(Tổ Quốc) - Khi chất thải của thời trang nhanh gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ở châu Phi, các nhà thiết kế thời trang ở Ghana đã tổ chức lễ hội thời trang tái chế nhằm nâng cao nhận thức của người dân về vấn đề này.
Nâng cao nhận thức người dân về vấn đề rác thải thời trang
Hãng AP mô tả tại một khu chợ quần áo cũ rộng lớn ở thủ đô Accra của Ghana, ngay từ sáng sớm những người mua sắm chen chúc tìm kiếm một món đồ từ đống quần áo, háo hức chọn một món hời hoặc một món đồ thiết kế từ những gian hàng bán quần áo đã qua sử dụng được nhập khẩu từ phương Tây.
Ở đầu bên kia đường, một lễ hội thời trang tái chế và mua sắm tiết kiệm đang diễn ra. Người mẫu trong những bộ trang phục mà các nhà thiết kế tạo ra từ những vật liệu bỏ đi từ chợ Kantamanto, từ áo cánh hoa và quần jean denim đến túi da, mũ và tất - trình diễn trang phục tái chế trên sàn diễn tạm thời.
Lễ hội có tên gọi là Obroni Wawu October. Ban tổ chức xem sự kiện này là một cách nhỏ để nâng cao nhận thức của người dân châu Phi trước tình trạng rác thải thời trang đang trở thành vấn đề môi trường ở Châu Phi, nơi số lượng lớn quần áo cũ kỹ thường trôi dạt vào các tuyến đường thủy và bãi rác.
"Thay vì để (rác thải dệt may) làm nghẹt máng xối, bãi biển hay bãi rác, tôi quyết định sử dụng chúng để tạo ra thứ gì đó... để chúng ta có thể sử dụng lại", ông Richard Asante Palmer, một trong những nhà thiết kế tại lễ hội thường niên do Or Foundation điều hành cho biết.
Or Foundation được biết đến là một tổ chức phi lợi nhuận thúc đẩy thông điệp bảo vệ môi trường và phát triển thời trang.
Ghana là một trong những nước nhập khẩu quần áo đã qua sử dụng hàng đầu ở châu Phi. Quần áo đã qua sử dụng thường đến từ Vương quốc Anh, Canada, Trung Quốc và các nơi khác trên thế giới. Tuy nhiên, một số quần áo nhập khẩu chất lượng đã rất tệ, đến mức các nhà cung cấp phải vứt bỏ để nhường chỗ cho các lô hàng tiếp theo.
Theo Neesha-Ann Longdon, đại diện cho tổ chức Or Foundation, trung bình 40% trong số hàng triệu sản phẩm may mặc vận chuyển sang Ghana cuối cùng trở thành rác thải.
Trong một báo cáo được công bố đầu năm nay về tác động kinh tế xã hội và môi trường đối với ngành thương mại quần áo cũ tại quốc gia này, Hiệp hội các nhà kinh doanh quần áo nước này cho biết khoảng 5% số mặt hàng được chuyển đến Ghana bị vứt bỏ ngay lập tức vì chúng không thể bán hoặc tái sử dụng.
Quần áo thời trang đã qua sử dụng
Ở nhiều quốc gia châu Phi, người dân thường mua quần áo đã qua sử dụng vì rẻ hơn so với hàng mới. Mua sắm đồ cũ cũng giúp người dân có cơ hội sử dụng lại những món đồ hiệu đến từ phương Tây, được xem là niềm mơ ước của nhiều người.
Tuy nhiên, tình trạng những đống rác thải dệt may chất đống trên các bãi biển khắp thủ đô Accra và gây tắc nghẽn đầm phá đang gây ra tác động nghiêm trọng đến môi trường.
Ông Jonathan Abbey, một ngư dân trong khu vực, cho biết lưới của anh thường vớt rất nhiều rác thải dệt may từ biển. Abbey cũng nói rằng với những quần áo đã qua sử dụng không bán được, nhiều người bán đã không được đốt mà bị ném xuống đầm phá Korle, sau đó trôi ra biển.
Theo Andrew Brooks, một nhà nghiên cứu tại King's College London và là tác giả của cuốn "Clothing Poverty: The Hidden World of Fast Fashion and Second-hand Clothes", sự dễ dàng của mua sắm trực tuyến đã đẩy nhanh chu trình lãng phí này.
"Ở những quốc gia như Vương quốc Anh, những món đồ không mong muốn thường được quyên góp từ thiện, nhưng quần áo đôi khi bị đánh cắp từ các thùng quyên góp trên phố và được xuất khẩu đến những nơi mà nhu cầu của người tiêu dùng được cho là cao hơn", ông Brooks cho biết.
Trong khi đó, những người quyên góp thường nghĩ rằng những món đồ họ vứt đi "sẽ được tái chế thay vì tái sử dụng, hoặc cho đi thay vì bán, hoặc được bán ở Vương quốc Anh thay vì xuất khẩu ra nước ngoài".
Lượng quần áo cũ được gửi đến châu Phi đã trở thành bãi rác, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường.
Các chuyên gia nhấn mạnh các hạn chế thương mại có thể không giúp ích nhiều trong việc giảm ô nhiễm dệt may hoặc khuyến khích sản xuất quần áo ở châu Phi, nơi lợi nhuận thấp và ít có động lực cho các nhà thiết kế.
Trong bối cảnh không có biện pháp thích hợp để ngăn chặn ô nhiễm, các tổ chức như Or Foundation đang cố gắng tạo ra sự khác biệt bằng cách tập hợp những người trẻ tuổi và những nhà sáng tạo thời trang tìm cách sử dụng các vật liệu phế thải phù hợp.
Liz Ricketts, đồng sáng lập của Or Foundation khẳng định các bãi biển ở Ghana hầu như không có quần áo bỏ đi trước đây. Tuy nhiên, khi vấn đề quản lý chất thải của đất nước đã trở nên tồi tệ hơn thì hiện tại, có rất nhiều chất thải dệt may trên các bãi biển vào năm 2024./.