(Tổ Quốc) - Trung Quốc cho biết, máy bay tàng hình mới nhất J-20 đã sẵn sàng chiến đấu.
Bước ngoặt J-20 của Trung Quốc
Trang web của Quân đội Giải phóng nhân dân Trung Quốc và Tân Hoa Xã dẫn tin, máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 4, có tên gọi J-20 do nước này chế tạo đã được điều động đến các đơn vị chiến đấu của không quân.
Máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 4, có tên gọi J-20 của Trung Quốc. Ảnh:CNN |
Các nhà phân tích cho biết, J-20 đã hoàn thiện hai chức năng, bao gồm chiến đấu không đối không và tấn công mặt đất.
“Máy bay tàng hình sẽ cải thiện khả năng chiến đấu toàn diện của không lực và có thể bảo vệ chủ quyền, an ninh và toàn vẹn lãnh thổ Trung Quốc”,Tân Hoa Xã trích dẫn lời ông Shen Jinke – phát ngôn viên Quân đội Trung Quốc (PLA) cho biết.
Theo ông Shen Jinke, Trung Quốc liên tục thúc đẩy nhu cầu tăng cường sức mạnh không quân, trong bối cảnh các nước trong khu vực cũng đang nâng cấp công nghệ vũ khí tối ưu.
“Khi đưa J-20 vào chiến đấu, Trung Quốc có thể đối phó tốt hơn với các nước khác”, ông nói.
Báo cáo vào năm ngoái tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế gợi ý khả năng máy bay tàng hình J-20 của Trung Quốc có thể được sử dụng tấn công từ mặt đất.
Báo cáo cũng chỉ ra rằng, nếu tên lửa không đối không tầm xa lắp đặt J-20 thì khả năng có thể đối phó với hạm đội không quân của Mỹ, bao gồm máy bay tiếp nhiên liệu và máy bay điều khiển.
Đăng tải trên website tiếng Anh của PLA, chuyên gia quân sự Trung Quốc Song Zongping cho biết, máy bay tàng hình J-20 có khả năng đối phó với kẻ thù trong tương lai với bất kỳ ai dám đe dọa Trung Quốc trên không.
Trung Quốc đã từng giới thiệu J-20 đến công chúng tại Triển lãm về không gian vũ trụ và hàng không quốc tế vào tháng 11, 2016 tại TP Chu Hải, Quảng Đông, Trung Quốc.
Thách thức của Mỹ
Các máy bay chiến đấu do Mỹ sở hữu liên tục triển khai tới Thái Bình Dương trong suốt 12 tháng qua.
Lực lượng Phòng vệ trên không Nhật Bản cũng bổ sung thêm F-35s, trong đó khoảng 10 máy bay đã được triển khai đến căn cứ Không quân Misawa vào cuối tháng trước.
Vào thời điểm F-35s triển khai đến căn cứ Thủy quân lục chiến Iwakuni vào tháng 1, 2017, một phát ngôn viên đã nói trên CNN rằng, đây sẽ là chìa khóa bảo vệ Nhật Bản và các đồng minh Thái Bình Dương.
“Đây là phương tiện chiến đấu đa nhiệm với khả năng linh hoạt và tính hiệu quả chưa từng có nhằm tiêu diệt kẻ thù cả trên không và thực địa”, ông Karoline Foote, thuộc đơn vị Viễn chinh số III đóng quân tại Nhật Bản nói trên CNN.
Sự kết hợp độc đáo giữa tính năng tàng hình, radar và cảm biến tiên tiến cùng hệ thống chiến tranh điện tử tinh vi đem lại sức mạnh tác chiến vượt trội, cùng khả năng tác chiến đa nhiệm trong mọi điều kiện thời tiết, theo một tuyên bố của Thủy quân lục chiến Mỹ.
Sự xuất hiện của máy bay tàng hình J-20s Trung Quốc cũng sẽ hạn chế ảnh hưởng của Mỹ tại không phận châu Á – Thái Bình Dương.
Máy bay J-20 đã chính thức đi vào hoạt động từ tháng 9/2017. Nó đã tham gia cuộc tập trận 9 ngày với những máy bay đời cũ hơn như J-16, J-10C hồi tháng 1.
Mỹ đã từng đánh giá J-20 sẽ là mối đe doạ nghiêm trọng đối với các máy bay, tàu và căn cứ của Mỹ; vì quân đội Trung Quốc thông qua đó sẽ nâng cao năng lực kiểm soát và chiến đấu trên không.
So sánh F-20 và F-35
“Khi tôi nghe về F-35 và J-20, đây là sự so sánh không tương xứng”, Tướng David Goldfein - Tư lệnh không quân Mỹ cho biết vào tháng 8, 2016.
Tiêm kích F-35A của Mỹ |
Báo cáo của BreakingDefense dẫn lời tướng Mỹ David Goldfein cho biết, F-35 của Mỹ tích hợp vào hệ thống và các vũ khí khác của Mỹ nhằm nâng cấp công nghệ.
Theo các chuyên gia, Trung Quốc đang phát triển thế hệ máy bay chiến đấu tiên tiến J-20 nhưng chi phí chế tạo được cho là thấp hơn chi phí xây dựng tiêm kích hiện đại F-35 (mệnh danh “Tia chớp”) của Mỹ.
F-35 của Mỹ ra đời vào ngày 15.12.2006. Mỹ tiếp tục nâng cấp tiêm kích F-35A vào ngày 2.8.2016 với chức năng có thể tấn công mặt đất và phòng không.
Trong khi đó, máy bay chiến đấu tàng hình J-20 được tiết lộ lần đầu tiên vào năm 2011. Và công khai đầu tiên tại một buổi triển lãm hàng không ở TP Chu Hải vào tháng 11, 2016.
F-35 là loại tiêm kích đa chức năng có khả năng tàng hình trong mọi điều kiện thời tiết. Theo quan chức không quân Mỹ Mark Shackelford, máy bay này được chế tạo để trở thành "sát thủ tên lửa đất đối không, được trang bị công nghệ xử lý tiên tiến, radar tổng hợp và nhận diện mục tiêu cao cấp".
Trong khi đó, J-20 là loại máy bay 1 chỗ ngồi với 2 động cơ. Thân máy bay vừa dài vừa rộng để chứa vũ khí (bao gồm 2 hệ thống tên lửa tầm ngắn, 1 hệ thống tên lửa không đối không tầm xa và súng không đối đất).
Chương trình F-35 thúc đẩy tương tác ngoại giao để tăng cường mạng lưới an ninh của Mỹ. Phó Chủ tịch Lockheed Martin Orlando Carvalho hồi tháng 6-2014 nhấn mạnh F-35 là động lực tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Mỹ cùng các đối tác quốc tế.
Tuy nhiên, J-20 không dành cho xuất khẩu. Sự ra đời của J-20 đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong nỗ lực của quân đội Trung Quốc về công nghệ vũ khí.