(Tổ Quốc) - Theo CNN, triển vọng của ngành sản xuất trên thế giới đang trở nên u ám vì nhu cầu tiêu dùng yếu đi.
Theo các cuộc khảo sát kinh doanh gần đây do công ty dữ liệu S&P Global công bố, các nhà máy ở Mỹ và khu vực đồng euro đã báo cáo các đơn đặt hàng mới giảm đáng kể trong khi chỉ còn rất ít các đơn đặt hàng tồn đọng, phát sinh từ thời kỳ đầu đại dịch.
Dữ liệu của S&P Global cho thấy lĩnh vực sản xuất của Mỹ đã rơi vào trạng thái thu hẹp đáng kể trong tháng 5. Bên cạnh đó, một cuộc khảo sát tương tự do Viện Quản lý Cung ứng Mỹ công bố cho thấy ngành sản xuất của Mỹ đã suy giảm tháng thứ 7 liên tiếp. Chỉ số giá sản xuất (PMI) tháng 5 do ISM công bố giảm mạnh hơn tháng trước đó.
Dữ liệu của Chính phủ Mỹ cũng cho thấy đây có thể là tín hiệu khởi đầu của một đợt suy thoái. Bộ Thương mại Mỹ cũng báo cáo ngày 12/6 rằng các đơn đặt hàng của nhà máy không bao gồm vận chuyển tính đến tháng 4 năm nay đã giảm tháng thứ 3 liên tiếp.
Cũng theo số liệu của S&P Global, trong số các nhà sản xuất ở khu vực đồng euro, sản lượng, đơn đặt hàng mới và lượng hàng tồn đọng đều giảm trong tháng thứ 5 do lĩnh vực này thu hẹp với tốc độ nhanh hơn. Sản xuất công nghiệp của khu vực này cũng giảm mạnh trong tháng 3, chủ yếu là do sự sụt giảm ở Ireland.
Theo chỉ số PMI sản xuất toàn cầu của JPMorgan, sự lạc quan của các nhà sản xuất đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 12 năm ngoái.
"Mặc dù lĩnh vực sản xuất dường như đã cải thiện phần nào trong tháng 5 nhưng điều đó chủ yếu là do tăng trưởng mạnh hơn ở một số thị trường lớn mới nổi. Triển vọng của ngành vẫn ảm đạm, đặc biệt là các đơn đặt hàng xuất khẩu mới giảm mạnh", Ariane Curtis, nhà kinh tế toàn cầu tại Capital Economics viết trong một báo cáo phân tích.
Sau khi nới lỏng các hạn chế đại dịch, người tiêu dùng đã thoải mái chi tiêu trở lại. Ở cả Mỹ và châu Âu, các doanh nghiệp khách sạn đã chuẩn bị cho một mùa hè du lịch cao điểm. Các nhà kinh tế cho biết sự chuyển hướng từ mua hàng hóa sang chi cho dịch vụ, cùng với các điều kiện tài chính thắt chặt hơn do các ngân hàng trung ương tăng lãi suất, đã gây khó khăn cho các nhà sản xuất hàng hóa.
"Hiện tại, chúng tôi nhận thấy nhu cầu đối với hàng hóa trên toàn cầu đang giảm đi do sự tăng tốc trong quá trình chuyển đổi từ hàng hóa sang dịch vụ. Đó là lý do tại sao bạn bắt đầu thấy lĩnh vực dịch vụ đang tăng lên", ông Tom Garretson, chiến lược gia danh mục đầu tư cao cấp tại RBC Wealth Management US cho biết.
Hàng hóa lâu bền thường được mua bằng tín dụng
Các ngân hàng trung ương vẫn tiếp tục cuộc chiến chống lạm phát. Lãi suất tăng kiềm chế lạm phát bằng cách hạ nhiệt nhu cầu, cuối cùng khiến các ngân hàng thắt chặt các tiêu chuẩn cho vay. Tại Mỹ, điều đó đã xảy ra, đặc biệt là sau sự sụp đổ của ba ngân hàng khu vực trong vài tháng qua. Các điều kiện tín dụng cũng bị thắt chặt hơn ở khu vực đồng euro, nhất là sau vụ sáp nhập bắt buộc của các ngân hàng Thụy Sĩ Credit Suisse và UBS.
Theo Chủ tịch Fed Jerome Powel, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã tăng lãi suất 10 lần liên tiếp. Ngân hàng Trung ương châu Âu cũng đã mạnh tay tăng lãi suất để chống lạm phát ở khu vực đồng tiền chung châu Âu và chưa có dấu hiệu sẵn sàng dừng lại.
Hàng hóa lâu bền, được định nghĩa là những sản phẩm tồn tại ít nhất ba năm - chẳng hạn như ô tô và thiết bị gia dụng - thường được mua trả góp, do đó, các điều kiện thắt chặt tín dụng chắc chắn sẽ đè nặng lên các nhà sản xuất. Cuối cùng, điều đó có thể dẫn đến việc các nhà sản xuất toàn cầu cắt giảm lực lượng lao động nếu nhu cầu về hàng hóa tiếp tục suy yếu và lượng hàng tồn đọng ngày càng giảm.
Động lực kinh tế chậm lại
Các nhà kinh tế tại FED đã tái khẳng định về một cuộc suy thoái nhẹ ở Mỹ vào cuối năm nay, mặc dù thị trường lao động của nước này vẫn ổn định. Dữ liệu được sửa đổi trong tuần này cho thấy khu vực đồng euro gồm 20 quốc gia đã rơi vào suy thoái từ đầu năm. Mặc dù sản lượng kinh tế của Liên minh châu Âu tăng 0,1% trong ba tháng đầu năm nhưng Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, đang trải qua sự sụt giảm mạnh mẽ về sản lượng kinh tế so với khu vực đồng euro vào đầu năm nay đồng thời đẩy nước này vào suy thoái.
Lãi suất tăng và lạm phát cao đè nặng lên người tiêu dùng và doanh nghiệp ở cả hai khu vực, mặc dù việc tăng giá hàng hóa đã giảm đi trong vài tháng qua. Trong khi đó, nền kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng 2,2% trong quý đầu tiên so với 3 tháng trước, chủ yếu là do nước này mở cửa trở lại khi người tiêu dùng Trung Quốc bắt đầu đi ăn ngoài và đi du lịch.
Một số nhà sản xuất bày tỏ thận trọng
Foxconn, nhà sản xuất thiết bị điện tử đa quốc gia và là nhà cung cấp chính cho Apple, dự kiến giảm doanh thu từ các sản phẩm mạng và đám mây trong quý hai. Chủ tịch của công ty ông Liu Young-way khẳng định công ty vẫn đánh giá về "triển vọng thận trọng" trong những tháng tới.
Trong khi đó, Monish Patolawala, Phó Chủ tịch điều hành kiêm Giám đốc tài chính và chuyển đổi của Công ty sản xuất khổng lồ 3M cho biết hoạt động kinh doanh điện tử của công ty bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự sụt giảm đáng kể nhu cầu đối với các thiết bị điện tử tiêu dùng. 3M đã công bố kế hoạch sa thải 6.000 nhân viên trên khắp thế giới vào tháng Tư.
"Giữ chân những người lao động giỏi, kinh tế trong nước suy yếu và môi trường kinh doanh không thuận lợi là những thách thức hàng đầu của các nhà sản xuất phải đối mặt trong bối cảnh hiện nay", CNN nhận định./.