(Tổ Quốc) -Những diễn biến gần đây tại Syria và Iraq đã cho thấy vai trò quan trọng của Phòng không tầm ngắn (SHORAD) trên chiến trường hiện đại.
Mặc dù thế giới đang dồn sức chú ý tới việc phát triển các hệ thống phòng không tầm xa, những diễn biến gần đây tại Syria và Iraq đã cho thấy vai trò quan trọng của Phòng không tầm ngắn (SHORAD) trên chiến trường hiện đại.
Theo National Interest (NI), Quân đội Trung Quốc (PLA) đã nhận thức đầy đủ về xu hướng này, và nghiên cứu thành công nhiều loại SHORAD thực hiện được nhiều nhiệm vụ. Xuất xứ của các hệ thống này cũng rất đa dạng, một số là các phiên bản cải tiến của châu Âu, còn một số khác dựa trên các bản gốc của Hoa Kỳ và Nga.
Thất bại với SHORAD nội địa, mở đường từ châu Âu?
Ban đầu, Trung Quốc đã cố gắng phát triển hệ thống SHORAD của riêng mình. Hệ thống nội địa đầu tiên là tên lửa HQ-61, được phát triển vào những năm 1970. Hiệu suất của tên lửa này được coi là chỉ hiệu quả ở mức trung bình – điều xuất phát từ sự non trẻ của ngành điện tử và công nghệ tên lửa Trung Quốc so với các “đồng nghiệp” thế giới.
Vào những năm 1980, PLA coi HQ-61 là lỗi thời và sau đó, vào khoảng năm 1985, họ hiện đại hóa nó bằng chương trình tên lửa HQ-63. Tuy nhiên, nỗ lực này sau đó cũng bị cản trở bởi trình độ non trẻ của giới nghiên cứu Trung Quốc vào thời điểm đó, và chương trình này cuối cùng đã bị loại bỏ.
SHORAD đang cho thấy sự hiệu quả trên chiến trường hiện đại. |
Để có được một hệ thống SHORAD hiệu quả, PLA đã nhìn ra bên ngoài. Không phụ thuộc vào việc nâng cấp HQ-61, PLA đã mua lại tên lửa Crotale của Pháp vào năm 1978 để phân tích. Họ thấy Crotale tốt hơn ở mọi khía cạnh so với HQ-61, do đó, vào năm 1979, họ bắt đầu quá trình phân tích để tìm ra kĩ thuật sản xuất ban đầu. Đến năm 1983 họ lần đầu tiên hoàn thiện bản thiết kế nguyên mẫu và đặt tên là HQ-7.
HQ-7 có ra-đa hướng dẫn, cũng như các thiết bị quang học hồng ngoại. Các số liệu theo thiết kế ghi rõ tầm bay là 12km và tầm cao 5km. Theo bản nâng cấp mới nhất của loại tên lửa này, HQ-7D được cải thiện lên tầm bay 17km và tầm cao 6 km, cùng với tốc độ bay từ Mach 2,3 đến Mach 3.Trong các phiên bản phục vụ hoạt động trên biển, HQ-7 cũng được điều chỉnh để trang bị cho các tàu chiến Trung Quốc.
Ngoài Crotale, một hệ thống SHORAD khác của Trung Quốc cũng có nguồn gốc từ châu Âu. Trung Quốc đã mua tên lửa Aspide của Italy sau khi không thể tìm ra kĩ thuật thiết kế ban đầu của tên lửa không đối không tầm trung AIM-7. Dựa trên Aspide, Trung Quốc đã phát triển tên lửa PL-11 của riêng họ. Sau đó, tiếp tục điều chỉnh PL-11 thành tên lửa đất đối không có tên HQ-6D, LY-60D hoặc HQ-64. Loại tên lửa này có tầm bay và tầm cao hơn hẳn HQ-7, với tầm bay 18 km và tầm cao 12 km, và tốc độ Mach 3. NHQ-6D thường được triển khai tại các sân bay quân sự như một loại vũ khí phòng thủ.
Sức ép từ Mỹ: Trung Quốc quay sang Nga
Trong khi những loại tên lửa trên đã chứng minh sự hiệu quả của mình, vào những năm 1990, Trung Quốc đã nhìn thấy mối đe dọa gia tăng từ các cuộc tấn công sử dụng trực thăng đẩy và các tên lửa tầm xa chống tăng do trực thăng dẫn đường của Mỹ. Trước tình hình này, Trung Quốc hướng tới việc có được một hệ thống SHORAD hiệu quả hơn. Lần này, họ nhìn về phía Nga, mua hơn 20 bộ hệ thống tên lửa Tor-M1 được cải tiến. Nguyên mẫu của loại tên lửa này được Trung Quốc tạo ra vào năm 2002, hoạt động thử nghiệm diễn ra vào năm 2004 và hệ thống này đã được hoàn chỉnh vào năm 2008. Sau khi thay thế radar cơ bản bằng một radar quét mạng điện tử mới, tích hợp hệ thống nhận diện địch-ta (IFF) và các mô đun liên kết dữ liệu, Trung Quốc gọi hệ thống này là HQ-17.
Ngoài việc phát triển tên lửa SHORAD, Trung Quốc cũng đưa ra nhiều loại pháo phòng không SHORAD. Hệ thống pháo SHORAD hiện đại đầu tiên của nước này -phòng không tự hành kết hợp pháo - tên lửa PGZ-95, đã được đưa vào thử nghiệm vào năm 1995. Được trang bị pháo tự hành và một tên lửa phòng không vác vai MANPAD, PGZ-95 được sử dụng như một hệ thống cơ động để bảo vệ các đơn vị thiết giáp được điều động. Cùng với MANPAD và pháo, PGZ-95 sẽ bảo vệ hiệu quả đối tượng trong vòng bán kính 6km.
Trung Quốc sau đó cũng đã phát triển các loại pháo phòng không SHORAD PGZ-09 / PGZ-07. Hệ thống này tương đồng với SHORAD Gepard của Đức, có vận tốc nhanh hơn, bán kính bắn lớn hơn, và hiệu quả hơn so với PGZ-95.
Ngoài pháo SHORAD cơ động, Trung Quốc còn sử dụng một tổ hợp pháo, được gọi là LD 2000. Tương tự như CRAM Mỹ, LD 2000 gồm một tổ hợp pháo đa nòng kết hợp với radar mạnh mẽ. LD 2000 sử dụng một khẩu pháo 7 nòng 30mm, và một số phiên bản cải tiến còn sử dụng tới pháo 11 nòng để tăng cường hỏa lực.