(Tổ Quốc) - Động thái tăng chi tiêu quân sự của Mỹ và Trung Quốc đặt ra câu hỏi về tương quan lực lượng giữa hai nước.
- 01.03.2017 Kịch bản Mỹ, Trung đón đầu các ngã rẽ quyền lực?
- 03.03.2017 Hai kỳ họp đột phá vị thế Trung Quốc
Thông báo của Trung Quốc về việc tăng chi tiêu quân sự trong năm nay lên 7% ngay sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump kêu gọi tăng ngân sách quốc phòng của Mỹ lên 10% đã đặt ra câu hỏi về tương quan lực lượng giữa hai nước.
Trong khi quân đội Mỹ vẫn là lực lượng chiếm ưu thế ở châu Á và trên thế giới, quân đội Trung Quốc đã chuyển từ số lượng sang chất lượng và nhanh chóng bắt kịp về các thiết bị, tổ chức quân đội và năng lực tác chiến. Nước này cũng ngày càng phát triển sức mạnh ra xa bờ.
Liên tục tăng trưởng kinh tế, chi tiêu gia tăng và chiến lược giành lại vai trò lịch sử của Trung Quốc như sức mạnh hàng đầu của Đông Á đang giúp thúc đẩy động thái này.
Hải quân Trung Quốc trong một chuyến thăm tới San Diego. (Nguồn: AP) |
Dưới đây là so sánh tình hình hiện tại của quân đội Mỹ và Trung Quốc, dựa trên số liệu trong các nghiên cứu của chính phủ Mỹ gần đây, từ các nhóm chuyên gia về quốc phòng và trang web của chính phủ về năng lực và thông tin quân sự của Trung Quốc. Một vài con số là ước tính hoặc xấp xỉ.
Toàn cảnh
Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) có tổng cộng 2,3 triệu binh sĩ và là lực lượng quân đội đông nhất thế giới. Nước này chỉ cung cấp một phần thông tin về trật tự chiến đấu, nhiệm vụ và các kế hoạch tương lai của PLA, mặc dù các nhà phân tích bên ngoài đã đưa ra những ước tính chi tiết.
Còn về phía Mỹ, sức mạnh chung của quân đội Mỹ thay đổi tùy theo yêu cầu, tuy nhiên, tính đến ngày 31/1, đã có 1,4 triệu quân thường trực trong tất cả các khối quân sự.
Ngân sách
Trung Quốc gần đây tuyên bố rằng chi tiêu quốc phòng của nước này sẽ tăng 7% trong năm nay lên 1.044 nghìn tỷ NDT (tương đương 151.632 tỷ USD). Dù Trung Quốc có ngân sách quốc phòng lớn thứ hai thế giới, tuy nhiên, ngay cả khi tính thêm những chi tiêu không công bố (theo các nhà phân tích dự đoán), thì vẫn cách xa so với ngân sách quốc phòng Mỹ. Trung Quốc cho biết ngân sách quốc phòng của nước này năm nay sẽ bằng 1,3% GDP.
Còn ông Trump gần đây cũng đề nghị tăng ngân sách quốc phòng Mỹ thêm 54 tỷ đô la lên mức kỷ lục là 603 tỷ USD.
Nếu được chấp thuận, mức tăng này có nghĩa là Mỹ đã chi 3,4% GDP cho quốc phòng, tăng từ mức 3,2% GDP của năm ngoái.
Lực lượng bộ binh
Do PLA phát triển từ lực lượng du kích và xuất phát từ những căng thẳng trước đây dọc biên giới trên bộ với Nga, lực lượng tác chiến trên mặt đất tiếp tục chiếm ưu thế, với 1,6 triệu binh sỹ, cùng với sự tập trung vào lực lượng thiết giáp (9,150 quân) và pháo binh hạng nặng (6,246 quân).
Còn lực lượng chiến đấu mặt đất của Mỹ có 460.000 quân thường trực với 182.000 lính thủy quân lục chiến. Mỹ tập trung ít hơn vào pháo binh (1299 quân) và xe bọc thép (8,848 quân), tuy nhiên, tập trung nhiều hơn vào hoạt động hỗ trợ của không lực và các lực lượng đặc biệt.
Không quân
Mỹ có hơn 13.000 máy bay các loại so với Trung Quốc gần 3.000 chiếc. Khoảng cách này đặc biệt lớn khi tính đến số lượng trực thăng, với Mỹ có hơn 6.000 chiếc trong khi Trung Quốc có 802 chiếc trực thăng. Mặc dù số máy bay ít hơn, và bao gồm cả máy bay của lực lượng hải quân, tuy nhiên không quân Trung Quốc có 398.000 binh sỹ so với 308.000 quân trong Không quân Mỹ.
Cả hai lực lượng này hiện đều đang đang tìm cách nâng cấp máy bay, mặc dù việc triển khai các máy bay chiến đấu F-22 và F-35 thế hệ thứ 5 đã giúp nước Mỹ tạm thời dẫn trước. Hiện tại, các máy bay chiến đấu tàng hình của Trung Quốc vẫn ở giai đoạn nguyên mẫu dù đã có thể thay thế hơn một nửa số máy bay chiến đấu của nước này bằng máy bay thế hệ thứ tư.
Hải quân
Hải quân Trung Quốc có nhiều tàu chiến (714 tàu) hơn so với Mỹ (415 tàu), tuy nhiên Mỹ có nhiều tàu chiến hiện đại và đa dụng hơn. Mỹ có 10 tàu sân bay trong khi Trung Quốc chỉ có một chiếc (hiện nước này cũng đang sản xuất chiếc thứ 2); 62 tàu khu trục (so với 32 tàu của Trung Quốc) và 75 tàu ngầm trong khi Bắc Kinh chỉ có 68 tàu chiếc.
Hải quân Hoa Kỳ có 323.000 quân so với 235.000 quân của Trung Quốc, phản ánh số lượng quân lớn trải khắp trên toàn thế giới.
Hải quân Trung Quốc đã có những tiến kể từ khi nó được triển khai tới nước ngoài bằng cách tham gia tuần tra chống cướp biển đa quốc gia ngoài khơi Somalia vào năm 2008 và đã bắt đầu diễn tập ở Tây Thái Bình Dương - vượt ra khỏi "chuỗi đảo đầu tiên" để tiếp cận rộng mở hơn tới vùng biển quốc tế.
Lực lượng tên lửa
PLA có lực lượng tên lửa riêng biệt với kho vũ khí lớn gồm các tên lửa tầm ngắn, tầm trung và tầm xa, bao gồm cả những tên lửa có thể trang bị đầu đạn hạt nhân. Ước tính Trung Quốc có khoảng 260 đầu đạn hạt nhân để trang bị cho gần 150 tên lửa đạn đạo trên đất liền, 48 tên lửa đạn đạo trên biển và các máy bay ném bom.
Hiện tại, sự phát triển của tên lửa đạn đạo DF-21D của Trung Quốc được cho là có khả năng đe doạ tàu sân bay đã thu hút được nhiều sự chú ý, dù vẫn chưa được xác thực trong thực chiến
Mỹ có khoảng 1.740 đầu đạn hạt nhân được triển khai theo cách tương tự trên.
Sự hiện diện ở nước ngoài
Trung Quốc không tham gia xung đột bên ngoài bên giới kể từ cuộc chiến biên giới năm 1979 và chính thức rời khỏi các liên minh nước ngoài.
Tuy nhiên, PLA hiện đang mở rộng hoạt động quốc tế, khi đang hiện diện tại các hòn đảo nhân tạo được bồi đắp trái phép trên Biển Đông; tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, các cuộc tập trận hải quân chung với Nga ở Địa Trung Hải và xây dựng căn cứ ở nước ngoài đầu tiên ở quốc gia Sừng Châu Phi ở Djibouti.
Còn quân đội Mỹ hiện đang hoạt động tại hơn 100 quốc gia, duy trì một mạng lưới các liên minh trên toàn thế giới và tham gia vào các cuộc xung đột lớn ở Afghanistan, Iraq và ngày càng mở rộng ở Syria.
(Theo AP)