(Tổ Quốc) - Gói ngân sách đầu tư quốc phòng tại Nhật Bản dự kiến sẽ gia tăng kỷ lục trong năm 2021.
Bộ Quốc phòng Nhật Bản đang đề xuất nguồn ngân sách cao kỷ lục gần 55 tỷ đôla cho năm tài khóa 2021 nhằm tài trợ việc mua các máy bay chiến đấu tàng hình đắt tiền của Mỹ và mở rộng khả năng chống lại các mối đe dọa có thể xảy ra trong không gian mạng và không gian vũ trụ.
Theo AP, yêu cầu ngân sách được công khai vào hôm thứ Tư (ngày 30/9) đánh dấu tín hiệu đầu tiên dưới chính quyền tân Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga. Ngân sách đề xuất tăng lên 8% so với năm trước đó được đánh giá là sự tiếp tục của chính sách an ninh của cựu lãnh đạo tiền nhiệm Shinzo Abe. Chi tiêu quốc phòng của Nhật Bản đã tăng liên tục trong 8 năm liên tiếp kể từ năm 2013, đánh dấu một năm sau khi cựu Thủ tướng Abe nhậm chức.
Việc gia tăng chi tiêu quốc phòng nhằm thúc đẩy Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản mở rộng vai trò và năng lực quốc tế nhằm đối phó với mối đe dọa từ Triều Tiên và Trung Quốc. Trong khi đó, Nhật Bản cũng chịu áp lực từ chính quyền Tổng thống Donald Trump buộc các đồng minh của Mỹ phải tăng chi tiêu quốc phòng. Gia tăng chi tiêu quốc phòng một phần là vì Nhật Bản phải chi tiêu vào khoản mua vũ khí tốn kém của Mỹ để tăng cường khả năng tương thích vũ khí với lực lượng Mỹ.
Các thương vụ mua bán tên lửa là một trong số những hạng mục tốn kém nhất trong ngân sách đề xuất trong năm 2021, bao gồm máy bay tàng hình F-35B của Lockheed Martin có khả năng cất cánh ngắn và hạ cánh thẳng đứng với giá 26 tỷ yên (tương đương với 246 triệu đôla Mỹ). Nhật Bản có kế hoạch mua 42 chiếc F-35B trong những năm tiếp theo.
Để trang bị các máy bay F-35B, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đang phải chi khoảng 3,2 tỷ yên (tương đương 30 triệu đôla) để tái cấu hình một trong hai tàu sân bay trực thăng – Kaga cùng với sàn đáp chịu nhiệt. Chiếc Izumo đầu phẳng khác cũng đã được thực hiện cấu hình.
Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng đầu tư 556 triệu đô la cho nghiên cứu phát triển máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo nhằm thay thế chiếc F-2 dự kiến sẽ ngừng hoạt động trong năm 2030. Nhật Bản có kế hoạch phát triển động cơ nhưng cũng cân nhắc phối hợp với Mỹ và Anh phát triển các lĩnh vực khác. Việc Nhật Bản mua vũ khí của Mỹ với chi phí đắt đỏ sẽ giúp giảm thặng dự thương mại của nước này với Mỹ nhưng lại dấy lên lo ngại quá trình cản trở phát triển ngành công nghiệp quốc phòng vốn dĩ còn non trẻ.
Yêu cầu ngân sách 2021 bao gồm cả giảm tài trợ trong các lĩnh vực quốc phòng truyền thống như nghiên cứu và hoạt động không gian cũng như các đơn vị tác chiến điện từ mới.
Đơn vị điện từ có trụ sở tại căn cứ Asaka thuộc Lực lượng Phòng vệ mặt đất, phía bắc Tokyo và một số lượng nhân viên không xác định sẽ được triển khai tại một số căn cứ quân đội trong nước vào tháng 3/2022, chủ yếu ở các đảo phía nam Nhật Bản, bao gồm Okinawa – các khu vực gia tăng hoạt động hàng hải và hàng không của Trung Quốc.
Sứ mệnh của một đơn vị như vậy sẽ là ngăn chặn các cuộc tấn công điện từ có thể làm gián đoạn các chức năng như radar và GPS. Bộ Quốc phòng Nhật Bản đang yêu cầu nguồn tiền trị giá 7 tỷ yên (66 triệu đôla Mỹ) mua máy bay trinh sát RC-2 và khoảng 23 tỷ yên (218 triệu đôla) nhằm nghiên cứu hệ thống giám sát đối phó với các cuộc tấn công điện từ bằng máy bay không người lái và các loại vũ khí khác.
Nhật Bản hồi tháng Năm đã ra mắt Phi đội Tác chiến Không gian như một phần của Lực lượng Phòng vệ trên không với 20 thành viên ban đầu. Dự kiến sẽ tăng lên khoảng 100 thành viên sau khi đơn vị hoạt động đầy đủ vào năm 2023.
Đơn vị có nhiệm vụ giám sát và bảo vệ các vệ tinh của Nhật Bản khỏi các cuộc tấn công của kẻ thù hoặc các mảnh vỡ trong không gian. Đơn vị sẽ thực hiện định vị và liên lạc theo vệ tinh giữa các binh lính trên thực địa.
Bộ sẽ thành lập một đơn vị chỉ huy ở phía tây Tokyo và quy mô nhân viên dự kiến gia tăng trong 70 năm tới. Nhật Bản đang đầu tư 680 triệu đôla thiết kế và phóng vệ tinh giám sát đồng thời phát triển và mua thiết bị tương thích với Mỹ.
Ngân sách yêu cầu có thể tăng thêm nữa do Bộ Quốc phòng Nhật Bản đề xuất nhằm đầu tư khoản tiền chưa xác định cho giải pháp thay thế hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis Ashore.
Các quan chức quốc phòng đang cân nhắc ba lựa chọn cho quân sự, bao gồm việc sử dụng tàu khu trục và quyết định sẽ đưa vào hoạt động trong cuối năm.
Sau khi hệ thống Aegis Ashore bị hủy bỏ, cựu Thủ tướng Abe đã chỉ thị chính phủ nghiên cứu sự thay đổi lớn đối với chính sách răn đe tên lửa và tìm kiếm phát triển khả năng tấn công đầu tiên vào các căn cứ của đối phương nhằm phòng thủ cuộc tấn công sắp xảy ra trong bối cảnh mối đe dọa tên lửa gia tăng trong khu vực. Chính quyền ông Suga dự kiến sẽ soạn thảo kế hoạch mới vào cuối năm nay.
Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, chi tiêu quốc phòng của Nhật Bản hiện được xếp hạng trong số 10 nước hàng đầu thế giới.