• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

“Quả bom Jerusalem” của Donald Trump chia rẽ thế giới Arập

Thế giới 11/12/2017 20:29

(Tổ Quốc) - Sự tranh cãi về Jerusalem làm sâu sắc cuộc xung đột giữa Israel và Palestine.  

 Quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 6/12 về việc Mỹ công nhận Jerusalem “là thủ đô không thể chia cắt của Nhà nước Israel” và chuyển đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv về Jerusalem đã bị cộng đồng quốc tế phê phán.

Ý tưởng của ông Trump tuyệt nhiên không mới. Năm 1995, Quốc hội Mỹ thông qua Luật Đại sứ quán Jerusalem, công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và đại sứ quán Mỹ sẽ được thiết lập ở đó. Nhưng từ những năm 1990, tất cả các  tổng thống Mỹ đều dùng sắc lệnh hành chính để cản trở việc áp dụng Đạo luật Đại sứ quán Jerusalem. Quyết định của ông Trump bề ngoài tỏ ra sẽ đảo ngược sắc lệnh của những người tiền nhiệm, nhưng dường như chỉ là một thủ đoạn phục vụ cho nhu cầu chính trị nội bộ Mỹ.

 Donald Trump cầu nguyện tại Bức tường Than khóc ở Jerusalem, tháng 5/2017.

Tại sao Tổng thống Mỹ tung “quả bom Jerusalem”?

Giới quan sát cho rằng với quyết định này, Donald Trump muốn củng cố sự ủng hộ của cộng đồng Do Thái và cộng đồng Tin lành Phúc âm ở Mỹ mà 80% cử tri đã bỏ phiếu cho ông ta trong kỳ bầu cử năm 2016. Uy tín của Donald Trump  đang xuống mức thấp sau 10 tháng cầm quyền (chỉ 35% dân chúng ủng hộ), trong bối cảnh nước Mỹ chuẩn bị bầu lại Quốc hội vào tháng 11/2018. Ngoài ra, ông Trump muốn đánh lạc hướng dư luận Mỹ trong bối cảnh cuộc điều tra việc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 đang khép chặt dần. Trong vụ Jerusalem, có sự tác động trực tiếp của hai nhân vật thân cận với Donald Trump, đó là Phó Tổng thống Mike Pence thuộc Hội thánh Phúc âm, và Jared Kushner, con rể của ông Trump, một người gốc Do Thái.

Thành phố cổ kính Jerusalem vốn là vùng đất linh thiêng nhất đối với người Do Thái, cũng như đối với hàng tỷ tín đồ Hồi giáo và Cơ đốc giáo trên thế giới.

 Người Palestine biểu tình ngoài ngôi đền Mái vòm dát vàng tại Jerusalem.

Đối với người Hồi giáo, đây là địa danh thiêng liêng vì có Nhà thờ Al-Aqsa và đền thờ Mái vòm dát vàng được dựng trên khối đá nơi nhà tiên tri Mahomet thăng thiên. Đối với người Do Thái, đây là địa danh thiêng liêng nhất để họ cầu nguyện. Trong Thành cổ Jerusalem còn có nhà thờ Mộ Thánh Holy Sepulchre,  được xây tại nơi Chúa Jesu bị đóng đinh trên thánh giá và được khâm liệm.

Sự tranh cãi về Jerusalem là trọng tâm của cuộc xung đột giữa Israel và Palestine về lãnh thổ cho Nhà nước độc lập Palestine. Nhà nước này được Đại hội đồng Liên hợp quốc công nhận ngày 30/11/2012. Nhưng trên thực tế, phần lớn lãnh thổ Palestine vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Israel, bao gồm khu Bờ Tây sông Jordan, Dải Gaza và Đông Jerusalem. Chính phủ Israel liên tục cấp phép cho người Israel xây dựng các khu định cư tại Bờ Tây.

Hiệp định hòa bình Oslo, được thủ tướng Israel Yizhak Rabin và Chủ tịch PLO Yasser Arafat, ký kết ngày 13-9-1993 tại Oslo, trước sự chứng kiến của tổng thống Mỹ Bill Clinton. Từ đó đến nay, Israel và chính quyền Palestine thương thuyết một tiến trình hòa bình do Mỹ làm trung gian. Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump ra tuyên bố về địa vị của Jerusalem trước mọi thỏa thuận hòa bình sẽ hủy hoại tiến trình đàm phán và làm leo thang căng thẳng trong khu vực. Mặt trận Nhân dân Giải phóng Palestine (PFLP), một thành viên của PLO, đã kêu gọi Chính quyền Palestine (PA) và Tổng thống Abbas từ bỏ Hiệp định Oslo, rút lại việc công nhận Israel và chấm dứt hợp tác an ninh với phía Tel Aviv.

Hiệp định Oslo, được Yizhak Rabin và Yasser Arafat ký kết tại Nhà Trắng1993, trước sự chứng kiến của Bill Clinton, đã không hiện thực hóa.

Phía Palestine và Ảrập Trung Đông chia rẽ

Tuy nhiên, người Palestine, vốn dĩ bị chia rẽ thành “ba bè bẩy mảng” bởi các thế lực Ảrập Trung Đông, đã bỏ lỡ nhiều cơ hội để giải quyết vấn đề lãnh thổ với Israel. Các quốc gia Ảrập cũng chia rẽ giữa họ với nhau, trước hết giữa  hai dòng Sunni và Shia, mà đại diện là Ảrập Xêút và Iran. Các tập hợp lực lượng ở khu vực đang diễn ra ráo riết sau khi mối đe dọa chung là Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) bị cơ bản loại bỏ.

Nghị quyết của cuộc họp khẩn cấp giữa các ngoại trưởng Liên đoàn Ảrập tại Cairo ngày 10 và 11/12 phản ánh thái độ hữu khuynh trước quả “bom tấn” Jerusalem mà ông Trump tung ra. Ibrahim al-Jaafari, Ngoại trưởng Iraq, nhận xét: Nghị quyết không phản ánh tính chất nghiêm trọng của tình hình về Jerusalem; “nếu như chúng ta (Liên đoàn Ảrập) không làm gì đó đối với vấn đề này (quyết định của Trump), sẽ có rất nhiều, rất nhiều bi kịch hơn nữa diễn ra. Không được bình thường hóa quan hệ (với Israel) và không thỏa hiệp”. Ý kiến này phản ánh quan điểm của Iran. Trong khi một bộ phận lớn thành viên của Liên đoàn Ảrập đang tìm kiếm thỏa hiệp với Israel để chống Iran.

Chính quyền Trump có thể cũng sẽ trì hoãn việc thuyên chuyển đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv về Jerusalem. Người Palestine một lần nữa lại gồng mình chịu trận. Israel sẽ tiếp tục mở rộng các khu định cư của họ. Dư luận thế giới sẽ tiếp tục phê phán quyết định của chính quyền Trump và lên tiếng ủng hộ quyền thiết lập Nhà nước Palestine. Nhưng chân lý tự nó không thể tỏa sáng!./.

 

Người bình luận

NỔI BẬT TRANG CHỦ