• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Sau 50 năm, thỏa thuận phòng thủ 5 cường quốc tại châu Á còn giá trị tới đâu?

Thế giới 29/11/2021 19:21

(Tổ Quốc) - Thỏa thuận phòng thủ 5 cường quốc (FPDA), một cơ chế tham vấn về phòng thủ giữa Australia, Anh, New Zealand, Malaysia và Singapore vừa đánh dấu 50 năm thành lập và đang đối mặt nhiều thách thức phía trước.

FPDA được thành lập vào năm 1971 một phần do sự rút lui của Anh khỏi Đông Nam Á và các mối đe dọa an ninh tiềm tàng từ Indonesia. Khi quan hệ giữa Indonesia, Malaysia và Singapore ấm lên trong những năm 1970 và 1980, FPDA có sự điều chỉnh để duy trì sự phù hợp với tình hình quan hệ của 5 thành viên.

Liên tục điều chỉnh để thích nghi

Trong thập kỷ cuối cùng của Chiến tranh Lạnh, Malaysia và Singapore phải đối phó với các mối đe dọa an ninh đang nổi lên từ Liên Xô. Các tài liệu lưu trữ được giải mật tiết lộ máy bay chiến đấu của Liên Xô đã xâm nhập vào không phận Malaysia và Philippines và thực hiện các cuộc tập trận mô phỏng các cuộc tấn công vào tàu sân bay Mỹ ở Biển Đông. Lực lượng tàu ngầm của Liên Xô hoạt động với số lượng đáng kể hơn ở các vùng biển trong khu vực, do đó có thể gây ra mối đe dọa tiềm tàng đối với các tuyến giao thông trên biển của Singapore và Malaysia.

FPDA đã đối phó với các mối đe dọa an ninh phát triển trong những năm 1980 bằng cách mở rộng phạm vi các cuộc tập trận quân sự để nâng cao năng lực quốc phòng của cả Singapore và Malaysia. Trong nửa sau của những năm 1980, các cuộc tập trận FPDA bao gồm tác chiến tàu ngầm và tác chiến điện tử.

Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, FPDA bắt đầu nhìn nhận lại các mối đe dọa an ninh để điều chỉnh chiến lược hoạt động, tập trung vào các mối đe dọa phi đối xứng và các thách thức phi truyền thống như khủng bố.

Sau 50 năm, thỏa thuận phòng thủ 5 cường quốc tại châu Á còn giá trị tới đâu? - Ảnh 1.

Môi trường an ninh châu Á và Đông Nam Á đang trải qua nhiều biến động. Ảnh: East Asia Forum.

Trong những năm gần đây, môi trường chiến lược ở Đông Nam Á đã thay đổi đáng kể. Sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc đã gia tăng trên khắp khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Tranh chấp chủ quyền Biển Đông diễn biến gay gắt. Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền trái phép phần lớn chủ quyền Biển Đông, bồi đắp nhiều đảo nhân tạo và xây dựng một số cơ sở hạ tầng quân sự như đường băng và tên lửa.

Để đối phó với năng lực quân sự và dự báo sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực, Mỹ tập trung vào chiến lược cạnh tranh với Bắc Kinh, bắt đầu với việc cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama triển khai chiến lược xoay trục sang châu Á vào năm 2011. Xu hướng này đang được tiếp tục với việc chính quyền Biden rút cam kết quân sự của mình đối với Afghanistan và hình thành AUKUS, một liên minh quân sự giữa Australia, Anh và Mỹ.

Bất chấp việc môi trường an ninh Đông Nam Á đang thay đổi, FPDA vẫn đóng một vai trò quan trọng. Thứ nhất, cơ chế  này cung cấp không gian cho quân đội Malaysia và Singapore tương tác và hợp tác bằng cách hoạt động như một cơ chế xây dựng lòng tin giữa lực lượng quân sự của hai quốc gia. Quan hệ Singapore - Malaysia tiếp tục có nhiều biến động theo thời gian, đặc biệt là trong lĩnh vực an ninh. Ví dụ, từ cuối năm 2018 đến đầu năm 2019, các tàu an ninh của cả hai nước đã đối đầu với nhau về tranh chấp hàng hải ngoài khơi bờ biển phía tây Singapore. Gần đây nhất là vào tháng 9/2021, Singapore đã điều động các máy bay chiến đấu F-16 để phản ứng trước sự xâm nhập của một máy bay trực thăng thuộc lực lượng Cảnh sát Hoàng gia Malaysia vào không phận của Singapore. Việc xây dựng lòng tin và sự tin cậy giữa quân đội Malaysia và Singapore là cần thiết để đảm bảo bất kỳ tranh chấp song phương nào không leo thang hơn nữa.

Thứ hai, FPDA cung cấp nền tảng cho Australia, Vương quốc Anh và New Zealand duy trì các liên kết quốc phòng của họ với Đông Nam Á và đóng góp vào việc đảm bảo năng lực phòng thủ của Malaysia và Singapore.

Sự hiện diện quân sự của Australia tại Malaysia, chủ yếu thông qua Chiến dịch Gateway, đã nâng cao khả năng giám sát của Malaysia tại các vùng biển trong khu vực. Australia cũng được hưởng lợi từ thỏa thuận này vì họ đã có thêm thông tin và đánh giá tình huống về Biển Đông và Ấn Độ Dương. Đối với Singapore, việc có các cường quốc quân sự phương Tây thân thiện ở Đông Nam Á luôn là một phần trong chiến lược của nước này nhằm đảm bảo vị thế cân bằng quyền lực của nước này trong khu vực.

Loạt thách thức phía trước

Theo nhận định trên trang East Asia Forum, bất chấp những lợi ích FPDA mang lại cho Malaysia và Singapore, cơ chế này phải đối mặt với một số thách thức. Đầu tiên, một số nhân vật cấp cao của Indonesia coi FPDA là một tác nhân gây khó chịu vì cơ chế này vốn được thành lập để ngăn chặn chủ nghĩa phiêu lưu mạo hiểm tiềm tàng của Indonesia. Với mong muốn làm sâu sắc hơn quan hệ với Indonesia, Australia cần điều hòa cam kết của họ với FPDA. Một cách nữa để cải thiện nhận thức của Indonesia về FPDA là duy trì sự tham gia của Indonesia với tư cách là quan sát viên các cuộc tập trận quân sự FPDA, một quan điểm đã được Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đưa ra gần đây.

Một lĩnh vực đáng quan ngại khác là sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng gia tăng. Cả Malaysia và Singapore đều có quan hệ kinh tế mạnh mẽ với Trung Quốc. Bên cạnh đó, sự hình thành của AUKUS đã ngay lập tức dấy lên sự lên án từ Trung Quốc, vốn coi AUKUS là mối đe dọa đối với an ninh khu vực. Hai thành viên của FPDA, Australia và Vương quốc Anh, là thành viên của AUKUS.

Trong một kịch bản mà căng thẳng Mỹ-Trung gia tăng sẽ dẫn đến sự rạn nứt quan hệ giữa hai siêu cường, Australia và Anh có thể sẽ ủng hộ Mỹ. Các mối quan hệ quốc phòng của Malaysia và Singapore với Australia và Vương quốc Anh, dù là song phương hoặc thông qua FPDA, sau đó sẽ bị Trung Quốc chú ý. Cả Malaysia và Singapore sau đó sẽ phải đánh giá lại tầm quan trọng của quan hệ thương mại với Trung Quốc so với quan hệ quốc phòng của họ với các đối tác phương Tây của FPDA. Về tổng thể, phải chọn bên là điều mà Malaysia và Singapore luôn tìm cách tránh. FPDA sẽ cần phải nhận ra thực tế này nếu cơ chế trên vẫn muốn duy trì tính hiệu quả trong 50 năm nữa.


An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ