(Tổ Quốc) - Mớ bòng bong quan hệ giữa Nga và Mỹ tiếp tục có những động thái mới khiến mọi chuyện càng thêm rối ren.
Những nghi vấn liên quan đến mối quan hệ của Tổng thống Mỹ Donald Trump với Moscow đang gia tăng lên theo từng giờ. Trong khi những cáo buộc rằng cựu Tổng thống Obama từng đặt thiết bị nghe lén tòa Tháp Trump còn chưa hạ độ nóng, thì giữa tuần trước, Michael Flynn – cố vấn an ninh quốc gia bị sa thải, đồng thời cũng là một nhân vật hàng đầu trong chiến dịch tranh cử của ông Trump – tung thêm quả bom nữa khi “ngỏ ý” muốn được đối chất trước Quốc hội, để đối lấy việc được giảm nhẹ tội. “Chắc chắn là ông Flynn sẽ có chuyện để công bố,” luật sư của ngài cựu cố vấn cho biết, “và ông ấy rất muốn được nói ra nếu hoàn cảnh cho phép.”
Giữa thời điểm mọi chuyện vẫn còn là một mớ bòng bòng, ngày một rối hơn, hãy cùng nhìn lại những điểm không thể bỏ qua trong mối quan hệ giữa ông Trump và người đồng cấp Vladimir Putin.
Quan hệ Nga-Mỹ trở thành “liều thuốc độc”
Tổng thống Putin từ lâu đã có nhiều vấn đề với nước Mỹ, và đặc biệt là bà Hillary Clinton.
Kể từ khi trở thành Tổng thống Nga vào tháng 12/1999, ông Putin – một cựu nhân viên KGB – đã điều hành nước Nga tiến vào thế kỷ 21 theo một cách rất riêng; trong đó, mục tiêu đưa Moscow trở lại vị thế đứng đầu trong quan hệ quốc tế chưa bao giờ bị lay chuyển.
Cây bút Gregory Krieg của kênh CNN nhận định, trong thời kỳ đầu nắm quyền, ông Putin tỏ ra là một người “dễ nắm bắt” và có phần “giáo điều” đối với phương Tây. Tuy nhiên, mối quan hệ này ngày càng trở nên căng thẳng bởi nhiều lý do, trong khi các nỗ lực hàn gắn tỏ ra không hiệu quả. Năm 2011, ông Putin được cho là đã đổ lỗi Ngoại trưởng Mỹ lúc bấy giờ, bà Hillary Clinton là người đứng sau các cuộc biểu tình trong nước chống lại chính phủ của mình.
Krieg gọi mối quan hệ Nga-Mỹ trong thời điểm “đối đầu” giữa Clinton và ứng cử viên Đảng cộng hòa Donald Trump tại cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016, là “một liều thuốc độc”.
Tổng thống Putin được cho là không hài lòng với bà Hillary Clinton (ảnh: Reuters) |
Tình báo Mỹ cáo buộc các hacker người Nga “ăn cắp” email từ Ủy ban Quốc gia dân chủ (DNC) và tài khoản cá nhân của John Podesta – người đứng đầu chiến dịch tranh cử cho bà Clinton. Những thông tin từ các email này sau đó đã được công khai trên Wikileaks, trong đó, tiết lộ rằng, tại giai đoạn đầu của cuộc tranh cử, các nhà lãnh đạo của Đảng Dân chủ đã thiên vị cựu Ngoại trưởng trước Thượng Nghị sỹ Bernie Sanders.
Mặc dù có sức công phá ít hơn, nhưng từng từ ngữ trong các email lấy từ tài khoản của ông Podesta, đều được các đối thủ chính trị của bà Clinton, giới phê bình và những người theo chủ nghĩa hoài nghi mổ xẻ, phân tích và suy diễn đến tận cúng. Đến thời điểm then chốt của cuộc chạy đua, làn ranh giới phân biệt giữa DNC, Podesta hay những bằng chứng của FBI cho thấy bà Clinton từng sử dụng email cá nhân khi còn đương chức, đã trở nên mơ hồ.
Theo tình báo Mỹ, những diễn biến trên không đơn thuần là sự kém may mắn của Đảng Dân chủ. Ngày 6/1, mặc dù chưa có những chứng cứ rõ ràng, những một kết luận đã được công khai: Nga từng cố tình phá hủy cả Clinton và niềm tin của người dân Mỹ vào tiến trình bầu cử.
Liệu Moscow đã thực sự làm điều này? Điện Kremlin có thực sự tin rằng Trump sẽ đánh bại Clinton, bất chấp kết quả tiêu cực sau hàng loạt cuộc thăm dò ý kiến trước giờ G? Chưa ai có thể đưa ra kết luận chính xác. Tuy nhiên, không khó để nhận ra rằng, Đảng Cộng hòa luôn sẵn sàng buộc chặt Clinton và đội ngũ của bà, vào hàng loạt những cáo buộc khác nhau. Cho dù ai thắng, ai thua, chính trị nước Mỹ đã chính thức bước vào một thời kỳ rối loạn mới.
Trump và đội ngũ của mình đã nói gì với Nga?
Trump và các quan chức của mình đã “nói chuyện” rất nhiều với Nga. Nhưng nội dung của các cuộc đối thoại đó là gì?
Một trong những nguyên tắc hàng đầu đó là: các mối quan hệ không có nghĩa là hợp tác và ủng hộ. Lấy trường hợp của cựu cố vấn An ninh quốc gia Michael Flynn làm ví dụ. Mặc dù việc quan chức trong chính quyền mới tiếp xúc với những nhân vật họ có thể làm việc cùng (hoặc đối đầu) sau khi nhậm chức, không phải là điều mới lạ; tuy nhiên, Flynn bị mất chức bởi vì ông ta không nói thật với Phó Tổng thống – một hành động sai lầm và trong con mắt của Bộ tư pháp Hoa Kỳ, nó đồng nghĩa với việc Flynn có thể đã bị Nga hăm dọa. Lý do cá nhân từ phía Tổng thống Trump vẫn chưa rõ ràng, nhưng sau tất cả, việc Flynn phải ra đi là không thể tránh khỏi.
Tổng thống Trump phải để ông Flynn rời khỏi vị trí Cố vấn an ninh quốc gia (ảnh: AP) |
Gregory Krieg cho rằng, hiện đang tồn tại một mạng lưới quan hệ rộng lớn giữa các quan chức trong chiến dịch tranh cử của ông Trump, các quan chức Nga và các nhà lãnh đạo tập đoàn lớn. Tại thời điểm này, chưa có bằng chứng nào về việc những quan hệ này có dẫn đến các hoạt động hợp tác hay không. Tuy nhiên, quy mô của chúng thì lại đủ để khiến người ta không thể không đặt dấu hỏi.
Ông Paul Manafort từng làm việc cho một nhà lãnh đạo người Ukrainie thân Nga, trước khi trở thành Chủ tịch cho chiến dịch tranh cử. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Mỹ Jeff Sessions đã hai lần vướng cáo buộc từng gặp gỡ với Đại sứ Nga trước cuộc bầu cử. Ông Session sau đó phải tuyên bố, sẽ không tham gia vào bất kỳ cuộc điều tra nào liên quan đến chiến dịch tranh cử 2016.
Jared Kushner - cậu con rể điển trai của Tổng thống Trump đồng thời là một cố vấn cấp cao trong chính quyền, hồi tháng Mười hai cũng đã có hai cuộc gặp gỡ: đầu tiên với Đại sứ Nga và Flynn, và sau đó là với một doanh nhân người Nga. Cả hai sự kiện này đều không được nhắc tới cho đến khi truyền thông phanh phui.
Ông Michale Flynn và con rể Tổng thống Trump Jared Kushner (ảnh: reuters) |
Bản thân Tổng thống Trump từng tiến hành các hoạt động kinh doanh ở Nga trong nhiều năm. Bên cạnh đó, việc ông từ chối công khai hồ sư thuế như các ứng cử viên và Tổng thống Mỹ vẫn thương làm, lại càng “đổ thêm dầu vào lửa”.
Tất cả đều hướng người ta đến một kết luận về mối quan hệ liên tục giữa nước Nga và chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump.
“Mớ bòng bong” không hồi kết
Giám đốc FBI James Comey cho biết, FBI đang tiến hành điều tra “tình trạng của bất kỳ mối quan hệ nào giữa các cá nhân liên quan đến chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump và chính phủ Nga, và liệu có sự liên kết nào giữa chiến dịch tranh cử và những nỗ lực [can thiệp] từ phía Nga hay không.”
Tuy nhiên, mọi việc vẫn chưa dừng ở đây. 6 giờ 49 phút sáng 4/3, trong hai bài post liên tiếp trên Twitter, Tổng thống Trump tuyên bố, người tiền nhiệm của mình, Tổng thống Barack Obama từng cài thiết bị nghe lén trong tòa Tháp Trump.
Ban đầu, lời cáo buộc được cho là thiếu căn cứ. Ông James Comey từng công khai gạt bỏ nó trước Ủy ban tình báo của Hạ Viện. “Tôi không có bất kỳ thông tin nào chứng minh cho những lời tweet trên,” giám đốc FBI nói.
Tuy nhiên, những khẳng định của Comey đã nhanh chóng bị “gạt ra bên lề” trước một tiết lộ của Chủ tịch Ủy ban tình báo Hạ Viện ông Devin Nunes. Trước khi chính thức thông báo với Nhà Trắng, ông này chia sẻ với báo chí rằng, trong một số trường hợp, tình báo Mỹ có thể thu thập ngẫu nhiên thông tin của những công dân Mỹ thuộc nhóm chuyển giao chính quyền của ông Trump; và quan trọng hơn, “tên tuổi của những người này đã bị công khai.”
Chủ tịch Ủy ban tình báo Hạ Viện ông Devin Nunes (ảnh: ABC) |
Nhà báo Anthony Zurcher của kênh BBC đưa ra một giải thích dễ hiểu hơn như sau: những người nước ngoài nằm trong danh sách bị tình nghi của tình báo Mỹ sẽ thường xuyên bị theo dõi. Vì vậy, nếu một thành viên của nhóm chuyển giao chính quyền của tân Tổng thống– thậm chí chính ông Trump - liên lạc với một người thuộc danh sách trên, rất có khả năng, những tiếp xúc của họ sẽ bị ghi lại. Điều này, đồng nghĩa với việc, việc ông Trump bị nghe trộm không phải là không thể xảy ra.
Một mặt, vấn đề đặt ra là tại sao tên tuổi những thành viên của tổ chuyển giao lại bị tiết lộ, trong khi nguyên tắc từ trước đến nay là phải giữ kín thông tin của những cá nhân liên lạc với người nước ngoài trong danh sách bị theo dõi. Mặt khác, nội dung của những trao đổi này là gì, và liệu nó có hợp pháp hay không.
Mặc dù liên tục khẳng định những thông tin mình đưa ra không hậu thuẫn cho cáo buộc của ông Trump đối với ông Obama, và các thông tin thu thập không liên quan đến cuộc điều tra của FBI về liên hệ giữa nhóm chuyển giao và giới chức Nga, nhưng rõ ràng, Nunes đã “làm rất tốt” nhiệm vụ khiến vụ việc trở nên rắc rối hơn bao giờ hết.
Tuy nhiên, một lần nữa, điều bất ngờ nhất vẫn chưa xuất hiện. Chỉ một vài ngày sau đó, người ta vỡ lẽ rằng, những gì ông Nunes dự định báo cáo với Nhà Trắng sau khi tiết lộ với báo chí, hóa ra lại xuất phát từ chính những người đang làm việc tại đây.
Một quan chức Mỹ xác nhận với kênh CNN rằng, hai nhân viên Hội đồng An ninh Quốc gia là Ezra Cohen-Watnick và Michael Ellis, đã trợ giúp Nunes thu thập các thông tin tình báo. Đáng chú ý là, Ellis trước đó từng làm việc cho Ủy ban Tình báo Hạ viện.
Ai thật, ai giả; ai đúng, ai sai trong “mớ bòng bong” Nga-Mỹ vẫn là một câu hỏi chưa có câu trả lời.
(Theo CNN và BBC)