• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Sóng ngầm dữ dội về Trump trên bàn nóng G7

Thế giới 13/05/2017 21:32

(Tổ Quốc) - Thế giới đang hy vọng sẽ nhận được một bức tranh rõ nét về kế hoạch của Tổng thống Mỹ về các chính sách kinh tế quan trọng.

Các nhà lãnh đạo tài chính từ các nền kinh tế thịnh vượng nhất thế giới đã bắt đầu một cuộc họp kéo dài hai ngày ở Italy ngày 12/5. Các quốc gia châu Âu, Nhật Bản và Canada đang hy vọng sẽ nhận được một bức tranh rõ nét về kế hoạch của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump về các chính sách kinh tế quan trọng.

Bất bình đẳng, các luật thuế quốc tế, an ninh mạng và ngăn chặn việc hỗ trợ tài chính cho lực lượng khủng bố đang là trọng tâm của chương trình nghị sự chính thức của Nhóm 7 Bộ trưởng tài chính và Thống đốc ngân hàng trung ương đang họp tại thành phố cảng Adriatic, Italia.

Lo ngại về chính sách từ Mỹ

Tuy nhiên, ông Trump đã đưa ra một số tín hiệu sẽ phá vỡ sự đồng thuận những thập niên gần đây trong nhóm G7 về các vấn đề như bảo hộ thương mại và thay đổi khí hậu, và chính quyền mới của ông cũng đang là trọng tâm chú ý của các bộ trưởng G7 tại phiên họp lần này.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin tới cuộc họp tại Bari ngày 12/5. (Nguồn: Reuters)

Bộ trưởng Tài chính Pháp Michel Sapin cho biết ông và các bộ trưởng khác từ các nền kinh tế hàng đầu đã nói với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steve Mnuchin rằng “thật khó tưởng tưởng nổi” rằng những chính sách đã nhận được sự đồng thuận toàn cầu trong các lĩnh vực như thương mại và điều tiết tài chính có thể bị suy yếu.

"Chúng ta cần một nước Mỹ mạnh mẽ để lãnh đạo nền kinh tế toàn cầu và nền chính trị toàn cầu một cách bền vững", Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble cũng bày tỏ khi được hỏi về thông điệp ông muốn gửi tới Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin.

Còn Bộ trưởng Kinh tế Italy Pier Carlo Padoan – nước chủ nhà G7, cho biết kế hoạch cắt giảm thuế của Trump đối với các doanh nghiệp là "đầy tham vọng" và ông muốn hiểu nhiều hơn về chính sách này từ Mukuchin.

Reuters cũng đưa tin rằng, trước đó, tại một cuộc họp của nhóm 20 bộ trưởng tài chính lớn ở Đức vào tháng 3, các bộ trưởng đã từ bỏ cam kết truyền thống của họ về việc tiếp tục mở cửa cho tự do thương mại toàn cầu – động thái cho thấy một nước Mỹ ngày càng nghiêng về xu hướng bảo hộ kinh tế.

Mnuchin, người bỏ qua phiên khai mạc hội nghị lần này tại Bari - nơi các nhà khoa học đã thảo luận về sự bất bình đẳng và con đường tăng trưởng, đã đến muộn so với các bộ trưởng khác và nói với các phóng viên rằng ông "rất vui mừng" về chính sách thương mại mới của Mỹ.

Ông nói: "Tôi nghĩ bạn có thể thấy đêm qua chúng tôi đã đưa ra một kế hoạch kinh tế 100 ngày với Trung Quốc, vì vậy tôi nghĩ rằng chúng tôi rất vui mừng với phương thức chúng tôi phát triển thương mại.

Trong một tín hiệu phản ánh sự căng thẳng về lập trường của ông Trump đối với chủ nghĩa bảo hộ, sẽ không có thảo luận chính thức về thương mại tại Bari, các quan chức Bộ Tài chính Italy cho biết. Tuy nhiên, một phát ngôn viên của Bộ Tài chính Mỹ nói rằng vấn đề này có thể sẽ được đưa ra trong các cuộc đàm phán song phương.

Uỷ viên kinh tế châu Âu Pierre Moscovici đã nói với các phóng viên ông hy vọng chính sách của Mỹ sẽ không từ bỏ chủ nghĩa đa phương và thương mại tự do. Ông nói: "Chúng ta có thể thảo luận, chúng ta có thể có những đánh giá khác nhau, nhưng chúng ta cùng ở cùng một thế giới và trên cùng một chiếc thuyền."

Các quan chức Italy cho biết, tuyên bố kết thúc từ Bari sẽ nhắc lại một cảnh báo về sự xuống giá của hoạt động cạnh tranh – động thái có thể giúp làm giảm lo ngại rằng chính quyền mới của Mỹ phần nào sẽ làm suy yếu lập trường thống nhất của G20 về chính sách tiền tệ toàn cầu.

Vấn đề Hi Lạp

Trước cuộc họp G7, một số bộ trưởng và quan chức đã tổ chức một cuộc thảo luận vào đầu buổi sáng về cuộc khủng hoảng nợ dài hạn của Hy Lạp – sự kiện chuẩn bị cho cuộc họp vào ngày 22/5 của các bộ trưởng tài chính khu vực đồng euro về việc giải ngân các khoản vay mới cho Hi Lạp.

Các chủ nợ của Hy Lạp, bao gồm Ngân hàng Trung ương châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF, đang có mặt tại Bari. Trong khi IMF đang nhấn mạnh đến việc giảm nợ cho Athens, họ vẫn lo ngại rằng khu vực đồng euro vẫn chưa giải quyết triệt để vấn đề này.

“Vẫn chưa hề rõ ràng”, Giám đốc IMF, Christine Lagarde, nói sau phiên làng việc sáng rằng, "Các đối tác châu Âu của chúng ta cần cụ thể hơn về việc giảm nợ, đó là một điều bắt buộc."

Trong khi đó, tại một cuộc họp song phương trước phiên họp toàn thể G7 vào ngày 11/5, ông Padoan đại diện cho Italy đã cố gắng trấn an Mnuchin về tình trạng của các ngân hàng Italy, một quan chức nước này có mặt tại cuộc họp cho biết.

Các ngân hàng cho vay của Italy đang phải đối mặt với khoản nợ xấu khoảng 350 tỷ euro (380 tỷ USD), một phần ba tổng số nợ của khu vực đồng euro và được coi là mối đe dọa đối với triển vọng tăng trưởng kinh tế châu Âu.

Thượng đỉnh G7 gồm nguyên thủ các nền kinh tế hàng đầu thế giới đang đến rất gần và dư luận đang trông đợi vào việc hiểu rõ hơn chính sách phát triển sắp tới này của các nước “đầu tàu” này nói chung và Mỹ nói riêng.

(Theo Reuters)

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ