(Tổ Quốc) - Đại biểu Quốc hội kiến nghị Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo cần phân định cụ thể vị trí, vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động quảng cáo trên mạng, trên cơ sở đó, có quy định phù hợp với người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, nhất là người có ảnh hưởng trên mạng.
Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Chính phủ lần đầu trình Quốc hội cho ý kiến với Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo.
Dự án Luật bám sát mục đích, quan điểm chỉ đạo và cụ thể hóa nội dung 03 Chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật, cụ thể: Hoàn thiện các quy định về nội dung và hình thức quảng cáo phù hợp với sự phát triển đa dạng của hoạt động quảng cáo; Hoàn thiện quy định về quản lý hoạt động quảng cáo trên báo chí, môi trường mạng và dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới; Hoàn thiện quy định đối với hoạt động quảng cáo ngoài trời.
Góp ý kiến vào Dự án Luật, các đại biểu tán thành sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo năm 2012; cơ bản nhất trí với phạm vi sửa đổi, bổ sung Luật. Đồng thời, góp ý hoàn thiện nhiều nội dung cụ thể liên quan tới giải thích từ ngữ; quyền và nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo; nội dung quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt; quảng cáo trên báo chí; quảng cáo trên mạng;...
Nêu ý kiến cụ thể, đại biểu Nguyễn Văn Dương - Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang nêu thực trạng vi phạm về quảng cáo dịch vụ và biển hiệu hiện nay. Từ thực tế này, đại biểu kiến nghị Ban soạn thảo xem xét, bổ sung các quy định về việc đặt tên cơ sở y tế, khắc phục tình trạng các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lợi dụng chưa quy định.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư có quy định siết chặt quy trình thẩm định và từ chối cấp phép đối với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cơ sở khám, chữa bệnh có tên đăng ký không đúng hình thức tổ chức được quy định tại khoản 1 điều 48 Luật Khám bệnh, chữa bệnh (phòng khám, bệnh xá, nhà hộ sinh,…). Cụ thể là đối với các doanh nghiệp xin đăng ký tên có ngành hoạt động không phải là bệnh viện nhưng đặt tên có cụm từ "bệnh viện"; tên địa danh, quốc tế, viện….
Ngoài ra, liên quan tới quy hoạch quảng cáo ngoài trời, đại biểu tỉnh Kiên Giang kiến nghị chỉ quy hoạch quảng cáo ngoài trời theo tiêu chí, không quy hoạch theo vị trí cụ thể. Đồng thời, cho tận dụng hành lang an toàn giao thông để cho quảng cáo.
"Đặc thù đô thị lớn như TP.Hồ Chí Minh mà không cho quảng cáo trên hành lang an toàn giao thông thì khó tìm chỗ đặt bảng quảng cáo...", đại biểu dẫn chứng.
Quan tâm tới quy định về quảng cáo trên mạng, đại biểu Phạm Nam Tiến – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông nhấn mạnh, đây là nội dung trọng tâm đồng thời đánh giá rất cao việc Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch và Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp chặt chẽ để xây dựng các quy định điều chỉnh hoạt động quảng cáo trên mạng, quảng cáo xuyên biên giới.
Hiện nay, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đang nghiên cứu thêm các giải pháp kỹ thuật để áp chế hành vi quảng cáo vi phạm... Tuy nhiên, đại biểu đề nghị, cần phải quy định đảm bảo bao quát, hài hòa và đầy đủ trách nhiệm của tất cả các bên tham gia vào chuỗi hoạt động quảng cáo từ nhãn hàng – nhà sản xuất phim quảng cáo – đại lý quảng cáo – nền tảng mạng truyền phát quảng cáo – người chuyển tải sản phẩm quảng cáo.
Đối với quảng cáo ngoài trời, đại biểu cho biết các doanh nghiệp quảng cáo ngoài trời gặp rất nhiều khó khăn, kể cả quảng cáo qua hình thức hiện đại như màn Led, đại biểu đề xuất điều chỉnh các quy định về quy hoạch liên quan đến quảng cáo, cân nhắc đưa nội dung quy hoạch quảng cáo tích hợp vào pháp luật khác chuyên ngành hơn; quy định bổ sung thủ tục kiểm tra, thông báo về hoạt động xây dựng công trình quảng cáo; nghiên cứu cơ chế xã hội hóa việc cưỡng chế công trình quảng cáo.
Đối với Báo in, đại biểu tỉnh Đắk Nông ủng hộ tăng diện tích quảng cáo trên báo in. "Luật Quảng cáo năm 2012 quy định diện tích quảng cáo trên báo in không được vượt quá 15% tổng diện tích một ấn phẩm báo hoặc 20% tổng diện tích một ấn phẩm tạp chí, trừ báo, tạp chí chuyên quảng cáo. Dự thảo Luật sửa đổi tăng diện tích quảng cáo trên báo in không được vượt quá 30% tổng diện tích một ấn phẩm báo hoặc 40% tổng diện tích một ấn phẩm tạp chí là phù hợp", đại biểu cho biết.
Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Văn Huy – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình cho biết, hiện nay, trước sự phát triển của quảng cáo trên mạng, thị phần quảng cáo trên báo in đã giảm mạnh. Việc điều chỉnh tỉ lệ diện tích quảng cáo trên báo in chưa giải quyết căn bản khó khăn của các cơ quan báo chí trong việc thực hiện tự chủ tài chính.
Vì vậy, đề nghị nghiên cứu phương án lược bỏ các quy định giới hạn về tỉ lệ diện tích quảng cáo trên báo, tạp chí truyền thống và để cho cơ quan báo chí tự quyết định diện tích quảng cáo theo nhu cầu của bạn đọc và sự điều tiết của thị trường.
Tán thành với quan điểm tăng diện tích quảng cáo trên ấn phẩm báo, tạp chí để giúp cơ quan báo chí tăng nguồn thu, thực hiện tốt hơn cơ chế tự chủ tài chính. Tuy nhiên, để bảo vệ quyền lợi của độc giả, đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu điều chỉnh theo hướng quy định cụ thể về tỷ lệ diện tích, vị trí quảng cáo đối với từng loại hình ấn phẩm báo, tạp chí khác nhau.
Đồng tình với nhiều quan điểm nêu trên, đại biểu Trần Khánh Thu – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình tán thành với việc sửa đổi, bổ sung khái niệm người chuyển tải sản phẩm quảng cáo vì thực tiễn hiện nay nhiều đối tượng đã lợi dụng người có ảnh hưởng để chuyển tải quảng cáo sai sự thật trên mạng, đặc biệt là mạng xã hội, gây thiệt hại cho người tiêu dùng.
Tuy nhiên, một số nội dung cần tiếp tục được làm rõ, cụ thể: khoản 8 Điều 2 chỉ điều chỉnh hoạt động "trên mạng xã hội" là chưa đầy đủ, chưa tính toán hết các nền tảng, dạng thức truyền thông đang có ở hiện tại và có thể phát sinh trong tương lai. Đồng thời, đại biểu cũng kiến nghị cần phân định cụ thể vị trí, vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động quảng cáo trên mạng, trên cơ sở đó, có quy định phù hợp với người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, nhất là người có ảnh hưởng trên mạng./.