua bán khí phát thải bắt buộc hoạt động hơi khác một chút. Chính phủ các nước thường yêu cầu các ngành công nghiệp đưa ra mức hạn chế đối với lượng phát thải. Họ thường cho phép các công ty gây ra lượng phát thải nhất định cũng như bắt buộc các công ty phải trả tiền đối với mỗi tấn carbon dioxide mà họ tạo ra. Việc mua bán phát thải là một giải pháp thị trường nhằm ngăn chặn việc ô nhiễm môi trường vì các công ty sẽ quyết định nơi hiệu quả để đầu tư vào thiết bị sạch hơn.