(Tổ Quốc) - Theo các chuyên gia khí hậu, đến năm 2050, Ấn Độ sẽ là một trong những nơi đầu tiên có nhiệt độ vượt qua giới hạn mà con người có thể sống sót.
Khí hậu khắc nghiệt ở Ấn Độ
Trong khung thời gian đó, nhu cầu về máy điều hòa không khí (AC) trong nước dự kiến sẽ tăng gấp 9 lần, vượt xa tất cả các thiết bị khác, theo báo cáo gần đây của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA).
Hãng CNN dẫn tin, vào đầu mùa hè 2023 (tháng 4), trận nắng nóng kỷ lục đã ghi nhận hơn chục người chết, chủ yếu là phụ nữ. Tiếp theo, cả khu vực Delhi chìm trong nước lũ hồi tháng 7/2023.
Cùng mùa hè năm đó, các bệnh viện ở bang Uttar Pradesh luôn trong tình trạng quá tải. Hầu hết công nhân ở đây đã rơi vào tình trạng bơ phờ và say nắng. Cũng trong năm 2023, hiện tượng các lớp tuyết phủ trên dãy Himalaya không xuất hiện vào mùa đông. Một mùa đông gần như không có tuyết khả năng sẽ kéo dài đến năm 2024.
Và khi nhiệt độ lên tới 40 độ C (104 độ F) vào tháng 6 năm ngoái ở Ấn Độ, trường học đóng cửa, mùa màng thiệt hại, gây áp lực lên nguồn cung cấp năng lượng.
Theo IEA, mức tiêu thụ điện ở Ấn Độ từ hoạt động làm mát – bao gồm máy điều hòa không khí và tủ lạnh – đã tăng 21% từ năm 2019 đến năm 2022. Đến năm 2050, tổng nhu cầu điện từ máy điều hòa không khí dân dụng của Ấn Độ sẽ vượt quá tổng lượng điện tiêu thụ ở châu Phi hiện nay. Nhu cầu cao cũng đang làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu.
Trong khi đó, Ấn Độ cũng hứa sẽ giảm 20%-25% nhu cầu năng lượng cho mục đích làm mát vào năm 2038 theo kế hoạch hành động làm mát được công bố vào năm 2019, đồng thời vẫn tập trung phát triển và thực hiện các giải pháp tiết kiệm chi phí phù hợp với mục tiêu kinh tế của đất nước.
Trong bối cảnh hiện tại, tác động của thời tiết khắc nghiệt ở Ấn Độ cũng là một mối lo ngại đối với toàn cầu. Việc Ấn Độ ban hành lệnh cấm xuất khẩu lúa mì do hạn hán hoặc làm chậm hoạt động xuất khẩu công nghệ thông tin, thế giới đã bị ảnh hưởng bởi khan hiếm nguồn lương thực và sản phẩm công nghệ.
Mối quan tâm của thế giới
Ấn Độ là nước phát thải khí nhà kính lớn thứ ba thế giới, sau Trung Quốc và Mỹ. Đây cũng là nền kinh tế lớn phát triển nhanh nhất thế giới.
Do đó, cách Ấn Độ xử lý vấn đề biến đổi khí hậu luôn là mối quan tâm của thế giới. Năm 2024, vấn đề khí hậu được đề cập trong tuyên ngôn bầu cử của hai đảng chính là Đảng Bharatiya Janata (BJP) cầm quyền và Đảng Quốc đại Ấn Độ (INC).
Trong các chương trình khí hậu, chính phủ đương nhiệm của Thủ tướng Narendra Modi liên tục thúc đẩy triển khai nhanh chóng năng lượng tái tạo và sản xuất xanh trong nước để tạo việc làm trong khi tiếp tục dựa vào nhiên liệu hóa thạch để cung cấp năng lượng cho nền kinh tế. Điều đó khá giống với các chính phủ trước đây.
Ông Brian Dean, người đứng đầu bộ phận tiết kiệm năng lượng và làm mát tại tổ chức Sustainable Energy for All khẳng định "Ấn Độ mặc dù chưa tham gia Cam kết làm mát toàn cầu nhưng những tiến bộ quan trọng về làm mát bền vững đã đạt được trong nước. Các đối tác quốc tế hy vọng Ấn Độ sẽ cân nhắc tham gia trong tương lai".
Xem qua các bản "tuyên ngôn" bầu cử của Đảng BJP và Đảng Quốc đại Ấn Độ (INC), họ đều tập trung vào các vấn đề phát triển phù hợp với khí hậu - bao gồm mở rộng quyền lợi cho những người nghèo nhất, tạo việc làm thông qua sản xuất xanh và tái cấu trúc nền nông nghiệp Ấn Độ.
Khả năng phục hồi toàn cầu phải là ưu tiên hàng đầu trong một thế giới kết nối. Vì vậy, tác động của khí hậu đối với quốc gia đông dân nhất trên trái đất không chỉ là vấn đề trong nước mà còn là vấn đề quốc tế./.