(Tổ Quốc) - CNN đưa tin, Bắc Kinh đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng ngoại giao tại châu Phi sau những thông tin cáo buộc công dân đến từ châu lục đen bị phân biệt đối xử tại Trung Quốc do liên quan tới COVID-19.
Tuần trước, du học sinh và người châu Phi tại thành phố Quảng Châu đã bị buộc phải xét nghiệm COVID-19 cũng như cách li 14 ngày cho dù không có lịch sử đi lại trong những ngày gần đây. Một số lượng lớn công dân châu Phi cũng rơi vào tình trạng vô gia cư do bị chủ nhà đuổi hoặc khách sạn từ chối cho thuê phòng.
Mặc dù tuyên bố đã bước đầu khống chế được dịch bệnh nhưng thời gian gần đây, ngày càng có nhiều lo ngại về làn sóng lây nhiễm thứ hai đến từ các ca nhiễm bệnh trở về Trung Quốc từ nước ngoài.
Trong khi đó tại châu Phí, chính phủ, truyền thông và người dân phản ứng một cách giận dữ trước những video chiếu cảnh người châu Phi bị cảnh sát bắt giữ, phải ngủ trên đường phố hoặc bị nhốt trong nhà theo lệnh cách li.
Ngày 11/4, trang nhất của tờ báo lớn nhất Kenya có đăng bài viết "Người Kenya tại Trung Quốc: Giải cứu chúng tôi khỏi địa ngục". Một thành viên của Quốc hội Kenya thậm chí còn kêu gọi công dân Trung Quốc rời quốc gia châu Phi ngay lập tức. Các đài truyền hình ở Uganda, Nam Phi và Nigeria cũng phát sóng những câu chuyện về các vụ phân biệt đối xử tại Trung Quốc.
Tình huống đang đe dọa phá hủy các nỗ lực ngoại giao của Trung Quốc tại châu Phi. Trong những năm gần đây, các nước châu Phi đã trở thành các đối tác ngoại giao và thương mại quan trọng của Bắc Kinh. Năm 2019, giá trị thương mại của Trung Quốc với châu Phi đạt khoảng 208 tỷ USD.
Quan hệ bị ảnh hưởng
Trong quan hệ song phương với Bắc Kinh, các nước châu Phi thường bị coi là đối tác yếu hơn. Giới chức Mỹ thường cảnh báo châu Phi cẩn trọng trước ngoại giao "bẫy nợ" của Trung Quốc. Nghĩa là, các quốc gia bị buộc phải đưa ra các tài sản chủ chốt để đổi lấy các khoản nợ dịch vụ mà họ khó có thể chi trả mà không làm ảnh hưởng tới chủ quyền của mình.
Cũng trong ngày 11/4, nghị sỹ người Nigeria Oloye Akin Alabi đã đăng lên phần bình luận trong trang Twitter của Đại sứ Trung Quốc tại Nigeria Zhou Pingjian những video về người Nigeria bị phân biệt đối xử tại Trung Quốc. Chính phủ Uganda và Ghana cũng đã triệu kiến các đại sứ Trung Quốc về vấn đề tương tự. Bộ Ngoại giao Nam Phi cho hay, họ "rất quan ngại" trước các thông tin về tình hình công dân tại Trung Quốc. Cuối tuần trước, Chủ tịch Uỷ ban Liên minh châu Phi Moussa Faki Mahamat viết trên Twitter rằng, ông đã mời Đại sứ Trung Quốc tại Uỷ ban tới gặp riêng để thảo luận về vấn đề phân biệt đối xử.
Phản ứng của Trung Quốc
Trong một thông cáo phát đi ngày 12/4, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Zhao Lijian đã phủ nhận việc Trung Quốc phân biệt đối xử với người ngoài. "Chúng ta vẫn đang đứng trước nguy cơ lớn từ các ca bệnh nhập khẩu và cả các ca nội địa. Đặc biệt, khi đại dịch đang lây lan trên toàn cầu, các ca bệnh nhập khẩu đang tạo ra áp lực vô cùng lớn", ông Zhao nói. "Tất cả những người nước ngoài đều được đối xử bình đẳng. Chúng tôi từ chối đối xử phân biệt và sẽ không tha thứ cho hành động phân biệt đối xử".
Người phát ngôn cũng hứa hẹn, các chính quyền tỉnh sẽ coi những quan ngại của các nước châu Phi là một trọng tâm và cố gắng để cải thiện các biện pháp cách li, bao gồm cả việc cung cấp nơi ở đặc biệt cho người nước ngoài trong trường hợp cần thiết.
Theo truyền thông Trung Quốc, ít nhất 5 người Nigeria được xác nhận dương tính với COVID-19 tại Quảng Châu. Cảnh sát địa phương cho hay, tất cả người ngoại quốc phải tuân thủ nghiêm túc luật pháp Trung Quốc, và những ai từ chối đưa ra giấy tờ khi cảnh sát yêu cầu, sẽ bị phạt. Nhiều người châu Phi ở Trung Quốc được cho là đã quá hạn visa trong khi có 4.553 công dân châu Phi rời Quảng Châu một cách hợp pháp vào tuần trước.
Hôm chủ nhật (12/4), tờ Hoàn Cầu lần đầu tiên lên tiếng về cuộc khủng hoảng ngoại giao Trung-Phi khi viết, "các thông tin lan truyền trên truyền thông phương tây cáo buộc người châu Phi bị phân biệt và chịu đối xử tồi tệ tại thành phố [Quảng Châu] – đang được phương Tây lợi dụng để châm ngòi vấn đề giữa Trung Quốc và các nước châu Phi.
Phát biểu của ông Zhao Lijian cũng được nhiều nhà ngoại giao Trung Quốc tại châu Phi chia sẻ lại trên Twitter.
Phó giáo sư chính trị học Đại học Wake Forest Lina Benabdallah nhận định, bản chất tế nhị của vấn đề đòi hỏi phải có sự hợp tác trong xử lý, và giới ngoại giao Trung Quốc cần tìm cách ngăn chặn làn sóng phản đối đối với hơn 1 triệu công dân Trung Quốc hiện đang sống tại châu Phi. "Làm giảm leo thang trong trường hợp này có lẽ là một ưu tiên", bà Benabdallah nói. "Đó là một điều nhạy cảm".
Quan hệ giữa người với người
Theo CNN, đến cuối tuần trước, hầu hết những người châu Phi bị mất nơi ở tại Quảng Châu – chủ yếu là sinh viên và doanh nhân, đã tìm được chỗ ở mới.
Những tình nguyện viên đã thông qua ứng dụng WeChat để kết nối người châu Phi với các chủ nhà và khách sạn vẫn chấp nhận người nước ngoài. Những người còn lại được chính quyền địa phương đưa tới cách li tại các khách sạn được chỉ định.
"Chính quyền chỉ không muốn người châu Phi lang thang trên đường phố", một tình nguyên viên giấu tên nói.
Học giả Shen Shiwei từ Viện Nghiên cứu châu Phi tại Đại học Sư phạm Triết Giang đánh giá, mối quan hệ người với người là một mấu chốt trong quan hệ giữa Trung Quốc và châu Phi, và nó cần được bảo vệ.
Ông Shen kêu gọi giới chức Trung Quốc cải thiện trao đổi với cộng đồng người Phi tại Quảng Châu, như đưa ra các bảng hiệu bằng cả tiếng Anh và tiếng Trung giúp giải thích các quyết định trong điều hành. "Tôi nghĩ đó là hai mặt của mỗi vấn đề", ông Shen nói.
Còn bà Hannah Ryder, một người Kenya gốc Anh từng làm việc cho Liên Hợp Quốc ở Trung Quốc và hiện đang là CEO của một công ty Kenya tại Bắc Kinh cho biết, những vụ việc như hiện tại có thể để lại các tác động khổng lồ tới cách nhìn của người châu Phi đối với Trung Quốc. "Nếu không được xử lý đúng cách, chúng có thể đem tới các hậu quả lớn hơn việc người dân phải ngủ trên đường. Chúng có thể ảnh hưởng lại vào quan hệ quốc tế, thương mại và thậm chí là ngoại giao", bà Ryder chỉ ra.