• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Siêu cường Nga, Mỹ trước “tử cục” Trung Đông?

Thế giới 28/06/2018 10:53

(Tổ Quốc) - Bạo lực leo thang ở một số quốc gia có thể sẽ đẩy Trung Đông đang suy yếu vào một cuộc xung đột nghiêm trọng hơn liên quan đến cạnh tranh quyền lực khu vực và quốc tế.

Bạo lực leo thang ở một số quốc gia có thể sẽ đẩy Trung Đông đang suy yếu vào một cuộc xung đột nghiêm trọng hơn liên quan đến cạnh tranh quyền lực khu vực và quốc tế, theo báo cáo mới nhất của Nhóm Khủng hoảng quốc tế.

Nhóm Khủng hoảng quốc tế có trụ sở tại Bỉ đã mô tả "Danh sách kích hoạt Mỹ-Iran" của họ là "một nền tảng cảnh báo sớm để theo dõi, phân tích và cung cấp các tin tức cập nhật thường xuyên về các điểm nóng quan trọng và ngày càng tăng giữa Iran và Mỹ hay các đồng minh tương ứng có thể dẫn đến đối đầu trực tiếp hoặc gián tiếp, nói chung là một sự leo thang nguy hiểm trong khu vực".

Danh sách này hiện nêu ra chín điểm nóng với mức độ nghiêm trọng khác nhau trên khắp Trung Đông và các khu vực ngoại vi với mức cao nhất là "Tới hạn",.

Trong một tuyên bố được gửi hôm thứ Ba tới Newsweek, Nhóm Khủng hoảng quốc tế đã thông báo rằng, đây là lần đầu tiên kể từ khi dự án được khởi động vào cuối năm 2017, họ nêu ra "các điểm nóng ở hai quốc gia khác nhau được đánh giá là tới hạn".

Nguy cơ chực chờ tại Yemen

"Tại Yemen, nơi mà cuộc chiến [giành lấy thành phố] Hodeidah đang đi đến điểm không thể quay trở lại và số lượng tên lửa đạn đạo Houthis khởi động nhắm vào Saudi Arabia đang gia tăng; và ở Cao nguyên Golan – nơi mối đe dọa về sự “có đi có lại” giữa Israel và Iran đang tiếp diễn, "nhóm này cho hay.

Cuộc chiến ở Yemen đã gây ra điều mà Liên hợp quốc gọi là "cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất thế giới". Cuộc xung đột được dấy lên ngay sau khi nhóm nổi dậy Hồi giáo Zaidi Shiite được gọi là Houthis, hoặc Ansar Allah, đã buộc Tổng thống Yemen Abed Rabbo Mansour Hadi ra khỏi thủ đô.

Hadi đã thay thế Tổng thống Yemen Ali Abdullah Saleh sau nhiều cuộc biểu tình xung quanh phong trào Mùa xuân Ả Rập năm 2012. Tuy nhiên, chính quyền mới của ông Hadi bị chỉ trích bởi những lời cáo buộc tham nhũng, khủng hoảng kinh tế và bạo lực. Láng giềng Saudi Arabia xem Houthis như một lực lượng ủy quyền của Iran và cáo buộc Tehran đang tài trợ cho các nhóm dân quân Hồi giáo Shiite trên khắp Trung Đông. Saudi Arabia đã tập hợp các đồng minh để tiến hành một sự can thiệp lớn chống lại Houthis.

Xung đột tại chiến trường Yemen đang ngày càng phức tạp.

Tehran và Houthis, mặc dù chủ yếu có liên kết chính trị, phủ nhận bất kỳ sự liên quan quân sự nào. Cả Mỹ và Israel gần đây đã sát cánh cùng Saudi Arabia trong việc cáo buộc Iran cung cấp các tên lửa đạn đạo cho Houthi để nhóm này thường xuyên bắn vào các lực lượng được Saudi hậu thuẫn và nhắm thẳng vào lãnh thổ Saudi.

Chiến dịch không quân của Saudi Arabia vào Yemen từ năm 2015 đến nay phần lớn đã thất bại trong việc phá vỡ thế bế tắc đẫm máu giữa các lực lượng ủng hộ chính phủ Yemen và Houthi. Tuy nhiên, điều này có thể thay đổi khi liên minh do Saudi dẫn đầu đã chiếm giữ thành phố cảng Al-Hodeidah từ tay Houthi. Iran và Houthis đã phủ nhận thông tin trên trong khi thương vong tại Al-Hodeidah đang tiếp tục gia tăng.

Nhóm Khủng hoảng quốc tế cảnh báo rằng, một trận chiến quan trọng có thể khiến cả hai bên có những hành động quyết liệt. Nhóm này cũng nêu ra các điểm nóng "quan trọng" tại thành phố Saada của Yemen, nơi liên minh do Saudi dẫn đầu đã bắt giữ và giết chết các thành viên của phong trào Hồi giáo Shiite Hezbollah được Iran hậu thuẫn mạnh mẽ và ở eo biển Bab el-Mandeb, nơi các chỉ huy Houthi đã đe dọa sẽ ném bom các tàu chiến và các cơ sở quân sự của Saudi.

“Tử cục” tại Syria?

Tổ chức này cũng đưa khu vực phía nam Al-Tanf của Syria- nằm gần biên giới với Jordan và Iraq, và thung lũng sông Euphrates phía đông là một mối đe dọa "Trung bình". Liên minh do Mỹ dẫn đầu đã thiết lập một căn cứ tại Al-Tanf bất chấp việc Syria, Nga và Iran kêu gọi Washington dỡ bỏ căn cứ này. Mỹ cũng đã sử dụng lực lượng để phòng thủ khoảng 34 dặm xung quanh căn cứ này chống lại điều họ nói là sự xâm nhập từ các chiến binh chính phủ Syria.

Cuộc nội chiến kéo dài tại Syria cũng bắt nguồn từ các cuộc biểu tình Mùa xuân Ả Rập năm 2011. Trong khi Nga và Iran đang hỗ trợ chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad  thì Mỹ, Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ và những bên khác đang ủng hộ các lực lượng nổi dậy.

Ngay cả khi Mỹ đang giảm bớt sự hỗ trợ cho lực lượng đối lập thì các cuộc “tiếp xúc” cự li gần giữa các lực lượng quốc tế ở Syria ngày càng leo thang một cách nguy hiểm. Liên minh do Mỹ dẫn đầu và lực lượng của Nga vẫn duy trì kênh liên lạc để ngăn các sự cố diễn ra giữa hai bên. Lầu Năm Góc, tuy nhiên, đã phát động không kích vào chính phủ Syria ít nhất hai lần với các cáo buộc tấn công vũ khí hóa học.

Hoa Kỳ đã tập trung hỗ trợ nhóm Các lực lượng dân chủ Syria (SDF) – phần lớn là lực lượng người Kurd nhằm đánh bại IS ở miền đông Syria. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã mở một cuộc tiến quân vào tây bắc Syria để đánh bại lực lượng người Kurd. Mỹ và Nga vẫn đứng ngoài bất ổn này, tuy nhiên, Washington đã từ chối yêu cầu của Ankara rút khỏi thành phố Manbij, và hai nước này cuối cùng đã quyết định đàm phán đi tới thành lập các khu vực kiểm soát riêng biệt và phối hợp xung quanh Manbij.

Trong khi đó, liên minh do Mỹ dẫn đầu, liên minh Nga-Syria và đồng minh Iraq của họ không phải là những người duy nhất tiến hành các cuộc không kích ở Syria. Dù không loan báo rầm rộ, Israel ngày càng tăng cường nhắm mục tiêu các tài sản quân sự Iran và của lực lượng thân Iran ở nước láng giềng Syria – điều dấy lên nguy cơ xung đột trực diện giữa hai bên.

Nhóm Khủng hoảng quốc tế đã xác định "Cao nguyên Golan và Nam/ Tây Syria" là một điểm nóng "tới hạn".

Ngày 22/6, liên minh do Mỹ  dẫn đầu nói với Newsweek rằng các cố vấn và lực lượng nổi dậy đồng minh Syria đang chịu sức ép từ "một lực lượng thù địch không xác định" gần Al-Tanf. Căng thẳng diễn ra chỉ vài ngày sau khi Mỹ và Israel bị cáo buộc là đã tiến hành các cuộc không kích chống lại các tay súng của chính phủ Syria ở tỉnh phía đông Deir Ezzor.

Ngoài Yemen và Syria, nhóm phân tích trên cũng đề cập đến các điểm nóng khác ở Afghanistan, Iraq, Lebanon và eo biển Hormuz - một tuyến đường thủy quan trọng nơi các tàu hải quân Mỹ và Iran đã có những cuộc áp sát căng thẳng.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ