• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Rạn nứt Arab: Iran hưởng lợi bất ngờ từ khủng hoảng Qatar

Thế giới 24/07/2017 21:04

(Tổ Quốc) - Iran đang “nhờ cậy” những căng thẳng hiện tại trong thế giới Ả rập để thúc đẩy ảnh hưởng chính trị và kinh tế ở Trung Đông.

 Cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh diễn ra bất ngờ đã khiến Iran được hưởng lợi. Iran đang “nhờ cậy” những căng thẳng hiện tại trong thế giới Ả rập để thúc đẩy ảnh hưởng chính trị và kinh tế ở Trung Đông.

Cuộc khủng hoảng ngoại giao Qatar dường như  đã vượt qua điểm sóng gió nhất và sẽ bước vào giai đoạn bình ổn hơn. Gần đây, Ngoại trưởng UAE, Abdullah bin Zayed Al Nahyan, nói rằng vết rạn nứt sẽ tiếp tục kéo dài và tầm nhìn cho một giải pháp chính trị chưa hiện hữu rõ ràng.

Sức ảnh hưởng của Tehran đang gia tăng sau khủng hoảng ngoại giao Qatar. (Nguồn: AFP)

Khủng hoảng chưa có hồi kết

Vào tháng 6, Saudi Arabia, Ai Cập, Bahrain và UAE đã cắt quan hệ ngoại giao với Qatar, cấm vận tất cả các đường hàng không, đường bộ và đường biển đến đất nước này, cáo buộc Doha hỗ trợ các nhóm khủng bố, đặc biệt là phong trào Huynh đệ Hồi giáo (MB), cũng như can thiệp vào các vấn đề nội bộ của các nước khác.

Kuwait đóng vai trò là trung gian hòa giải trong cuộc khủng hoảng, đã đưa cho Doha một danh sách 13 yêu cầu của 4 nước Arab – điều Qatar cho là "không thực tế", "bất hợp pháp" và kêu gọi sửa đổi.

Bộ trưởng Ngoại giao Qatar Mohammed bin Abdulrahman Al-Thani ngày 21/7 nói rằng quốc gia này sẵn sàng đàm phán với bốn quốc gia Ả rập nếu họ "tôn trọng chủ quyền và kiềm chế can thiệp vào công việc nội bộ của nước này cũng như  tuân thủ luật pháp quốc tế" khi thực hiện một bước tiến tới giải quyết tranh chấp.

Tuy nhiên, bốn quốc gia Arab dường như chưa sẵn sàng cho giải pháp ngoại giao.  Ngày 22/7, UAE tuyên bố, chính quyền Doha cần thay đổi chính sách trước khi có thể bắt đầu một cuộc đối thoại nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng vùng Vịnh hiện nay. Gần đây, 4 nước Arab đã rút gọn bản yêu sách 13 điểm như điều kiện tiên quyết hướng tới khôi phục quan hệ ngoại giao.

Trong khi đó, Qatar, nhận được sự hỗ trợ của các quốc gia không phải là Ả Rập, bao gồm cả Iran, có vẻ như chưa sẵn sàng chấp nhận những yêu cầu của các nước Ả Rập.

Đặc thù kinh tế

Sputnik Ba Tư đã thảo luận với Vladimir Sazhin, một nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện nghiên cứu Phương Đông thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, về tình hình xung quanh Qatar và vai trò tiềm tàng của Iran trong cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở vùng Vịnh.

Chuyên gia này chỉ ra rằng việc Qatar dám bác bỏ các yêu sách là nhờ các nguồn lực kinh tế đặc thù của nước này.

 “Bốn nước Arap đã thất bại trong việc hạ gục Doha bằng một cuộc tổng tấn công trên mọi mặt trận. Đất nước nhỏ bé này đã bác bỏ tối hậu thư từ các đối thủ. Tuy nhiên, điều này không hề đáng ngạc nhiên. Trong năm 2015, Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã đánh giá Qatar là quốc gia giàu nhất thế giới”, Sazhin nói.

"Nước này có nguồn dự trữ vàng 26.6 tấn, Doha cũng có nguồn dự trữ tài chính 40 tỷ USD và quỹ đầu tư nhà nước 300 tỉ USD. Bên cạnh đó, Doha cũng có thặng dư ngân sách ổn định ở mức 40 tỷ USD.  Iran và Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang hỗ trợ Qatar phá vỡ cuộc phong tỏa ," Sazhin nói.

Chuyên gia này cho rằng mặc dù tình hình thực tế xung quanh Qatar phần nào ổn định, tuy nhiên, không thể loại trừ những động thái leo thang căng thẳng trong tương lai, đặc biệt là từ Riyadh (Saudi Arabia). Tuy nhiên, có một số quốc gia đang xúc tiến điều hòa khủng hoảng ngoại giao Qatar, bao gồm Hoa Kỳ, Pháp, Đức, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Iran, và sự tham gia của họ sẽ góp phần làm dịu căng thẳng.

Vai trò của Iran?

Bình luận về vai trò của Iran trong vụ tranh chấp Qatar, ông Sazhin nói rằng Tehran đã "chiến thắng trong cuộc chiến ở Qatar", điều này sẽ dẫn đến việc mở rộng hơn nữa ảnh hưởng kinh tế và chính trị của Iran cả ở Qatar và khắp khu vực.

Các liên kết giữa Doha và Tehran tồn tại trên thực tế khi hai bên đã cùng điều hành một mỏ khí đốt lớn ở vịnh Ba Tư, trong đó trữ lượng khí đốt của Qatar ước tính khoảng 900 nghìn tỷ feet khối. Theo các phương tiện truyền thông, mỏ khí đốt này chiếm gần 100% sản lượng khí đốt của Qatar và hơn 70% doanh thu xuất khẩu của nước này. Đây là lý do tại sao Qatar thường phải cân bằng giữa mối quan hệ với Iran và lợi ích của Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC).

Sazhin nói thêm rằng cuộc khủng hoảng ở Qatar "đã chia rẽ toàn bộ thế giới Ả Rập" và Doha đang trên bờ sóng gió với cả GCC. Tuy nhiên, theo chuyên gia, tình hình này khá là tiêu cực đối với các nước Arap, trước hết là Saudi Arabia, thay vì Doha.

"Saudi Arabia muốn đoàn kết thế giới Ả rập Sunni để chống lại Iran. Đã có những lời kêu gọi thiết lập một mô hình chống Iran tương tự như khối NATO ở Trung Đông. Tuy nhiên, sự rạn nứt hiện nay trong GCC có thể làm hỏng kế hoạch này. Căng thẳng hiện nay giữa các nước Arap khiến Iran được hưởng lợi. Tehran đang chiến thắng một lần nữa ở Trung Đông ", Sazhin nói.

Chuyên này cũng nhận xét khủng hoảng ngoại giao Qatar khó dẫn đến đối đầu quân sự do tất cả các bên liên quan đều có quan hệ kinh tế gần gũi và liên đới với nhau cũng như các thị trường toàn cầu. Cũng theo ông Sazhin, nhiều khả năng khủng hoảng này sẽ không được giải quyết nhanh chóng.

(Theo Sputnik)

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ