(Tổ Quốc) - Các lực lượng đặc nhiệm của quân đội Mỹ đã bí mật tham gia hỗ trợ hoạt động của liên minh do Saudi Arabia dẫn đầu chống lại nhóm nổi dậy Houthis tại Yemen.
Các lực lượng đặc nhiệm của quân đội Mỹ đã bí mật tham gia hỗ trợ hoạt động của liên minh do Saudi Arabia dẫn đầu chống lại nhóm nổi dậy Houthis tại Yemen, một bài viết mới của tờ New York Times (NYT) cho hay.
Trích dẫn thông tin được các quan chức Mỹ và các nhà ngoại giao châu Âu cung cấp, NYT cho biết hơn một chục tay súng thuộc Lực lượng đặc biệt Mũ nồi xanh đã được triển khai tới biên giới giữa Saudi Arabia với Yemen hồi tháng 12/2017 – một tháng sau khi Houthis bắn tên lửa Burkan-2 nhắm tới sân bay quốc tế tại Riyadh.
Yemen sau ba năm Saudi can dự
Saudi Arabia tuyên bố đã ngăn chặn được cuộc tấn công trên bằng hệ thống phòng thủ tên lửa MIM-104F Patriot do Mỹ chế tạo, tuy nhiên, các nhà phân tích vẫn nghi ngờ về diễn biến chính thức của sự kiện này.
Hoàng Thái tử kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Mohammed bin Salman của Saudi Arabia đã liên lạc với Hoa Kỳ để tìm kiếm sự giúp đỡ trong việc định vị và phá hủy các cơ sở phóng tên lửa của Houthis ngay sau đó –điều mở ra những gì có thể là một mặt trận (âm thầm) mới cho các hoạt động của Lầu Năm Góc ở Trung Đông.
Đặc nhiệm Mũ nồi Xanh Mỹ có thể đang gia tăng hiện diện tại chiến trường Yemen. |
Tình trạng bất ổn hiện tại của Yemen được khởi đầu với sự thất bại của Tổng thống Yemen Ali Abdullah Saleh khi đối mặt với các cuộc biểu tình khu vực vào năm 2012. Saleh được thay thế bởi cấp phó là ông Abed Rabbo Mansour Hadi. Thời gian Hadi cầm quyền sau đó đã vấp phải làn sóng bất đồng chính kiến gia tăng từ cả những người Hồi giáo Sunni và Shiite.
Còn Saleh, cùng với những người trung thành và lực lượng nổi dậy Houthi vào cuối năm 2014 đã tấn công cướp chính quyền ở thủ đô Sana'a, khiến Tổng thống lúc đó là Abd Rabbuh Mansur Hadi và các bộ trưởng của ông phải từ chức.
Hadi sau đó đã chạy trốn đến Aden- thủ đô cũ của miền nam Yemen và tuyên bố việc Houthi tiếp quản Sana’a là bất hợp pháp. Tháng 3/2015, Saudi Arabia đã dẫn đầu một liên minh các nước vùng Vịnh ủng hộ ông Hadi và tấn công lực lượng Houthi.
Saudi Arabia cáo buộc Houthis là một lực lượng ủy nhiệm của Iran – đối thủ hàng đầu của vương quốc này tại Trung Đông. Tính tới thời điểm hiện nay - 3 năm sau thời gian mở màn can dự, Saudi Arabia đã giúp các đồng minh địa phương tại Yemen chiếm được thêm một số vùng đất, tuy nhiên, cuộc xung đột Yemen chủ yếu vẫn là bế tắc.
Đầu tiên, Saleh bị bắn chết trong tháng 12/2017 trong những hoàn cảnh chưa xác định. Tuy nhiên, những người ủng hộ ông Saleh đã đổ lỗi cho đối tác Houthi. Còn Houthi lại cho rằng ông Saleh đang cố gắng hòa giải với Riyadh.
Diễn biến sóng gió Mỹ - Iran
Mỹ, trong khi đó, đã khởi động các cuộc không kích và các cuộc tấn công vào các nhóm Hồi giáo cực đoan như Al-Qaeda ở bán đảo Ả Rập và nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Washington đồng thời cũng có những hỗ trợ chiến lược cho chiến dịch do Saudi dẫn đầu, tuy nhiên, Lầu Năm Góc đã tránh tham gia quá sâu vào cuộc nội chiến Yemen. Dù vậy, cách tiếp cận này có thể được thay đổi – điều được minh chứng bởi báo cáo của NYT cũng như một thỏa thuận tháng trước đã kêu gọi triển khai hai máy bay cánh cố định và hai trực thăng tới Yemen, như trang tin The Drive đưa tin.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đang tìm kiếm một mối quan hệ gần gũi hơn với Saudi Arabia – một bên mà ông coi là một đồng minh quan trọng để chống lại Iran. Vài tháng sau khi nhậm chức, ông Trump đã đến thăm Riyadh và đạt được thỏa thuận vũ khí trị giá 110 tỉ USD với Saudi Arabia. Khi Hoàng Thái tử Mohammed đến thăm Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis ở Washington vào tháng 3 vừa qua, Saudi cũng đã gặt hái được một thỏa thuận trị giá 670 triệu USD mua các vũ khí và trang thiết bị của Mỹ.
Trong khi đó, ngoài việc đe dọa rút khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử năm 2015 (còn gọi là Kế hoạch hành động toàn diện chung JCPOA), chính quyền Trump cũng đang gây sức ép với Iran vì những cáo buộc rằng nước này đang cung cấp cho Houthis những tên lửa đạn đạo để bắn tới Saudi Arabia. Iran lâu nay công khai ủng hộ Houthis về mặt chính trị, nhưng bác bỏ việc cung cấp vũ khí cho nhóm này.
Một báo cáo năm 2017 của Tom Dispatch thuộc Viện Quốc gia Mỹ cho biết rằng Lực Lượng đặc nhiệm của Hoa Kỳ đã được triển khai tới 138 quốc gia – chiếm 70% thế giới.