(Tổ Quốc) - Khái niệm "cường quốc tầm trung" đã có từ lâu nhưng gần đây mới nhận được sự quan tâm nhiều hơn trong bối cảnh địa chính trị đang trở nên đa cực và sự cạnh tranh gay gắt hơn giữa các siêu cường, theo trang Dawn.
Trong quan hệ quốc tế, có sự nhất trí chung rằng các quốc gia tầm trung là những nước có khả năng ảnh hưởng nhất định đến địa chính trị do có sức mạnh quân sự hay sức mạnh kinh tế, đặc điểm nhân khẩu học, quyền lực mềm, hoạt động ngoại giao hoặc nhiều hoạt động tích cực khác. Những lợi thế này mang lại cho họ đòn bẩy đáng kể trong các vấn đề toàn cầu và khả năng xây dựng nhiều mối quan hệ.
Đường lối ngoại giao khéo léo
Theo Dawn, danh sách các cường quốc tầm trung bao gồm cả các quốc gia phát triển và đang phát triển, như Đức, Nhật Bản, Canada, Brazil, Ấn Độ, Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia, Singapore và Indonesia. Họ là một nhóm các quốc gia đa dạng với hệ thống quản lý cũng như lợi ích chính trị và chiến lược khác nhau. Pakistan ở một số khía cạnh từng là một cường quốc bậc trung nhưng sự yếu kém về kinh tế đã hạn chế đáng kể ảnh hưởng toàn cầu của nước này.
Hiện nay, cuộc tranh luận toàn cầu về vai trò của các cường quốc tầm trung đã trở nên sôi động hơn do hệ lụy của căng thẳng Mỹ-Trung. Dù không giống như Chiến tranh Lạnh về mặt phân chia thành một thế giới lưỡng cực nhưng như một số nhà phân tích đã lưu ý, bối cảnh hiện tại mang đến cơ hội và khoảng trống cho nhiều quốc gia tăng cường vị thế và theo đuổi con đường tự chủ.
Hơn nữa, những thay đổi về cấu trúc và sự phân tán quyền lực trong hệ thống quốc tế cũng mở ra một môi trường thuận lợi cho hoạt động của các cường quốc tầm trung và để họ sử dụng ảnh hưởng của mình.
Hội nghị thượng đỉnh BRICS tháng trước ở Nam Phi đã thu hút sự chú ý của thế giới đến các quốc gia tầm trung và mong muốn của họ nhằm tái cấu trúc trật tự toàn cầu. Việc mở rộng nhóm bằng cách xem xét thêm Saudi Arabia, Iran, Ai Cập, Argentina, UAE và Ethiopia cho thấy các nền kinh tế mới nổi này cũng đang tìm kiếm vai trò lớn hơn.
Các quốc gia này cũng ủng hộ cải cách hệ thống tài chính quốc tế và tìm cách định hình địa chính trị bằng lối ngoại giao chủ động trong một thế giới đa cực.
Trong số các quyết định được đưa ra từ hội nghị thượng đỉnh BRICS là các nước thành viên tìm cách giảm sự phụ thuộc vào đồng đô la Mỹ. Như Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đã nói: "BRICS đang bắt tay vào một chương mới để xây dựng một thế giới công bằng và hòa nhập".
Vị thế mới của các cường quốc tầm trung
Trong khi nhiều cường quốc bậc trung đang tận dụng bối cảnh hiện tại để củng cố vị thế thương lượng của mình thì họ vẫn tìm cách tăng cường quan hệ với các cường quốc toàn cầu. Chính sách đối ngoại gần đây của Saudi Arabia là một ví dụ điển hình về cách một quốc gia đang vận động trong môi trường địa chính trị hiện tại để khẳng định vị thế.
Dưới thời Thái tử Mohammed bin Salman, Saudi Arabia theo đuổi các sáng kiến nhằm thiết lập định hướng chính sách đối ngoại mới và nâng cao vai trò ngoại giao. Riyadh nới lỏng mối quan hệ chặt chẽ truyền thống với Mỹ, tăng cường đáng kể mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc và phục hồi quan hệ hợp tác với đối thủ lâu năm trong khu vực là Iran.
Với những lợi thế của mình, Riyadh đang hướng đến nhiều bước đi lớn với Mỹ, bao gồm một hiệp ước quốc phòng mới, một thỏa thuận hạt nhân dân sự và các hệ thống phòng thủ tên lửa/vũ khí công nghệ cao.
Dù mục tiêu của họ có thành hiện thực hay không, thì Saudi Arabia cho thấy họ đang khéo léo xoay sở để đặt mình vào vị trí giữa hai siêu cường và gây ảnh hưởng được với những nước này. Trong khi Riyadh tăng giá dầu, điều Washington không đồng tình, thì Saudi Arabia vẫn sẵn sàng tham gia thỏa thuận cơ sở hạ tầng do Mỹ đề ra nhằm kết nối các nước Ả Rập bằng mạng lưới đường sắt.
Thổ Nhĩ Kỳ là một quốc gia khác rất thành thạo trong các chiến lược ngoại giao của cường quốc tầm trung. Là thành viên của NATO, Thổ Nhĩ Kỳ dưới thời Tổng thống Recep Tayyip Erdogan, đã thực hiện một chính sách đối ngoại cứng rắn cả trong và ngoài khu vực bằng việc duy trì mối quan hệ với cả Mỹ và Nga. Ankara đã tìm cách làm trung gian hòa giải giữa Nga và Ukraine, cũng như đóng vai trò trong Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen quan trọng giữa các bên. Thổ Nhĩ Kỳ cũng tận dụng vị thế của mình đối với vấn đề NATO mở rộng để đạt được sự nhượng bộ từ Mỹ và EU.
Các cường quốc tầm trung khác, trong đó có Ấn Độ, cũng thu được những lợi ích tương tự từ hoạt động ngoại giao tích cực trong một thế giới đa cực. Hiện tại, vai trò ngày càng tăng của những nước này trong việc định hình địa chính trị đã được một số nhà phân tích mô tả là "điều bình thường mới" vào thời điểm thế giới đang trong tình trạng thay đổi liên tục.