• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Rộng đường thương vụ vũ khí toàn cầu, Mỹ chưa thỏa mãn vị trí số 1?

Thế giới 23/04/2018 15:59

(Tổ Quốc) - Chính quyền Mỹ tuần trước đã đưa ra các chính sách mới nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp vũ khí bằng cách tạo điều kiện cho các thương vụ với nước ngoài.

Chính quyền Mỹ tuần trước đã đưa ra các chính sách mới nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp vũ khí bằng cách tạo điều kiện cho các thương vụ với nước ngoài, bao gồm cả việc điều chỉnh các điều khoản hạn chế việc xuất khẩu máy bay không người lái do Mỹ sản xuất.

Theo Washington Post, trong khi các tổng thống Mỹ trước đây xem hoạt động của ngành công nghiệp quốc phòng là một yếu tố trong việc thực hiện chính sách đối ngoại, Tổng thống Trump coi việc bán vũ khí là trung tâm trong phương pháp tiếp cận đối ngoại của ông, thường xuyên nhấn mạnh số lượng vũ khí mà mỗi quốc gia đối tác mua là công cụ đo lường cam kết của họ với Washington.

Mỹ bán vũ khí để phát triển kinh tế

Chính sách này đã được thể hiện rõ trong cuộc họp báo của ông Trump với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe gần đây, trong đó Tổng thống Mỹ cam kết  sẽ "cắt ngắn" thủ tục  hành chính của Bộ Ngoại giao để tăng tốc độ bán thiết bị quân sự của Mỹ cho các đồng minh như Nhật Bản.

"Nếu họ là đồng minh của chúng tôi, chúng tôi sẽ giúp họ có được thiết bị quân sự quan trọng," ông Trump nói. “Và không ai - không ai – sẽ làm điều đó giống như Hoa Kỳ. ”

Ông Trump thường nhấn mạnh việc bán vũ khí khi xuất hiện cùng với các nhà lãnh đạo nước ngoài. Trong Phòng Bầu dục tháng này, ông Trump ví nhà Vua Qatar như một quý ông - “người mua rất nhiều trang thiết bị từ chúng tôi,” bao gồm cả máy bay và tên lửa quân sự. Ông Trump gần đây cũng đánh giá cao việc Hoàng Thái tử Saudi đã chia sẻ sự giàu có của vương quốc này với Hoa Kỳ bằng cách mua "các thiết bị quân sự tốt nhất trên thế giới (của Mỹ -PV)."

Mỹ sẽ chú ý tới các ưu tiên kinh tế trong việc đàm phán các thương vụ vũ khí với đối tác nước ngoài.

Trong nhiều năm qua, các chính quyền Hoa Kỳ đã tìm cách cân bằng lợi ích của ngành công nghiệp quốc phòng với các ưu tiên chính sách an ninh và quốc gia khi quyết định xem có chấp thuận bán vũ khí hay không.

Tuy nhiên, hành động cân bằng này có thể gặp khó khăn vì các thương vụ vũ khí thường kéo dài lâu hơn sự tồn tại của chính phủ đã mua chúng, và quân đội Mỹ không muốn vũ khí của Mỹ được sử dụng để chống lại quân đội của mình trong bất kỳ xung đột nào trong tương lai. Quân đội Mỹ cũng muốn bảo lưu một số công nghệ tinh vi nhất do Mỹ sản xuất để giữ vững lợi thế.

Mặc dù chưa rõ chính sách mới sẽ được triển khai như thế nào, chính phủ Hoa Kỳ có thể sẽ tập trung vào các giao dịch có thể có lợi cho ngành công nghiệp quốc phòng của họ.

Đại sứ Tina Kaidanow, Phó trợ lý Ngoại trưởng về quan hệ chính trị - quốc phòng Mỹ, cho biết bản cập nhật chính sách trên về buôn bán vũ khí đưa an ninh kinh tế vào các cân nhắc an ninh quốc gia rộng lớn hơn. Bà cho biết chính quyền Trump sẽ tích cực tham gia vào ngành công nghiệp quốc phòng của Mỹ để "cho phép các nhà thầu quốc phòng bán hàng ra nước ngoài".

"Về tổng thể, cách tiếp cận ở đây thể hiện ưu tiên kinh tế", Rachel Stohl, một chuyên gia về thương mại vũ khí tại Trung tâm Stimson, một tổ chức nghiên cứu chính sách phi đảng phái ở Washington, nói.

Stohl cho biết, các chính sách trước đây đã nhấn mạnh sự cần thiết phải ngăn chặn vũ khí của Hoa Kỳ rơi vào tay các lực lượng xấu hoặc được sử dụng cho các hành vi phạm nhân quyền. Chính sách mới vẫn giữ nguyên các quy tắc để giảm thiểu những mối quan ngại đó, nhưng chúng không còn là trọng tâm nữa, bà nói.

Doanh số bán vũ khí của Mỹ đã chiếm lĩnh thị trường quốc tế, chiếm 33% tổng lượng xuất khẩu vũ khí hạng nặng và cung cấp vũ khí cho 103 đối tác từ năm 2012 đến năm 2016, theo Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI). Nga đứng thứ hai, với khoảng 23% thị trường.

Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng Hoa Kỳ cuối năm ngoái đã công bố tăng 25% các thương vụ chuyển giao hoàn toàn trong năm tài khóa 2017, bao gồm nhiều thỏa thuận đã được khởi đầu từ thời chính quyền Obama.

Đột phá con đường xuất khẩu máy bay không người lái

Ngoài việc công bố một chính sách mới về chuyển giao vũ khí thông thường, Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ đã đưa ra những thông tin mới về một chính sách riêng xuất khẩu máy bay không người lái.

Một phần của chính sách về máy bay không người lái trên vẫn được bảo mật. Tuy nhiên, những thay đổi được tiết lộ bao gồm quyết định cho phép các nhà xuất khẩu máy bay không người lái của Hoa Kỳ đàm phán một số hợp đồng trực tiếp với các quốc gia nước ngoài thay vì thông qua chương trình bán hàng quân sự của chính phủ.

Một thay đổi khác là loại bỏ các quy tắc về sự giám sát đặc biệt đối với doanh thu của bán máy bay không người lái kèm thiết kế laser. Máy bay không người lái với thiết kế laser có thể hoạt động trên chiến trường và đánh dấu mục tiêu, sau đó truyền thông tin trở lại cho máy bay chiến đấu hoặc hệ thống khác có thể phóng vũ khí để tấn công mục tiêu.

"Chúng tôi đang mở thêm cơ hội cho các công ty để bán hàng và tiếp thị thông qua hoạt động thương mại trực tiếp", Kaidanow nói.

Các nhà sản xuất máy bay không người lái Mỹ từ lâu đã bày tỏ sự thất vọng rằng họ phải đối mặt với những hạn chế lớn hơn các đối thủ cạnh tranh nước ngoài như Trung Quốc khi bán sản phẩm cho các quốc gia khác.

Các công ty này cho rằng các hạn chế của Hoa Kỳ đã không ngăn cản được sự phát triển nhanh chóng của máy bay không người lái trên toàn cầu. Thậm chí, những quy định này chỉ khiến các đối tác quốc phòng lâu năm của Mỹ như Saudi Arabia và United Arab Emirates (UAE) chuyển sang mua các máy bay không người lái của Trung Quốc.

Peter Navarro, giám đốc Văn phòng Chính sách Thương mại và Sản xuất Nhà Trắng, đã lặp lại lập luận đó hôm thứ Năm tuần trước.

Navarro cho biết chính sách của chính quyền Obama về xuất khẩu máy bay không người lái đã thúc đẩy một kết quả không mong muốn cho các nhà sản xuất Mỹ, khi các bản sao công nghệ Mỹ của Trung Quốc được “triển khai trên đường băng ở Trung Đông.” Chính quyền Trump “đang thay đổi chính sách đó”.

Sự thay đổi này đánh dấu một chiến thắng cho các đồng minh từ lâu đã tìm cách mua máy bay không người lái hàng đầu của Hoa Kỳ nhưng đã bị cản trở bởi các quy tắc xuất khẩu. Mặc dù chính sách mới không đảm bảo họ sẽ có thể mua được công nghệ, những sẽ mở ra những con đường mới cho tiến trình này.

"Với các nước lớn ở Trung Đông, đây sẽ là một bước đi tích cực của chính quyền Trump", Danny Sebright, cựu quan chức Lầu Năm Góc và là chủ tịch hiện tại của Hội đồng kinh doanh USA-UAE nói.

Tuy nhiên, các sửa đổi chính sách lần này thiếu một loạt các động thái dỡ bỏ hạn chế mà một số người trong ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ hy vọng sẽ thấy.

Việc xuất khẩu máy bay không người lái của Mỹ được quy định theo Chế độ Kiểm soát công nghệ tên lửa (MTCR) – một thỏa thuận tự nguyện được hơn 30 quốc gia kí kết, bao gồm cả Hoa Kỳ. Văn bản này nhằm hạn chế phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt và tên lửa chuyên chở loại vũ khí này, gồm cả các mẫu máy bay không người lái cỡ lớn như Predators và Reapers. Trung Quốc không tham gia thỏa thuận trên.

Kaidanow cho biết việc xuất khẩu các máy bay không người lái cỡ lớn của Mỹ sẽ vẫn phải tuân theo MTCR, nhưng Hoa Kỳ sẽ làm việc để bổ sung vào thỏa thuận trên và đảm bảo rằng nó phục vụ cho các ưu tiên của Hoa Kỳ đối với xuất khẩu vũ khí.

Remy Nathan, một nhà vận động hành lang của Hiệp hội Công nghiệp hàng không vũ trụ ủng hộ chính quyền Trump tăng cường các ưu tiên kinh tế trong việc quyết định liệu có nên chấp nhận giao dịch vũ khí hay không.

"Ý nghĩa thực sự của động thái trên là bạn nhận được một tuyên bố cấp tổng thống rằng thương mại quốc phòng là quan trọng", Nathan nói. Điều đó đặt nền tảng cho một cuộc đối thoại giữa ngành công nghiệp quốc phòng và chính quyền Mỹ trong 60 ngày tới về “một số thay đổi cơ bản thực sự cần phải xảy ra”, ông nói thêm.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ