(Tổ Quốc) - Thấy được vẻ đẹp của thú chơi chữ Việt truyền thống, Thư pháp gia Bùi Chính Hưng - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thư pháp Việt Tâm Bút (Trung tâm UNESCO phát triển Văn hóa và Thể thao) đã sáng tạo hệ thống tổ hợp các trò chơi chữ Việt với mong muốn thú chơi này sẽ đến gần hơn với công chúng, đặc biệt các bạn trẻ.
Thú viết chữ, xin cho chữ, tặng chữ, chơi chữ… đã trở thành một nét đẹp văn hóa truyền thống bao đời nay của người Việt Nam. Tuy nhiên đến nay, thú chơi chữ mới ở mức khiêm tốn, chủ yếu vào các ngày Tết, đầu xuân hoặc khi có các sự kiện trọng đại như thi chuyển cấp, cưới hỏi, tân gia....
Thư pháp gia Bùi Chính Hưng chia sẻ: "Từ việc xin chữ cho con ở Văn Miếu-Quốc Tử Giám, thấy thầy đồ viết chữ đẹp nên năm 2013, tôi cũng quyết định tìm lớp học viết chữ Quốc ngữ chỉ với mục đích làm sao để có thể vẽ đẹp như các thầy đồ. Tuy nhiên, càng học viết, càng chơi chữ tôi lại càng thấy hay, rồi tình cờ tôi đọc được một câu của người xưa nói về các thú chơi: Nhất chữ, nhì tranh, tam sành, tứ mộc. Tôi thấy lạ và tự hỏi, tại sao ông cha lại xếp chơi chữ ở vị trí hàng đầu mà rõ ràng, nếu chữ nhìn về mặt hình ảnh chỉ có màu đen trắng, không nhiều màu sắc như tranh, chưa kể tranh bắt mắt, dễ tiếp cận mọi người hơn.
Nhưng đến khi tôi tiếp tục đào sâu tìm hiểu, tôi thấy rằng, chữ có chiều sâu, đường nét tuy không bì được với tranh về mặt thẩm mỹ nhưng về nghĩa ẩn chứa nhiều điều. Vậy mới có câu: Ở đâu có chữ, ở đó có nghĩa/Chữ thấy người đọc, nghĩa nhận người xem/Chữ nhiệm thì thiêng, nghĩa ngộ thì đắc/Chữ chơi được nhắc, ngộ đắc hằng ngày/Nếu mà chơi ngay, ngộ thay thích thật".
"Chơi chữ mà mình hiểu được sẽ giúp mình rất nhiều, sẽ giúp chúng ta thay đổi hành vi, thay đổi hành động, dẫn tới cuộc đời chúng ta sang một trang khác, số phận tốt đẹp hơn. Với ý nghĩa đó, người xưa mới xếp chơi chữ vào thú chơi hàng đầu. Vậy nên, tôi cho rằng, thú chơi chữ Việt cần cần phải được quảng bá, nhân rộng, thay vì chỉ Tết đến, xuân về hay vào những dịp, sự kiện quan trọng, người ta mới xin chữ. Một thú chơi như vậy cần được chơi thường xuyên hơn để mọi người đều có thể biết và thấy được cái hay của thú chơi chữ để chơi nhiều. Từ đó, mới khai thác hiệu quả chữ Việt, mang lại nhiều lợi ích, giúp xã hội trở nên tốt đẹp hơn" – ông Bùi Chính Hưng chia sẻ thêm.
Thấu hiểu vấn đề đó, ông đã nung nấu, biến thú chơi chữ thành trò chơi gì đó dễ chơi, mọi người dễ tiếp cận. Từ những vấn đề mà khách hàng đưa ra khi gặp ông xin chữ, ông tập hợp được một số câu chữ hay về tư duy, giúp người ta nhận thức nhiều điều trong cuộc sống, để từ đó có những điều chỉnh hành vi, thói quen, giúp bản thân hoàn thiện hơn. Sau đấy, ông chắt lọc, rút gọn thành bộ 28 tư duy gọi là 28 tư duy hội nhập. Mỗi tư duy như một chìa khóa giúp kích hoạt não bộ chúng ta, cho ra những giải pháp sáng suốt hơn cho các vấn đề khi chúng ta gặp phải.
Từ bộ tư duy này, ông phát triển chúng thành một hệ thống tổ hợp hơn 20 trò chơi chữ Việt như cờ chữ Việt, thẻ chữ bài chòi, thẻ chữ tiến lên, thẻ chữ tấn,… và các trò chơi kết hợp vận động cho các lứa tuổi như chi chi chành chành tên lửa thành công, rồng rắn lên mây hội nhập, … với mong muốn chơi chữ Việt đi vào trong cuộc sống đương đại nhanh hơn.
Theo ông Bùi Chính Hưng: "Trong hơn 20 trò chơi, cờ chữ Việt là bộ môn nổi trội hơn bởi với thời kỳ công nghệ hiện đại, mọi người đang mất dần tính kiên nhẫn để học một cái gì đó nên tôi chọn cờ chữ Việt là mũi nhọn để giới thiệu thú chơi này đến với công chúng, đặc biệt các bạn trẻ. Cách chơi cờ chữ Việt rất đơn giản, chỉ mất 5-10 phút hướng dẫn là có thể chơi được. Trò chơi cờ chữ Việt, lấy chữ Việt làm đối tượng để chơi, lấy tư duy hội nhập làm đối tượng để tương tác và lấy sự hội nhập, cạnh tranh của các doanh nhân về đầu người tài làm bối cảnh chơi. Nên vậy cờ chữ Việt còn có tên gọi khác là cờ doanh nhân".
Chơi cờ chữ Việt còn chứa đựng nhiều chất xám giá trị. "Chơi cờ chữ Việt là chơi để học, học như chơi. Chơi là để cài đặt thói quen hành động thành công, kích hoạt não bộ cho ra các giải pháp sáng suốt, giúp người chơi thành công, hạnh phúc hơn. Và chơi cờ chữ Việt thường xuyên sẽ tương tác với các tư duy thường xuyên nên đây cũng là lý do chúng ta cần chơi thường xuyên, chứ không phải chỉ chơi một vài lần cho biết, hay đọc và hiểu các tư duy một vài lần là đủ" - ông Bùi Chính Hưng chia sẻ thêm.
Tính đến nay, cờ chữ Việt ra đời được 6 năm, cũng đã tổ chức được các giải và dần đi sâu vào cuộc sống, mọi người cũng chơi và khai thác nó. Tuy nhiên, để bộ môn này được quảng bá rộng rãi hơn, ông Bùi Chính Hưng cho biết: Trong thời gian tới, sẽ đa dạng hóa các hình thức chơi cờ cho phong phú và hấp dẫn hơn (như là chơi cờ chữ Việt trong các dịp Tết lễ hội hoặc trên phố đi bộ); Tổ chức các giải đấu cờ chữ Việt.
Đồng thời, giới thiệu đưa cờ chữ Việt vào các trường học để các bạn học sinh có điều kiện được tìm hiểu và chơi bộ môn cờ mới hết sức phù hợp và hữu ích đối với các bạn trong thời gian sinh hoạt ngoại khóa, cũng là một cách giải trí để giúp các bạn không bị quá căng thẳng trong học tập...
"Đặc biệt, dự kiến trong dịp Tết Nguyên đán 2024, chúng tôi sẽ hoàn thiện app game cờ chữ Việt để nhiều người ở khắp mọi nơi có thể chơi trên điện thoại hoặc máy tính, giúp nhanh chóng phổ cập cờ chữ Việt trên khắp các vùng miền tới mọi người dân của Việt Nam" – ông Bùi Chính Hưng nói.
Trong khi giới trẻ ngày càng sa đà vào các trò chơi điện tử và đóng cửa trong phòng thì sự bổ sung kịp thời các trò chơi dân gian mang tính hội nhập xuất phát từ thú chơi chữ của cha ông đã thực sự tạo ra một sân chơi mới hết sức lành mạnh. Và chúng ta có thể hy vọng rằng, với sự kết nối giữa chơi chữ đưa vào ứng dụng sáng tạo trong bộ cờ chữ Việt sẽ tạo nên sự thành công tổng hợp của nghệ thuật dân gian Việt, làm giàu bản sắc văn hóa Việt Nam./.