(Tổ Quốc)- Từ 22-27/10, tại Nhà hát Chèo Việt Nam (số 1 Giang Văm Minh, Hà Nội) sẽ mang đến nhiều vở diễn đặc sắc cho công chúng như: Thị Hến, Đường trường duyên phận, Lưu Bình trả nghĩa…
Cụ thể, vở Đường trường Duyên phận được diễn vào 20h ngày 22/10, kể về một gánh hát chèo xưa, các số phận như Cả Hân, Đào Sen, Kép Thăng hay Cụ Trùm…. đã đắm mình với nghiệp chèo nhưng cũng gặp bao trắc trở thăng trầm trong cuộc sống, họ phải đấu tranh với chính họ để rồi quyết theo nghề giữ nghiệp là nghệ thuật chèo truyền thống của dân tộc. Gìn giữ nghiệp Chèo cần những con người với tình yêu, sự tâm huyết, để có thể bảo vệ Nghiệp Tổ và phát triển cho muôn đời sau.
Một cảnh trong vở Bắc Lệ đền thiêng. Ảnh:Nhà hát Chèo Việt Nam
Còn vở Lưu Bình trả nghĩa được diễn ra ngày 23/10 sẽ mang đến cho khán giả cái nhìn về tình người, cách đối nhân xử thế mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc của những thế hệ sau 30 năm là những gì tác phẩm mang lại. Hi sinh đứa con trai duy nhất của mình để cứu con trai Dương Lễ và nuôi dạy thành tài khi gia đình Dương Lễ mắc họa tru di do những kẻ phản thần hãm hại là nghĩa cử cao đẹp của Lưu Bình đối với những ân tình năm xưa vợ chồng Dương Lễ dành cho mình. Tác phẩm không chỉ đem lại nhiều ý nghĩa mang tính triết lý sâu sắc mà còn mang đến nhiều bài học quý giá về cuộc sống đối với mỗi chúng ta.
Chương trình âm nhạc 5 cung Chèo diễn ra ngày 24/10 được xây dựng dựa trên cơ sở khai thác vốn cổ với trọng tâm là các làn điệu chèo truyền thống như Chiếu chèo khai hội, Lửa lòng xuân nữ, Đường qua bể khổ, Dạ khúc nguyệt cầm, Năm cung hòa điệu, Tự sự Súy Vân, Kiếp ba đào, Biến khúc đăng đàn, Ngẫu hứng tam tấu… Tất cả được trình diễn trên nền nhạc cụ dân tộc như đàn Nhị, đàn Tranh, đàn Bầu, Mõ, Trống Cơm, đàn Tam thập lục, Tiêu, Trống Cái, Trống Con, Thanh La, Chũm Chọe. Ngoài ra còn có Cồng Chiêng, đàn Ghita điện là hai loại nhạc cụ phá cách được đem vào trình diễn trong âm nhạc Chèo. Sự kết hợp thú vị của các loại nhạc cụ này đem lại nhiều trải nghiệm mới cho người yêu âm nhạc truyền thống.
Ảnh minh họa/ Nhà hát Chèo Việt Nam
Đến với vở Bắc Lệ đền thiêng ngày 25/10 để được thấy những người dân của Làng Lệ Thượng con dân đất Việt đã không tiếc máu xương hy sinh thân mình để bảo vệ nét tín ngưỡng tâm linh tôn kính ngàn đời của dân tộc, bản sắc Văn hóa Việt, tâm hồn Việt không dễ bị khuất phục. Từng lớp người ngã xuống, lại có những lớp người sau sẵn sàng đứng lên kế tiếp nét truyền thống của cha anh. Một dân tộc Việt luôn mạnh mẽ, hào hùng, bất khuất. Một bản sắc văn hóa ngàn đời cần mỗi con người như chúng ta dốc lòng bảo vệ. Bảo vệ Văn hóa, tín ngưỡng tâm linh, cũng chính là bảo vệ dân tộc ta ngày một vững mạnh hơn.
Một vở chèo nổi tiếng khác sẽ được đến với công chúng ngày 26/10 là Quan Âm Thị Kính. Đây là tác phẩm đặc sắc trong nền Văn học Việt Nam, vốn rất phổ biến và quen thuộc với mọi người dân Việt.Thị Kính là đại diện tiêu biểu cho lòng bao dung, đức hy sinh, từ bi và cao hơn là Đức Nhẫn của người phụ nữ. Tác phẩm tôn vinh công hạnh tu thành của Thị Kính, oan khiên được gội sạch, hiếu dạ được vuông tròn… Thêm một lần nữa khẳng định vị thế của người phụ nữ trong cuộc sống, dù họ luôn bị cả một hệ tư tưởng phong kiến ấu trĩ, hà khắc kìm kẹp. Quan Âm Thị Kính là sự kết tinh của những nét đẹp tinh túy nhất trong con người phụ nữ Việt.
vào lúc 20h ngày 27/10 sẽ là vở Thị Hến. Đây là vở diễn được chuyển thể từ tích dân gian nổi tiếng "Nghêu Sò Ốc Hến" với chủ đích nhấn mạnh tính nhân văn và bênh vực người phụ nữ, cùng với đó là tiếng cười châm biếm quan hào phú, quan lại thời phong kiến. Đến với "Thị Hến" là đến với những tiếng cười sảng khoái đậm chất Chèo nhưng cũng đầy sâu cay và thâm thúy.