• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Sa lầy ngoài ý muốn tại Syria, Mỹ để EU vượt mặt bắt tay Nga?

Thế giới 23/06/2017 20:48

(Tổ Quốc) - “Vô tình” đảm nhận một vai trò lớn hơn tại Syria, Mỹ có như Nga, bất chấp tất cả để đạt được mục đích?

Theo những gì Nhà Trắng thường nói, nước Mỹ vẫn chưa có ý định can thiệp vào cuộc xung đột đã kéo dài hơn 6 năm tại Syria. Sự hiện diện của người Mỹ tại đây, chỉ đơn giản là giúp đỡ các đồng minh của mình trong cuộc chiến chống lại IS.

Tuy nhiên, tờ New York Times nhận định, một loạt những sự kiện gần đây đã khiến giới chức ngoại giao và an ninh quốc gia của Mỹ tin rằng, vô tình hay cố ý, vai trò của Washington tại Syria đang dần trở nên lớn hơn rất nhiều so với dự định ban đầu.

Chiến lược nào cho Mỹ sau khi IS bị tiêu diệt?

“Chúng tôi không tìm kiếm xung đột với bất kỳ ai ngoại trừ IS,” Đại úy Jeff Davis, phát ngôn viên của Lầu Năm góc phát biểu hôm thứ Tư (21/6).

Chỉ riêng trong tháng này, Mỹ đã bắn hạ một phi cơ chiến đấu của quân đội Syria, suýt tấn công một cái khác và buộc hai thiết bị do thám không người lái của Iran hoạt động gần khu vực các quân đoàn do Mỹ hỗ trợ, phải hạ cánh.

Phía Nga đã trả đũa bằng cách đe dọa sẽ coi các máy bay Mỹ như mục tiêu. Hôm thứ Hai (19/6), trong một màn rượt đuổi được ví như phim hành động Hollywood, một phi cơ chiến đấu của Nga đã bay sát sườn một máy bay gián điệp của Mỹ.  

Không một cuộc đụng độ nào trên đây có liên quan đến khủng bố IS. Điều này đã khiến các chuyên gia an ninh quốc gia nảy sinh câu hỏi lớn: chiến lược nào sẽ được chính quyền Tổng thống Trump áp dụng một khi IS bị đánh bại tại Syria?

“Chúng ta đang bước đi như người mộng du vào một trận địa quân sự rộng hơn nhiều, mà không biết được kế hoạch tiếp theo là gì,” Vali Nasr giáo sư của Đại học Johns Hopkins nhận định.

Những gì quân đội Mỹ làm được tại Syria, cho đến thời điểm này đã vượt nhanh hơn rất nhiều các động thái ngoại giao nào hướng đến một giải pháp hòa bình cho cuộc chiến Syria.

Khi Tổng thống Barack Obama bắt đầu cuộc không kích đầu tiên nhắm vào các mục tiêu IS tại Syria vào ba năm trước, mọi việc dường như khá rõ ràng: đánh bại IS thông qua đồng minh tại Syria, nhưng không giúp họ chống lại Tổng thống Bashar al-Assad.

IS đang bị rơi vào một tình thế khá khó khăn tại Syria. Nó phải hứng chịu các cuộc tấn công tứ phía, từ nước Mỹ và các đồng minh trong khu vực, cho đến chính phủ Syria được hỗ trợ bởi Nga và Iran. Hiện tại, theo một số quan chức Mỹ, phần lãnh thổ mà IS đang kiểm soát đã bị giảm một nửa so với trước đây, và chỉ chiếm chưa đầy 1/3 tổng diện tích Syria.

Mỹ không thể không liên quan đến Assad, Nga và Iran

Trong quá khứ, Lầu Năm góc và đồng minh có thể không can thiệp vào vấn đề của chính phủ Syria và những lực lượng hỗ trợ Tổng thống Assad tại Nga và Iran – bởi vì tất cả mọi người đều tập trung đối phó với IS. Còn giờ đây, các bên đang cùng đứng trên một dải lãnh thổ, và bắt đầu quay sang “chành chọe” nhau bên cạnh việc xử lý kẻ thù chung.

Đại úy Davis lưu ý rằng, vụ việc với các máy bay do thám Iran tuần này chỉ hoàn toàn là mục đích tự vệ. Các quan chức quốc phòng khẳng định, đây không phải là bằng chứng cho thấy nước Mỹ đang dính dáng đến một cuộc chiến có quy mô ngày một lớn hơn.

Tuần trước Mỹ đã bắn hạ một máy bay của quân đội Syria

Tuy nhiên, New York Times tiết lộ, khi nêu lên ý kiến cá nhân, một số quan chức thừa nhận, họ dường như không còn có thể tránh xa các vấn đề liên quan đến Tổng thống Assad – chưa kể đến những sự việc dính đến Nga và Iran.

EU muốn vai trò lớn hơn, và sẵn sàng hợp tác với Nga

Tại châu Âu, tân Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố, chiến thuật của ông đối với Syria sẽ khác so với người tiền nhiệm; theo đó, việc lật đổ ông Assad không còn là một ưu tiên hàng đầu.

Thay vào đó, ông Macron cho biết, cuộc chiến chống khủng bố quan trọng hơn, và ông đã sẵn sàng hợp tác với bất kỳ ai để đạt được mục tiêu này, bao gồm cả Moscow.  “Lập trường của tôi rất rõ ràng: Một, là cuộc chiến toàn lực chống lại các nhóm khủng bố. Chúng ta cần sự hợp tác của mọi người để tiêu diệt những nhóm này, đặc biệt là từ Nga,” ông Macron khẳng định. “Hai, sự ổn định tại Syria, bởi vì tôi không muốn một quốc gia thất bại.”

Tổng thống Pháp cũng nhắc đến một tiến trình “chính trị và ngoại giao”, nhưng không đề cập Mỹ hay Liên Hợp quốc. Điều này cho thấy, ông mong muốn được nhìn thấy một vai trò lớn hơn dành cho các quốc gia đứng đầu EU – không phải trên tiền tuyến, mà thông qua ngoại giao và những nỗ lực giải quyết bất đồng giữa các bên liên quan.

Nga không ngần ngại leo thang, Mỹ phản ứng nhanh và quyết liệt

Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, chưa có bất kỳ thương lượng nào giữa các bên về việc điều gì sẽ xảy ra tiếp theo nếu IS bị đánh bại tại Syria.

Và trước những diễn biến ngày một căng thẳng trên chiến trường phía đông Syria, ở thung lũng sông Euphrates – một khu vực có trữ lượng dầu mỏ lớn – các quan chức quốc phòng nói rằng, họ ủng hộ ông Assad và các lượng lượng khác có thể giành lại phần lãnh thổ đó từ tay IS.

Trong khi đó, Iran không muốn các lực lượng đồng minh của Mỹ giải phóng khu vực này, bởi vì nó có thể ảnh hưởng đến việc Tehran hỗ trợ cho các đồng minh Shiite tại Iraq và Lebanon.

“Chính sách của chính quyền Obama chỉ tập trung hoàn toàn vào IS, đã giữ không cho vấn đề Nga và Iran khỏi bàn nghị sự trong một thời gian dài,“ Eric Robinson, một nhà phân tích của RAND Corporation cho biết.

“Với việc IS đang dần bị đẩy khỏi bắc Syria và Raqqa, và mọi thứ đang dồn về Thung lũng sông Euphrates, chúng ta sẽ thấy tất cả các bên đều tập trung về cùng một khu vực.” Điều này, theo ông, sẽ làm tăng khả năng dẫn đến các cuộc đụng độ như những gì đã xảy ra trong thời gian gần đây.

Và hệ quả có thể sẽ là một cuộc xung đột ở quy mô lớn hơn, đặc biệt khi Nga chưa bao giờ e ngại để căng thẳng leo thang, và Tổng thống Trump tỏ ra là một người phản ứng nhanh nhạy hơn rất nhiều so với người tiền nhiệm - ông Robinson dự đoán.

“Obama không muốn Mỹ vướng vào một cuộc chiến súng ống với Nga về Syria,” Derek Chollet, một trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng về vấn đối ngoại dưới thời Tổng thống Obama nhận xét. “Nguy cơ leo thang với Nga là một yếu tố bất biến trong hoạch định và quản lý quân sự của chính quyền.”

Chollet cũng chỉ ra, một thử thách lớn đến từ phía Nga, đó là Moscow luôn sẵn sàng gia tăng rủi ro, chấp nhận cả việc bị tổn hại, để có thể “cứu” Tổng thống Assad. Liệu Mỹ có sẵn sàng bỏ ra một cái giá tương tự cho việc lật đổ ông ta?

(Theo NY Times)

 

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ