• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Sóng gió đồn đoán Mỹ “nặng tay” với Triều Tiên

Thế giới 21/03/2017 22:09

(Tổ Quốc) - Chính quyền  Trump đang xem xét các biện pháp trừng phạt nhằm tách Triều Tiên ra khỏi hệ thống tài chính toàn cầu, Reuters cho biết.

Chính quyền Trump đang xem xét các biện pháp trừng phạt nhằm tách Triều Tiên ra khỏi hệ thống tài chính toàn cầu như một nội dung trong việc xem xét lại các biện pháp chống lại mối đe dọa hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng, Reuters cho biết.

Những biện pháp trừng phạt sẽ là một phần trong cách tiếp cận đa chiều gồm gia tăng áp lực kinh tế và ngoại giao - đặc biệt là đối với các ngân hàng Trung Quốc và các doanh nghiệp có nhiều hoạt động giao dịch với Triều Tiên, cùng với việc tăng cường các biện pháp phòng thủ của Mỹ và các đồng minh Hàn Quốc và Nhật Bản, Reuters dẫn lời các quan chức chính quyền thân cận với các cuộc thảo luận.

Trong khi lựa chọn lâu dài về tấn công quân sự phủ đầu đối với Triều Tiên vẫn đang được xem xét – theo như lời cảnh báo của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tới Bình Nhưỡng trong chuyến công du Châu Á vào tuần trước, chính quyền mới đang ưu tiên cho những lựa chọn ít nguy cơ hơn.

Chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên đang là một trong những vấn đề khó khăn đối với chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Nguồn: Getty)

Các khuyến nghị về chính sách do cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Donald Trump, Tướng McMaster, dự kiến sẽ được đệ trình Tổng thống trong vài tuần tới, có thể trước khi có cuộc hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào đầu tháng 4, quan chức này cho biết.  Vấn đề Triều Tiên dự kiến sẽ trở thành trọng tâm của chương trình nghị sự tại cuộc họp đó.

Hiện chưa rõ ông Trump sẽ quyết định nhanh chóng ra sao về hành động đối với Triều Tiên – điều có thể bị giảm tốc khi tân chính quyền Mỹ đang tiếp tục bổ sung các vị trí an ninh quốc gia quan trọng.

Nhà Trắng đã từ chối bình luận về những thông tin Reuters trích dẫn.

Ông Trump đã gặp ông McMaster vào ngày 18/3 để thảo luận về Triều Tiên và sau đó nói rằng nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un "đã hành xử rất tồi tệ."

Tuyên bố của Tổng thống Mỹ được đưa ra chỉ vài giờ sau khi Triều Tiên hân hoan tuyên bố về một vụ thử động cơ tên lửa thành công – điều các quan chức và chuyên gia cho rằng là một phần trong chương trình nhằm xây dựng một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có khả năng tấn công vào Mỹ.

Hé lộ về trừng phạt thứ cấp

Nguồn tin trong chính phủ Mỹ cho hay các quan chức Mỹ, trong đó có ông Tillerson, đã đưa ra cảnh báo riêng tư Trung Quốc về "các biện pháp trừng phạt thứ cấp" rộng hơn nhắm tới các ngân hàng và các công ty khác làm ăn với Triều Tiên, hầu hết là từ Trung Quốc.

Động thái đang được xem xét này sẽ đánh dấu sự leo thang áp lực của chính quyền Trump đối với Trung Quốc nhằm thúc giục nước này có nhiều động thái hơn nữa để kiềm chế Triều Tiên. Không rõ các quan chức Trung Quốc đã trả lời những lời cảnh báo trên ra sao nhưng Bắc Kinh đã từng làm rõ sự phản đối mạnh mẽ của họ đối với các động thái như vậy.

Mục tiêu sẽ là thắt chặt các nội dung trừng phạt – tương tự việc mở rộng các biện pháp trừng phạt đối với Iran – điều đã được sử dụng để gây áp lực với Tehran ngồi vào bàn đàm phán với phương Tây về nghi ngờ nước này phát triển vũ khí hạt nhân. Những biện pháp trên cuối cùng đã đi tới một thỏa thuận năm 2015 nhằm hạn chế chương trình hạt nhân của Iran để đổi lại việc gỡ bỏ các biện pháp trừng phạt.

Để các biện pháp tương tự như vậy có thể ảnh hưởng đến hành động của Triều Tiên - nước đang chịu các chế tài trừng phạt nặng của cộng đồng quốc tế, Washington phải đảm bảo sự hợp tác quốc tế đầy đủ - đặc biệt là từ Trung Quốc – được cho là hiện chưa “mạnh tay” với láng giềng Bình Nhưỡng.

Các nhà phân tích cũng đã đặt câu hỏi liệu các biện pháp trừng phạt như vậy có hiệu quả đối với Triều Tiên hay không khi họ không phải là một nhà sản xuất dầu lớn như Iran và do đó cũng không có nhiều liên kết với hệ thống tài chính thế giới.

Theo Reuters, Triều Tiên hiện phần lớn dựa vào buôn bán bất hợp pháp thông qua các ngân hàng nhỏ của Trung Quốc. Vì vậy, để áp dụng trừng phạt thứ cấp thành công, các biện pháp mới sẽ phải gia tăng áp lực ngăn chặn các ngân hàng trên liên kết với hệ thống tài chính quốc tế.

Quan chức trên cũng cho biết, việc mở rộng các nỗ lực đóng băng tài sản của nhà lãnh đạo Triều Tiên và gia đình bên ngoài lãnh thổ nước này cũng đang được xem xét.

Các lựa chọn quân sự

Khía cạnh quân sự trong chính sách đối với Triều Tiên bao gồm sự hiện diện của Mỹ ở khu vực và việc triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến, ban đầu ở Hàn Quốc và có thể ở Nhật Bản. Quân đội Mỹ đã bắt đầu lắp đặt hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối THAAD tại Hàn Quốc, bất chấp sự phản đối của Trung Quốc.

Washington càng ngày càng lo ngại rằng người thắng cuộc cuộc bầu cử tổng thống ở Hàn Quốc ngày 9/5 có thể sẽ quay lưng lại với việc triển khai THAAD và giảm sự ủng hộ đối với các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ.

Ông Tillerson đã cảnh báo hôm thứ Sáu tuần trước rằng Washington không loại trừ hành động quân sự nếu mối đe dọa từ Triều Tiên trở nên không thể chấp nhận được.

Hiện tại, các quan chức Mỹ cho rằng các cuộc tấn công phủ đầu là quá nguy hiểm, do nguy cơ gây ra một cuộc chiến trong khu vực và mang lại thương vong lớn ở Nhật Bản và Hàn Quốc cùng với hàng chục nghìn lính Mỹ ở cả hai nước đồng minh này.

Một nguồn tin của chính phủ Mỹ cho biết Trump cũng có thể lựa chọn gia tăng các cuộc tấn công trên mạng và các hành động bí mật khác nhằm phá hoại sự lãnh đạo của Triều Tiên.

"Các lựa chọn này không được thực hiện độc lập," một quan chức Mỹ cho biết. "Đây sẽ là hình thức gồm một "tất cả những điều trên" và có thể loại trừ hành động quân sự."

Theo Reuters, ông Trump được cho là thường không kiên nhẫn về các chi tiết trong chính sách đối ngoại, nhưng các quan chức cho biết ông dường như đã tiếp thu cảnh báo từ người tiền nhiệm Barack Obama, rằng Triều Tiên sẽ là vấn đề quốc tế cấp thiết nhất mà ông Trump phải đối mặt.

(Theo Reuters)

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ