(Tổ Quốc) - Ông lớn khu vực Saudi Arabia đang tổ chức các hội nghị thượng đỉnh Hồi giáo, Ả Rập và Vùng Vịnh trong tuần này giữa bối cảnh căng thẳng giữa Iran và Mỹ làm dấy lên lo ngại về sự leo thang quân sự.
Ba hội nghị thượng đỉnh này ở Mecca, thành phố linh thiêng nhất của đạo Hồi, cho phép đồng minh Riyadh của Mỹ có cơ hội đoàn kết các mặt trận Hồi giáo, Ả Rập và vùng Vịnh để đối phó lại đối thủ truyền kiếp của mình là Tehran.
Bản thân Iran vẫn chưa xác nhận liệu họ có tham dự cuộc họp của Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) hay không- cơ chế nước này cũng là thành viên.
Hussein Ibish, một học giả tại Viện các quốc gia vùng vịnh Ả Rập ở Washington, cho biết mục đích của Riyadh là "củng cố sự ủng hộ của người Ả Rập và Hồi giáo, tiên liệu về sự tăng cường đối đầu hoặc ngoại giao".
Washington đã khôi phục các lệnh trừng phạt cứng rắn đối với Tehran và quyết định triển khai thêm 1.500 binh sĩ tới Trung Đông trong bối cảnh xuất hiện các cuộc tấn công phá hoại vào các cơ sở dầu mỏ.
Mỹ đang tăng cường sự hiện diện ngoại giao tại Trung Đông sau những cáo buộc về mối đe dọa từ Iran. (Nguồn: Yahoo News/AFP)
Hai tàu chở dầu của Saudi, trong tổng số bốn tàu, là mục tiêu của các hành động phá hoại bí ẩn ngoài khơi Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) trong tháng này và phiến quân Houthi ở Yemen – được cho là có liên kết với Iran đã đẩy mạnh các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào Saudi- một trong số đó dẫn đến việc tạm thời ngừng hoạt động của một đường ống dẫn dầu chính.
Tehran cũng đã nhiều lần đe dọa đóng cửa eo biển chiến lược Hormuz, nơi 35% lượng dầu trên biển của thế giới đi qua.
Hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp của Liên đoàn Ả Rập và Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) do Saudi Arabia kêu gọi sẽ được tổ chức vào thứ Năm, một ngày trước hội nghị thượng đỉnh OIC đã được lên kế hoạch từ lâu.
Vẫn chưa rõ có bao nhiêu quốc gia sẽ tham gia vào các cuộc họp khẩn cấp này, nhưng Qatar – nước đã bị một liên minh do Saudi dẫn đầu tẩy chay - đã được mời tham dự cuộc họp của GCC.
Riyadh cắt đứt quan hệ ngoại giao với Tehran vào năm 2016 sau khi những người biểu tình xông vào các cơ quan ngoại giao của Saudi tại Iran sau khi họ hành quyết một giáo sĩ Shiite nổi tiếng.
Nhiệm vụ không dễ dàng
Hội nghị thượng đỉnh OIC sẽ giải quyết "các vấn đề hiện tại trong thế giới Hồi giáo" và "những phát triển gần đây ở một số quốc gia thành viên OIC", chương trình nghị sự chính thức nêu rõ.
Saudi Arabia và các đồng minh đã nhiều lần cáo buộc Iran can thiệp vào các vấn đề của các quốc gia khác, bao gồm Bahrain, Iraq, Syria, Lebanon và Yemen, bằng cách hỗ trợ và vũ trang cho nhiều tay súng
"Sự thống nhất và phối hợp về các lập trường là cần thiết vào thời điểm quan trọng này và Riyadh ... đủ điều kiện để đóng vai trò đó", Bộ trưởng Ngoại giao UAE, Anwar Gargash, đã tweet vào tuần trước.
Nhưng mục tiêu của vương quốc này về một lập trường thống nhất giữa Hồi giáo, Ả Rập và vùng Vịnh dường như khó đạt được.
Qatar đã phát triển gần gũi hơn với Iran, trong khi Kuwait bày tỏ lo ngại trước các mối đe dọa của Iran về đóng eo biển Hormuz.
Oman, nước có quan hệ tốt với cả Iran và Hoa Kỳ, đã nói rằng họ và các bên khác đang "tìm cách làm dịu căng thẳng" giữa hai nước.
Trước các hội nghị thượng đỉnh trên, các nhà ngoại giao hàng đầu của Iran đã đi thăm khu vực này, bao gồm Iraq, Kuwait, Oman và Qatar.
Iran, nơi có chung biên giới với Afghanistan, Pakistan, Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ, cũng có quan hệ tốt với Ankara và Islamabad.
Cộng hòa Hồi giáo Iran đang hỗ trợ cho các nhóm chính trị ở Lebanon, Iraq và Syria.
Simon Henderson, một nhà nghiên cứu tại Viện Chính sách Cận Đông của Washington cho biết: "Một số quốc gia có thể không thích Iran và hành vi sai lệch của họ trong khu vực nhưng có thể ưu tiên để tránh lập trường đối đầu hay lên án".
"Các siêu cường mặc cả"
Saudi Arabia và Hoa Kỳ đã cáo buộc Iran là chủ mưu đằng sau cuộc tấn công của phe li khai Houthi tại Yemen vào một đường ống chính của nước này, trong khi một cuộc điều tra đã được tiến hành đối với sự cố xảy ra các cuộc tấn công vào các tàu ngoài khơi UAE.
Bộ Tư lệnh Trung ương Hoa Kỳ, giám sát các hoạt động quân sự của Mỹ ở Trung Đông, có từ 60.000 đến 80.000 binh sĩ được triển khai trong khu vực.
Hôm thứ Sáu, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bỏ qua Quốc hội để bán vũ khí trị giá 8,1 tỷ USD cho Saudi Arabia và các đồng minh Ả Rập khác, với lý do mối đe dọa từ Iran.
"Tiếp tục các hoạt động hạt nhân (của Iran), làm cho sự hiện diện của họ rõ nét trong khu vực và làm gián đoạn xuất khẩu dầu của Saudi hoặc Tiểu vương quốc đều có thể là cách để tăng cường sức mạnh mặc cả", Nhóm Khủng hoảng Quốc tế cho biết trong một báo cáo.
"Nhưng nếu những phương cách này là một ván bài ngoại giao, thì đó là một điều nguy hiểm: một trong hai bên có thể hiểu sai ý định của bên kia."
Bộ trưởng Ngoại giao Saudi Adel al-Jubeir tuyên bố đất nước của ông không muốn gây chiến với Iran nhưng sẵn sàng bảo vệ lợi ích của mình.