• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

SCMP: Hội đàm Mỹ - Trung tại Alaska có thể là khởi đầu giải quyết khủng hoảng khẩn cấp?

Thế giới 21/03/2021 10:54

(Tổ Quốc) - Giữa các căng thẳng của Mỹ và Trung Quốc tại hội đàm Alaska, giới chuyên gia vẫn bày tỏ hy vọng hai nước có thể hợp tác giải quyết các vấn đề Myanmar, biến đổi khí hậu và đại dịch trong thời gian tới.

Bất ngờ hội đàm Mỹ-Trung

Trang SCMP dẫn tin, phép thử đầu tiên tại hội đàm Mỹ -Trung trong chính quyền Tổng thống Biden đang tạo ra nhiều bất ngờ cho giới phân tích. Một số ý kiến cho rằng hội đàm Alaska lần này không có lợi cho quan hệ Mỹ - Trung nhưng một số ý kiến khác lại nói rằng đây là dấu mốc quan trọng cho quan hệ bình ổn trở lại sau thời gian dài căng thẳng.

SCMP: Hội đàm Mỹ - Trung tại Alaska có thể là khởi đầu giải quyết khủng hoảng khẩn cấp? - Ảnh 1.

Ông Dương Khiết Trì - Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tham dự hội đàm Alaska. Ảnh: AFP

Ông Chong Ja Ian – một giáo sư khoa học chính trị tại Đại học quốc gia Singapore cho rằng cuộc gặp Alaska lần này tạo ra không khí liên tưởng tới một số cuộc họp thời kỳ đầu Chiến trang Lạnh giữa Liên Xô cũ và Mỹ.

Theo ông Chong, các căng thẳng này khả năng sẽ tiếp tục diễn ra trong chính quyền ông Joe Biden nhưng cả Bắc Kinh và Washington đều không muốn thấy mối quan hệ hai bên đổ vỡ.

"Cho đến lúc đó, các quốc gia khác của châu Á sẽ phải đối mặt với thách thức liên tục có điều chỉnh để phù hợp với hoàn cảnh quan hệ Mỹ và Trung Quốc", ông Chong nhận xét.

Cả Mỹ và Trung Quốc đang tồn tại căng thẳng về nhiều vấn đề trong thời gian gần đây. Trung Quốc đang hy vọng cuộc họp Alaska có thể tách rời yếu tố chính trị ra khỏi thương mại và cuối cùng là dẫn tới giảm mức thuế quan mà Washington đang áp dụng với Bắc Kinh. Trung Quốc cũng lên tiếng cam kết sẽ mua nhiều hàng hóa của Mỹ hơn. Tuy nhiên, Washington chưa sẵn sàng nhượng bộ.

"Nếu hai bên chỉ lặp lại những gì đã xảy ra trong quá khứ, tôi nghĩ cuộc họp sẽ thất bại. Nhưng nếu hai bên bỏ qua sự khác biệt và có thể tìm thấy điều gì đó tích cực, đó sẽ là một cuộc họp thành công", ông Zhiqun Zhu, Chủ nhiệm Khoa Quan hệ Quốc tế tại Đại học Bucknell nói.

Ông James Chin, giáo sư nghiên cứu về châu Á tại Đại học Tasmania ở Australia cho rằng, sự khởi đầu không tốt cho thấy cả Mỹ và Trung Quốc sẽ phải "tạm ngưng hoạt động này trong một thời gian và sau đó lại quay lại".

Tuy nhiên, trước mắt sẽ rất khó để cả hai có thể nhượng bộ về các vấn đề gây chia rẽ giữa họ. Ông Chin lưu ý Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á cũng lo ngại rằng Washington có thể thực hiện tiếp tục các căng thẳng với Bắc Kinh trong thời gian tới.

"Thế giới lưỡng cực thậm chí có thể xuất hiện nếu diễn biến tồi tệ này giữa Mỹ và Trung không thể giải quyết", ông Chin cảnh báo.

Trong cuộc họp tại Alaska, phía Mỹ gồm có Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Cố vấn an ninh quốc Jake Sullivan trong khi đại diện của Trung Quốc là Ngoại trưởng Vương Nghị và Ủy viên Bộ Chính trị Trung Quốc – Dương Khiết Trì. Bắc Kinh đã cáo buộc Washington lôi kéo các nước khác "tấn công Trung Quốc" trong khi Washington cho rằng Bắc Kinh đã có các động thái lớn.

Mỹ cũng bày tỏ quan ngại với Trung Quốc trong các vấn đề liên quan đến Tân Cương, Hong Kong và Đài Loan cũng như các cuộc tấn công mạng nhằm vào Mỹ.

Ông Gilholm cho rằng, cả Mỹ và Trung Quốc đều tin rằng trách nhiệm nhượng bộ không phải là ở họ mà là ở đối phương.

"Cả Washington và Bắc Kinh đều có các động thái tương tự trong những tháng gần đây mặc dù được cho là ít khoa trương và nhất quán hơn so với chính quyền trước đây, ông Gilholm nhận định.

Hợp sức đối phó vấn đề trước mắt

Ông Thitinan Pongsudhirak, một giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Chulalongkorn của Thái Lan cho rằng trong khi Trung Quốc có lợi thế ở Alaska hơn so với phía Mỹ bởi kinh nghiệm của các quan chức thì lập trường cứng rắn của Mỹ với Trung Quốc được xem là chuyên nghiệp và kịch tính hơn. Ông cũng bày tỏ hy vọng hợp sức Mỹ - Trung có thể đối phó với khủng hoảng ở Myanmar trong thời gian tới.

Giáo sư chính trị tại Đại học Sư phạm Hoa Đông Thượng Hải - Josef Gregory Mahoney cho rằng mặc dù hai bên đều tỏ ra thất vọng và nghiêm túc tại cuộc hội đàm nhưng cả hai nước đều có lý do thuyết phục cải thiện quan hệ trong nhiều lĩnh vực.

"Chúng ta có thể không thấy các chuyển động tích cực giữa hai nước xung quanh các vấn đề tồn tại lâu dài nhưng tôi cho rằng nền tảng của cuộc họp này – có lẽ sẽ là bắt đầu cho hướng giải quyết căng thẳng thương mại, vạch ra hướng đi giải quyết cạnh tranh công nghệ và các vấn đề liên quan khác", ông Mmahoney khẳng định.

"Các quan chức chính sách ngoại giao của Trung Quốc sẽ không ở Alaska hiện tại nếu triển vọng tích cực hai bên không có", ông Mahoney nói thêm.

Chủ tịch Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hoá – ông Wang Huiyao nói rằng điều quan trọng là cả hai nước nên hợp tác đối phó với đại dịch, biến đổi khí hậu và khủng hoảng toàn cầu.

"Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ gặp nhau tại Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu trong tháng Tư tới. Chúng tôi hy vọng cả hai nước có thể làm việc với nhau giải quyết các vấn đề khẩn cấp nhằm hoàn thành sứ mệnh trách nhiệm toàn cầu", ông Wasng chia sẻ.

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ