(Tổ Quốc) - Liệu sự hiện diện này có thể châm ngòi cho những căng thẳng lớn hơn?
Ba Lan từ lâu đã kêu gọi Hoa Kỳ có sự hiện diện quân sự lâu dài ở nước này – điều có thể trở thành một rào cản chống lại ảnh hưởng của Nga. Dù Ba Lan rất tích cực nhưng Washington lâu nay vẫn lưỡng lự về cách tiếp cận quốc phòng linh hoạt hơn ở nước này.
Nhưng điều đó có thể sớm thay đổi khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump nắm quyền. Trong hơn một năm qua, Hoa Kỳ và Ba Lan đã đàm phán về một thỏa thuận như vậy, điều các quan chức Ba Lan đã chỉ ra có thể được hoàn tất ngay sau ngày 1/9. Tuy nhiên, sự hiện diện cố định của Hoa Kỳ gần Nga chắc chắn sẽ thúc đẩy Moscow tăng cường sự hiện diện quân sự của chính họ gần biên giới của Ba Lan - đặt Warsaw ở chính diện cuộc cạnh tranh quyền lực ngày càng nóng bỏng giữa Moscow và Washington.
Một quốc gia giữa lằn ranh
Theo trang National Interest NI, Hoa Kỳ có thể sẽ thúc đẩy kế hoạch mở rộng sự hiện diện quân sự ở Ba Lan trong quý tới, có thể bao gồm hơn 1.000 binh sĩ mới và lực lượng đóng quân lâu dài ở nước này.
Mặc dù sự hiện diện của Washington có thể không xuất hiện dưới hình thức "Pháo đài Trump" của Warsaw, tuy nhiên, họ sẽ thiết lập một nền tảng cố định hơn về hỗ trợ an ninh của Hoa Kỳ đối với Ba Lan như là bổ sung thêm một lớp phòng thủ chống lại Nga.
Ba Lan rất muốn quân đội Mỹ hiện diện lâu dài tại nước này. (Nguồn: BQP Mỹ)
Cạnh tranh quân sự đang trở thành một khía cạnh ngày càng quan trọng trong sự leo thang của Hoa Kỳ-Nga. Các thỏa thuận kiểm soát vũ khí giữa Washington và Moscow, như Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung INF và START mới, gần đây đã rơi vào rối ren trong bối cảnh hai bên cáo buộc nhau vi phạm. Trong khi đó, cả lực lượng Nga và phương Tây đều đã và đang tăng cường các nỗ lực an ninh dọc biên giới châu Âu dưới hình thức triển khai vũ khí và các cuộc tập trận quân sự lớn hơn và thường xuyên hơn.
Nằm trên tuyến đầu của sóng gió Nga- phương Tây ở Trung và Đông Âu, Ba Lan từ lâu đã tìm kiếm một cam kết an ninh gia tăng từ Hoa Kỳ. Mặc dù đã gia nhập NATO vào năm 1999, quốc gia này vẫn thiếu những sự hiện diện lớn, cố định của NATO mà các quốc gia Tây Âu như Đức và Ý có.
Do đó, Ba Lan vẫn cảm thấy dễ bị tác động Nga. Và những căng thẳng năm 2014 tại Ukraine, sau đó Nga sáp nhập Crimea đã làm gia tăng những lo ngại này.
Nhưng mặt khác, cuộc xung đột Ukraine cũng tạo cơ hội cho Ba Lan tận dụng vị thế của mình trên chiến tuyến bế tắc Nga- phương Tây. Warsaw - cùng với các quốc gia vùng Baltic Estonia, Latvia và Lithuania - từ đó đã thu được sự hiện diện quân sự của Hoa Kỳ và NATO dưới hình thức luân chuyển bán vĩnh viễn 4.500 quân. Đóng vai trò là lực lượng chống lại bất kỳ hành động nào khác của Nga, các lực lượng này đã tham gia vào các cuộc tập trận trên bộ, trên không và trên biển lớn hơn và thường xuyên hơn trong những năm gần đây - tăng mức độ cam kết quốc phòng đối với các quốc gia NATO tiền tuyến này.
Ba Lan "ve vãn" Nhà Trắng
Trong ba năm qua, chính phủ Ba Lan đã định vị mình là người ủng hộ chính cho các sáng kiến của Hoa Kỳ liên quan đến NATO và Liên minh Châu Âu EU. Ông Trump đã nhấn mạnh rằng các nước NATO cần dành ít nhất 2% GDP của họ cho quốc phòng, điều mà chỉ có Ba Lan và một vài quốc gia NATO khác đạt được cho đến nay.
Trong năm qua, Ba Lan cũng đã gắn kết mình với các ưu tiên quan trọng khác do Nhà Trắng đưa ra, bao gồm hỗ trợ các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Iran; tăng mua khí đốt tự nhiên của Hoa Kỳ; hỗ trợ các nỗ lực của Hoa Kỳ để ngăn chặn đường ống Nga-Đức Nord Stream 2; xem xét cấm người khổng lồ công nghệ Trung Quốc Huawei phát triển cơ sở hạ tầng 5G của Ba Lan (theo yêu cầu của Washington); và tăng mua hàng quốc phòng của Hoa Kỳ, bao gồm cả kế hoạch mua máy bay chiến đấu.
Những nỗ lực như vậy đã đặt Ba Lan vào một vị thế mạnh mẽ thu hút Washington đưa ra hiện diện quân sự lâu dài tại quốc gia này. Trong cuộc gặp với Trump hồi tháng 9, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda đã đề nghị tài trợ 2 tỷ USD cho một căn cứ Hoa Kỳ có quy mô sư đoàn ở biên giới phía đông Ba Lan, thậm chí còn đề nghị đặt tên cho nó là "Pháo đài Trump".
Trong những tháng kể từ đó, các cuộc đàm phán về sự hiện diện thường trực của Hoa Kỳ ở Ba Lan đã nhanh chóng tiến triển. Thay vì xây dựng một căn cứ quân sự lớn duy nhất, Washington đã đề xuất phân tán quân đội Hoa Kỳ trên khắp các căn cứ hiện có trong nước, như Redzikowo, Poznan và Orzysz.
Theo kế hoạch này, Washington cũng đề nghị xây dựng một kho vũ khí của NATO tại Powidz, cùng với việc triển khai thêm 1.000-1.500 quân đến nước này. Và mặc dù đây là một đề xuất khiêm tốn hơn nhiều so với đề xuất ban đầu của Ba Lan nhưng sẽ đáp ứng mong muốn lâu dài của Warsaw về sự hiện diện cố định của Hoa Kỳ.
Phản ứng của Nga: Đặt cược vào Belarus?
Bất kể thỏa thuận quốc phòng mới tiềm năng của Warsaw và Washington ra sao, bất kỳ sự gia tăng nào về vị thế quân sự của Hoa Kỳ ở Ba Lan - dù nhỏ đến đâu - đều sẽ thúc đẩy Nga xây dựng vị thế quân sự của riêng mình. Một địa điểm tiềm năng cho sự gia tăng quân sự như vậy sẽ là Belarus, nơi đã là một trong những đối tác quốc phòng quan trọng của Nga với tư cách là thành viên của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể do Moscow đứng đầu. Nga từ lâu đã coi người láng giềng phía tây là nơi mở rộng chỗ đứng quân sự của mình, đặc biệt dưới dạng căn cứ không quân gần biên giới của Belarus với Ba Lan. Do đó, việc đóng quân vĩnh viễn cho lực lượng Hoa Kỳ ở Ba Lan - dù nhỏ đến đâu - có thể cung cấp cho Moscow động lực cần thiết để hành động dựa trên những nỗ lực đó.
Tuy nhiên, bất chấp mối quan hệ quân sự mạnh mẽ của Belarus với Nga, cho đến nay, Minsk đã phản đối ý tưởng mở một căn cứ quân sự của Nga trên lãnh thổ của mình. Kể từ cuộc nổi dậy Euromaidan 2014 ở Ukraine, Belarus đã cố gắng tự coi mình là một lực lượng trung gian giữa Nga và phương Tây, trái ngược với việc chỉ hướng về Moscow. Do đó, Belarus đã đóng vai trò là địa điểm chính cho các cuộc đàm phán về cuộc xung đột Ukraine (lập nên Nghị định thư Minsk). Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko cũng đã tận dụng vị trí hòa giải này để giảm bớt áp lực của phương Tây đối với chính phủ của mình, cho phép Minsk thậm chí có được những nhượng bộ kinh tế (mặc dù có giới hạn) từ Châu Âu và Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, một sự hiện diện mới của Hoa Kỳ ở Ba Lan rất có thể thay đổi những cân nhắc của Belarus. Một sự hiện diện quân sự như vậy sẽ gần với biên giới của Belarus, gây ra mối đe dọa trực tiếp hơn cho nước này. Vào cuối năm 2018, ông Lukashenko cảnh báo Bộ trưởng Ngoại giao Ba Lan Jacek Czaputowicz rằng Belarus và Nga sẽ "phải đáp trả" căn cứ Warsaw đề xuất Mỹ lập ra, nói thêm rằng họ "sẽ buộc phải triển khai một cái gì đó" để chống lại Warsaw và Washington. Cảnh báo này cho thấy một căn cứ không quân của Nga ở Belarus thực sự được tính tới và Minsk sẵn sàng ưu tiên cho lợi ích an ninh của chính mình từ cách tiếp cận của phương Tây.
Tất nhiên, một căn cứ không quân không phải là cách duy nhất Nga có thể tăng cường sự hiện diện quân sự ở Belarus. Ví dụ, Moscow có thể tăng cường các khí tài khác trong nước, như máy bay chiến đấu và hệ thống phòng không. Nga cũng có thể chọn tăng cường sự hiện diện của mình ở các khu vực lân cận khác - bao gồm Kaliningrad, Crimea và miền đông Ukraine - tùy thuộc vào bản chất của việc triển khai của Hoa Kỳ ở Ba Lan.