• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Sau loạt "đòn giáng" của Mỹ: Âu châu "xoay trục" châu Á?

Thế giới 07/11/2019 10:00

(Tổ Quốc) - Khi Tổng thống Pháp muốn truyền tải các mối quan tâm của châu Âu đến thế giới để tìm giải pháp cho biến đổi khí hậu, căng thẳng thương mại hay chương trình hạt nhân của Iran, ông không còn nhắc tới Washington nữa. Ông bay đến Bắc Kinh.

Chuyến thăm của Tổng thống Emmanuel Macron tới Trung Quốc trong tuần này cho thấy Hoa Kỳ có nguy cơ phải ngồi ngoài sân khấu toàn cầu dưới thời Tổng thống Donald Trump. Một khoảnh khắc đã nói lên nhiều điều: Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thử rượu vang Pháp, mặt hàng chính quyền Trump gần đây đã áp mức thuế mới nặng nề.

Tín hiệu mới từ Âu - Á

Ông Macron đang khẳng định ông là một đặc phái viên của toàn Liên minh châu Âu EU, truyền tải thông điệp rằng khối này đang mất dần hi vọng với ông Trump, người không che giấu thái độ coi nhẹ của mình đối với chủ nghĩa đa phương.

Ngay khi chính quyền Trump chính thức khởi động quá trình rút khỏi thỏa thuận khí hậu Paris 2015, Pháp và Trung Quốc đã đưa ra "lời kêu gọi Bắc Kinh" vào thứ Tư nhằm tăng cường hợp tác toàn cầu trong việc chống biến đổi khí hậu và bảo vệ tốt hơn đa dạng sinh học. Cả hai quốc gia đều bày tỏ sự không hài lòng đối với việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận này.

"Sự lựa chọn biệt lập của một quốc gia không thể thay đổi tiến trình của thế giới. Nó chỉ dẫn đến sự ra rìa", ông Macron nói.

Sau loạt "đòn giáng" của Mỹ: Âu châu "xoay trục" châu Á? - Ảnh 1.

Tồng thống Pháp Macron và Chủ tịch Tập Cận Bình tại Bắc Kinh. Ảnh: AP.

Trong khi Chủ tịch Trung Quốc nếm thử rượu vang Pháp và thịt bò chất lượng cao tại một hội chợ nhập khẩu ở Thượng Hải, ông Macron đang thúc đẩy mở rộng thị trường tại Trung Quốc cho các sản phẩm châu Âu.

"Tôi nghĩ rằng ông ấy đã nhận ra vị rượu Languedoc. Ông ấy chưa biết nhiều về nó, ông ấy thích hương vị này. Ông ấy cũng đã nếm một loại rượu vang Burgundy và một loại rượu vang cổ điển của vùng Bordeaux", ông Macron nói với các phóng viên.

Chủ tịch Tập cho biết hai nhà lãnh đạo đang gửi "một tín hiệu mạnh mẽ đến thế giới về việc kiên định duy trì chủ nghĩa đa phương và thương mại tự do, cũng như hợp tác để xây dựng nền kinh tế mở".

Trong chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên tới Trung Quốc vào tháng 1/2018, ông Macron tuyên bố sẽ quay lại mỗi năm để xây dựng "niềm tin lẫn nhau".

Kể từ đó, ông Tập đã tới Pháp, khi Trung Quốc ký thỏa thuận vào tháng 3 để mua 300 máy bay từ hãng sản xuất máy bay châu Âu Airbus.

Chương trình nghị sự tham vọng

Lần này, ông Macron đi về phía đông, mang theo một chương trình nghị sự đầy tham vọng bao gồm xây dựng lập trường chung về cải cách Tổ chức Thương mại Thế giới, chống biến đổi khí hậu và cứu vãn hiệp ước hạt nhân với Iran.

Sau khi Trump rút Hoa Kỳ ra khỏi hiệp ước hạt nhân Hoa Kỳ 2015, Pháp và Trung Quốc nhắc lại sự ủng hộ của họ đối với thỏa thuận khó khăn mà cả hai nước đã giúp đàm phán này.

Tại Bắc Kinh, ông Macron đã đề cập tới những căng thẳng vùng Vịnh gần đây, coi là "tác động tiêu cực của việc không tôn trọng thỏa thuận đa phương. ... Còn lỗi của Mỹ là đơn phương rời bỏ (hiệp ước)."

"Chủ nghĩa đa phương mạnh mẽ hiệu quả hơn chủ nghĩa đơn phương hay được nhắc tới ", ông Macron nói, hoan nghênh sự ủng hộ của Trung Quốc trong việc giảm căng thẳng để người châu Âu cố gắng cứu thỏa thuận hạt nhân với Iran.

"Trung Quốc và Pháp cùng với người châu Âu và người Nga", ông nói. "Chúng tôi tin rằng chúng ta nên tăng cường nỗ lực chung để đưa Iran trở lại tuân thủ thỏa thuận."

Về thương mại, EU thường cùng Hoa Kỳ chỉ trích các chính sách bảo hộ của Trung Quốc, trợ cấp của chính phủ và các biện pháp hạn chế khác.

Nhưng trong khi ông Trump đã đáp trả bằng cách áp đặt mạnh mẽ thuế quan đối với hàng hóa trị giá hàng trăm tỷ USD từ Trung Quốc, châu Âu và các nơi khác cho rằng một cuộc chiến thương mại không phải là phản ứng thích hợp.

"Chúng ta phải có được các quy tắc thương mại và hợp tác ổn định ở cấp độ quốc tế", ông Macron nói, đề cập đến một kế hoạch cải tổ WTO. Ông Trump lâu nay phàn nàn rằng WTO, được giao nhiệm vụ giải quyết tranh chấp thương mại, là yếu kém và không hiệu quả khi Trung Quốc bỏ qua các quy tắc của tổ chức này và cơ quan này đang tốn nhiều năm để giải quyết các khiếu nại thương mại.

Ông Macron nói rằng châu Âu và Trung Quốc có trách nhiệm chung trong việc đưa ra các đề xuất cải cách WTO, bởi vì việc chờ đợi "những người đang đặt câu hỏi về hệ thống đa phương" sẽ là một "lỗi sai cơ bản".

Bên cạnh thuế quan đối với Trung Quốc, Hoa Kỳ đã đánh thuế thép, nhôm và nông sản của EU, dấy lên sự trả đũa từ khối 28 quốc gia. Và chính quyền Trump trong tháng này sẽ quyết định có nên áp thuế đối với hàng xuất khẩu ô tô của châu Âu hay không, một động thái sẽ làm leo thang căng thẳng đáng kể - hiện đang gây tổn hại cho nền kinh tế toàn cầu.

Eswar Prasad, một nhà kinh tế của Đại học Cornell và từng là người đứng đầu bộ phận Trung Quốc của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, nói rằng "sự ác cảm của chính quyền Trump đối với chủ nghĩa đa phương, từ chối nhiều thỏa thuận quốc tế và sự thù địch đối với các đồng minh lâu đời của Hoa Kỳ đang làm xói mòn ảnh hưởng kinh tế và địa chính trị của Mỹ".

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ