(Tổ Quốc) - Các nước láng giềng Đông Á của Triều Tiên - Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc có kì vọng khác nhau về thượng đỉnh lịch sử Mỹ - Triều.
Các nước láng giềng Đông Á của Triều Tiên - Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc - có mục tiêu chung là phi hạt nhân hoá bán đảo Triều Tiên.
Tuy nhiên, điều họ mong đợi từ hội nghị thượng đỉnh ngày 12/6 tại Singapore giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un của Triều Tiên là khác nhau, cả về lợi ích an ninh, kinh tế và địa chính trị.
Nhật Bản, vẫn chưa thể gặp ông Kim trực tiếp, và đang dựa vào ông Trump để gửi gắm mong muốn về an ninh và việc những công dân Nhật đã bị Triều Tiên bắt cóc từ nhiều thập kỷ trước. Phía Hàn Quốc, dù vẫn hoài nghi nhưng cũng hy vọng rằng kết quả tích cực của các cuộc đàm phán có thể thúc đẩy một hiệp ước hòa bình cho cuộc chiến tranh Triều Tiên và việc tăng cường hợp tác hơn nữa. Còn Trung Quốc, cạnh tranh ảnh hưởng với Mỹ trong khu vực, đang tìm cách tiếp tục tác động đến Triều Tiên.
Nhật Bản đầy lo lắng
Nhật Bản, một đồng minh của Hoa Kỳ có chính sách ngoại giao chủ yếu tương đồng với Washington, đang phải phụ thuộc vào ông Trump vì Thủ tướng Shinzo Abe chưa thể xúc tiến các cuộc gặp ông Kim. Nhật Bản lo ngại về việc bị những thế lực khác trong khu vực gây thiệt thòi khi họ đã liên tục có liên lạc với phía Triều Tiên.
Ông Abe không muốn ông Trump thoả hiệp với chương trình tên lửa của Triều Tiên bằng việc ngăn chặn các tên lửa tầm xa bay đến lục địa Mỹ trong khi để Tokyo bị đe doạ bởi các tên lửa tầm ngắn. Nhật Bản cũng lo ngại Mỹ sẽ giảm bớt áp lực lên Triều Tiên trước khi tiến hành các bước cụ thể đối với việc phi hạt nhân hoá hoàn toàn. Nếu ông Trump tập trung vào các tên lửa tầm xa và một hiệp ước hòa bình, điều này có thể dẫn đến việc giảm quân đội Mỹ tại Hàn Quốc – động thái sẽ kéo theo nguy cơ về an ninh cho Nhật Bản, các nhà phân tích nói. "Điều đó sẽ đặt Nhật Bản vào một vị trí rất, rất ảm đạm trong tương lai", Stephen Nagy, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Công giáo Quốc tế tại Tokyo, nói.
Kịch bản tốt nhất cho Nhật Bản sẽ là cam kết của Trump về một tiến trình ngoại giao hướng tới phi hạt nhân hoá hoàn toàn Triều Tiên và sẽ giúp đỡ trong việc thúc đẩy Bình Nhưỡng giải quyết vấn đề bắt cóc.
Nhật Bản cho biết ít nhất 17 người Nhật đã bị Triều Tiên bắt cóc để đào tạo gián điệp. Triều Tiên đã thừa nhận bắt cóc 13 người và cho phép năm người trong số họ đến thăm Nhật Bản vào năm 2002. Các gia đình của những người bị bắt cóc khác đang già đi và nhiều người coi hội nghị thượng đỉnh Trump-Kim là cơ hội cuối cùng cho một bước đột phá trong việc xác định số phận của họ. Nhật Bản hy vọng sẽ tổ chức các cuộc đàm phán với Triều Tiên sau khi một hội nghị thượng đỉnh Trump-Kim thành công, và ông Abe đã lên tiếng sẵn sàng làm điều đó hôm thứ Năm sau khi gặp ông Trump ở Washington.
Nhật Bản cho biết sẽ bình thường hóa quan hệ ngoại giao và cung cấp viện trợ kinh tế như một phần thưởng cho một cam kết của Triều Tiên trong cả vấn đề hạt nhân và bắt cóc. Trừ khi Nhật Bản phát triển một chiến lược mới trong việc đối phó với Triều Tiên, một hội nghị thượng đỉnh giữa Abe và Kim dự kiến chưa được diễn ra. Còn Triều Tiên, vẫn có thể mong đợi sự trợ giúp kinh tế từ Trung Quốc và Hàn Quốc, chưa cần chuyển hướng sang Nhật Bản.
Hàn Quốc kì vọng trong nghi ngờ
Người Hàn Quốc đang bị chia rẽ giữa hy vọng và nghi ngờ sau khi nhìn thấy những phát triển bấp bênh của hội nghị thượng đỉnh lịch sử. Họ hy vọng rằng mối quan hệ được cải thiện giữa Hoa Kỳ và Triều Tiên sẽ giảm bớt căng thẳng, góp thêm động lực cho sự hòa giải và hợp tác giữa hai miền Triều Tiên.
Thượng đỉnh liên Triều đã mở ra nhiều hi vọng cho hoà bình trên bán đảo Triều Tiên. (nguồn: AP) |
Một số thậm chí còn suy đoán rằng ông Trump và ông Kim có thể thảo luận về một hiệp ước hòa bình chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953, thay thế cho lệnh đình chiến hiện tại. Tuy nhiên, một hiệp ước hòa bình sẽ nhấn mạnh yêu cầu lâu nay của Triều Tiên về việc giảm hoặc rút quân đội Mỹ tại Hàn Quốc. Còn một số người hoài nghi nói rằng những đòi hỏi trên là quá nhiều và ưu tiên nên tập trung vào việc buộc Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân.
Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần này chỉ là khởi đầu của một quá trình dài, nhưng thành công của nó là "cực kỳ quan trọng" đối với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in vì ông đã coi các cuộc đàm phán liên Triều là trọng tâm hoạt động của chính quyền và đã đặt cược nhiều vốn liếng chính trị vào nỗ lực này, John Delury, phó giáo sư nghiên cứu Đông Á tại Đại học Yonsei của Seoul, nói.
Chuyên gia này cho biết, một hội nghị thượng đỉnh thành công sẽ tạo thêm chỗ đứng cho hai nhà lãnh đạo hai miền Triều Tiên tiếp tục tiến hành hòa giải và hợp tác. Giảm nguy cơ xung đột là mục tiêu ban đầu, có thể sẽ được theo sau bởi các bước đi về văn hóa, nhân đạo và kinh tế.
Trung Quốc thận trọng
Ông Trump từ lâu đã dựa vào Trung Quốc để thuyết phục Triều Tiên điều chỉnh lại các hành động của họ dù Bắc Kinh không thể hiện rõ lập trường và một số chuyên gia cho rằng ảnh hưởng của Trung Quốc có thể bị phóng đại. Tuy nhiên, sự thành công hay thất bại của hội nghị thượng đỉnh lần này sẽ được một số người coi là dấu hiệu cho thấy vị thế của Trung Quốc như một sức mạnh chính ở Đông Bắc Á, điều mà Bắc Kinh từ lâu đã mong muốn.
Một kết quả tích cực ở Singapore cũng có thể làm giảm áp lực lên Bắc Kinh trong các tranh chấp thương mại hiện tại với Washington và những chỉ trích về việc Trung Quốc quân sự hóa các hòn đảo tại Biển Đông đang tranh chấp.
Bắc Kinh muốn đảm bảo lợi ích của họ được bảo vệ trong các cuộc đàm phán, cụ thể là không có kết quả nào sẽ dẫn đến một bán đảo Triều Tiên thống nhất đoàn kết với nước Mỹ và lực lượng của đối thủ trú đóng dọc theo biên giới của họ.
Trong thời gian gần đây, Trung Quốc đã nhiều lần kêu gọi đóng băng các cuộc tập trận quân sự Mỹ-Hàn Quốc quy mô lớn để đổi lại việc tạm dừng các chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Bắc Kinh cũng ủng hộ lời kêu gọi của Bắc Triều Tiên về cách tiếp cận phi hạt nhân "theo giai đoạn và đồng bộ", trái ngược với yêu cầu của Washington về một kết thúc lập tức, toàn diện và không thể đảo ngược.
Trung Quốc muốn thấy chính quyền ông Kim áp dụng cải cách kinh tế theo mô hình Trung Quốc và đã gây áp lực cho Hàn Quốc để loại bỏ một hệ thống tên lửa do Mỹ cung cấp – điều Bắc Kinh coi là đe doạ tới an ninh của nước này.