(Tổ Quốc) - Sau khi EU xa rời Đông Âu, Mỹ cần tăng cường hiện diện tại Balkan.
Tại hội nghị thượng đỉnh EU - Tây Balkans năm 2003 tại Thessaloniki, Hy Lạp, Liên minh châu Âu EU tuyên bố rằng tương lai của Balkan nằm trong khối này. Nhưng hôm nay, tương lai này dường như rất khác khi Tổng thống Emmanuel Macron gần đây phản đối việc kết nạp Bắc Macedonia và Albania vào EU. Ông không muốn kết nạp bất cứ thành viên mới nào vào EU cho đến khi khối này hoàn tất cải cách. Theo trang Foreign Policy, quyết định này có thể sẽ có những hệ lụy nghiêm trọng và sâu rộng đối với Tây Balkan và chính EU, trừ khi Hoa Kỳ hành động kịp thời.
Tạo cơ hội cho Nga, Trung Quốc
Cũng theo trang này, hệ lụy từ việc những nước Tây Balkan gặp khó khăn trong con đường gắn kết với EU sẽ nêu bật hai điều: Tây Balkan không phải là một khu vực mù mờ mà là trung tâm của sự cân bằng quyền lực ở châu Âu và khu vực này sẽ không đứng yên trong khi EU quay lưng lại. Paris không chỉ làm suy yếu những nỗ lực muốn hướng đến EU trong khu vực này mà còn đặt mầm mống về sự lo lắng trong nội khối và có thể thúc đấy các đối thủ chính trị của EU và Mỹ, như Nga và Trung Quốc, nhắm tới khu vực này.
Khi sự nhiệt tình của EU đối với việc mở rộng đã giảm, hi vọng trở thành thành viên của khối này cũng giảm đi, Nga và Trung Quốc đang háo hức để lấp đầy khoảng trống này về đầu tư và sức ảnh hưởng. Serbia, mặc dù đã tiến xa trong các cuộc đàm phán với EU, đã nổi lên là một điểm đến cho đầu tư tài chính của Trung Quốc vào Đông Âu, bao gồm cả trong vấn đề mở rộng hợp tác về an ninh. Tại Bosnia và Herzegovina, Trung Quốc là nhà đầu tư riêng lớn nhất sau chiến tranh, với kế hoạch xây dựng một nhà máy nhiệt điện tại thành phố Tuzla, dù dự án này đã dấy lên những lo ngại nghiêm trọng về môi trường, sức khỏe và chính trị trong cộng đồng Bosnia. Tại Montenegro, các công ty Trung Quốc đang xây dựng một đường cao tốc xuyên quốc gia trị giá 1,5 tỷ USD, khiến cho nợ nước này tăng vọt lên 80% GDP.
Khi Trung Quốc cung cấp vốn cho cơ sở hạ tầng và các dự án quy mô lớn khác, Nga thể hiện ảnh hưởng thông qua sự thống trị trong ngành năng lượng và các mối quan hệ văn hóa. Tài trợ của Nga và Trung Quốc thường rất lôi cuốn bởi vì nó đi kèm với ít ràng buộc hơn. Tuần trước, Serbia đã ký một thỏa thuận thương mại tự do với Liên minh kinh tế Á-Âu do Nga đứng đầu, mặc dù thỏa thuận này không tương đồng với các yêu cầu trở thành thành viên của EU. Tập đoàn Nga Gazprom đã tài trợ cho câu lạc bộ bóng đá Red Star của Belgrade, và kênh thông tin Sputnik và hơn 20 đơn vị tin tức khác của Nga đang gia tăng các bài tường thuật về Nga.
Mỹ cần lấp chỗ trống của EU
Khi EU rời đi, ảnh hưởng của Trung Quốc và Nga sẽ chỉ tăng lên và đẩy khu vực này ngày càng xa rời phương Tây. Điều đó sẽ diễn ra trừ khi Mỹ bước vào. Washington lúc này có cơ hội trở lại mang tính biểu tượng và thiết thực. Họ có cơ hội đạt được những thành tựu chính sách đối ngoại lớn nhất kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh tại khu vực này. Tại đây, vai trò lãnh đạo của Mỹ vẫn đang được đánh giá cao và mục tiêu của Mỹ về một châu Âu tự do, gắn kết và hòa bình vẫn đang được chấp nhận dù đã có những tín hiệu hoài nghi. Để làm được điều này, Hoa Kỳ phải thực hiện một loạt các sáng kiến ngắn hạn và dài hạn trên toàn khu vực, trước tiên để ổn định tình hình do sự phản đối của Pháp kéo theo và sau đó đưa ra một tầm nhìn hấp dẫn và bền vững của Mỹ đối với Tây Balkan.
Ưu tiên trước mắt nhất phải là trấn an các quốc gia trong khu vực rằng trên thực tế, cánh cửa vào NATO vẫn mở. Trên thực tế, điều này có nghĩa là đảm bảo Bắc Macedonia giữ vị trí thành viên thứ 30 của NATO tại hội nghị thượng đỉnh London vào tháng 12. Điều đó cũng có nghĩa là khởi động lại viễn cảnh vào NATO của Bosnia và Herzegovina bằng cách đảm bảo chính phủ sắp tới tại các quốc gia này có thể đệ trình lên chương trình quốc gia hàng năm đầu tiên, sau khi NATO cuối cùng đã "bật đèn xanh" để các nước này đưa ra kế hoạch hành động trở thành thành viên liên minh vào tháng 12 năm ngoái.
Tiếp theo, Hoa Kỳ nên tận dụng kiến trúc chính trị hiện có trong khu vực để đảm bảo sự ổn định và tạo điều kiện giải quyết tranh chấp. Gần đây, Hoa Kỳ đã bổ nhiệm hai đặc phái viên riêng biệt là Đặc phái viên về khu vực này Matthew Palmer và đặc phái viên cho cuộc đối thoại Kosovo-Serbia Richard Grenell. Động thái này của Washington được hoan nghênh và là bằng chứng cho thấy họ đang làm việc song song để hỗ trợ các giải pháp chính sách hợp lý.