(Tổ Quốc) - Biến thể Delta đã khiến chính phủ các quốc gia trên thế giới phải thay đổi chiến lược chống dịch.
Số ca mắc mới do biến thể Delta tăng mạnh
Theo trang WSJ, trong khi một số nước đã thực hiện tiêm chủng với tỷ lệ cao thì một số khác vẫn đang tìm kiếm vaccine từ nguồn tài trợ.
Hiện số ca mắc Covid-19 và tử vong do biến thể Delta tiếp tục tăng mạnh trên khắp thế giới. Ngay cả một số nước như Anh và Israel, số ca mắc mới vẫn tăng mỗi ngày dù đã tiêm vaccine đầy đủ cho 70-80% người dân trên cả nước.
Giới chuyên gia y tế nhận định, vaccine đạt hiệu quả cao với biến thể Delta, ngăn ngừa bệnh nặng và tử vong ở những người đã chủng ngừa đầy đủ. Vì vậy, nhiều quốc gia trên thế giới bày tỏ sự tin tưởng tuyệt đối vào vaccine phòng Covid-19 và xem đây là phương thuốc an toàn trong phòng chống dịch bệnh.
Ông Ugur Sahin - Giám đốc điều hành Công ty BioNTech (có trụ sở tại Đức) cho biết, những người đã tiêm vaccine đầy đủ từ hồi tháng Giêng năm nay hầu hết đều có khả năng miễn dịch tốt với Covid-19 và không cần thiết phải tiêm mũi thứ 3. Trước diễn biến dịch bệnh mới, chính phủ các quốc gia trên thế giới đều yêu cầu người dân phải tiêm chủng đầy đủ để ngăn chặn nguy cơ làn sóng bùng phát mới.
Chính phủ các nước châu Âu và liên bang Mỹ đều mở rộng các chiến dịch tiêm chủng cho người dân đồng thời nhấn mạnh đến sự cần thiết của việc đeo khẩu trang. Các biện pháp hạn chế đi lại, cách ly và làm việc tại nhà cũng được khuyến cáo.
Tại châu Á, biến thể Delta đã lây lan mạnh, gây ra đợt bùng phát kỷ lục ở một số quốc gia từng được xem là kiểm soát dịch bệnh tốt.
"Thực tế thật khủng khiếp. Tuy nhiên, mọi người phải hiểu đây là căn bệnh mới và chúng ta có thể phải liên tục phải tìm cách đối phó với nó", ông Martin Hibberd – Giáo sư các bệnh truyền nhiễm tại Trường Y học nhiệt đới London cho biết.
Biến thể Delta xuất hiện đầu tiên ở Ấn Độ và cho đến nay đã có mặt ở hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Theo Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ, biến thể Delta hiện là nguyên nhân gây ra 83% tổng số ca nhiễm Covid-19 ở Mỹ, 99% ca mắc mới ở Anh. Ở châu Á, các ca mắc mới do biến thể Delta cũng đang chiếm số lượng lớn. Theo giới chuyên gia y tế, chỉ khi nào 2/3 dân số trên toàn cầu đạt được miễn dịch thông qua tiêm chủng thì thế giới mới có thể ngăn ngừa loại biến thể virus mới này.
Duy trì biện pháp phòng bệnh truyền thống kết hợp tiêm vaccine
Giới chuyên gia y tế đang khuyến cáo người dân tiếp tục đeo khẩu trang, giữ khoảng cách và tiêm chủng. Một số quốc gia như Hà Lan, các hộp đêm phải đóng cửa ngay sau 2 tuần nới lỏng bởi mức lây lan khủng khiếp của loại biến thể này. Hiện tại, Đức, Pháp và Italy vẫn duy trì đeo khẩu trang và giữ khoảng cách.
Thêm vào đó, nhiều nước như Pháp, Italy, Israel và Anh đã bắt đầu áp dụng hộ chiếu vaccine để tạo cơ hội cho người dân đã tiêm phòng đầy đủ được tham gia một số hoạt động xã hội.
"Tại Mỹ, biến thể Delta tiếp tục là thách thức lớn đối với hệ thống y tế nước này. Số ca mắc Covid-19 mới trong 7 ngày qua tăng gấp đôi so với 10 ngày trước đó", Đại học Johns Hopkins thống kê. Một số bang như Deep South cũng đối mặt với số ca tăng mạnh vì tỷ lệ tiêm vaccine thấp.
Còn ở châu Phi, tỷ lệ tiêm vaccine đầy đủ chỉ đạt 1,5%. Hiện các bệnh viện tại châu Phi đều quá tải và số ca tử vong cao. Trong tuần trước, Nam Phi ghi nhận số ca tử vong hơn 10.000 người và đây là con số kỷ lục. Tại châu Á, biến thể Delta đang khiến cho nhiều quốc gia rơi vào làn sóng mới của dịch bệnh.
Trong khi đó, Chính phủ Hàn Quốc đã áp dụng biện pháp giãn cách cấp độ cao nhất. Còn tại Nhật Bản, Thủ tướng Yoshihide Suga đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp ở Thủ đô Tokyo vào ngày 12/7 bất chấp Thế vận hội mùa hè vẫn đang diễn ra.
Đặc biệt, Indonesia đã ghi nhận số ca mắc mới tăng kỷ lục từ đầu tháng Sáu. Các bệnh viện rơi vào tình trạng quá tải, tỷ lệ tử vong tăng mạnh với hơn 1000 ca tử vong/ngày. Chính phủ nước này đã áp dụng các biện pháp hạn chế nghiêm khắc nhất tại các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề vì dịch bệnh.