• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Sửa Luật Quảng cáo: Phát triển thị trường quảng cáo lành mạnh, hiện đại, có khả năng hội nhập

Thời sự 25/11/2024 14:11

(Tổ Quốc) - Chiều nay, 25/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo. Nhiều đại biểu Quốc hội ủng hộ sự cần thiết của dự án Luật này, đồng thời nhấn mạnh việc hoàn thiện hành lang pháp lý về lĩnh vực quảng cáo sẽ góp phần quan trọng để tạo dựng môi trường quảng cáo lành mạnh, hiện đại, có khả năng hội nhập với thị trường thế giới.

Cơ quan soạn thảo đã rất cầu thị, lắng nghe ý kiến đóng góp

Theo đại biểu Phạm Nam Tiến – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông, việc Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo tại Kỳ họp lần thứ 8 lần này là rất cần thiết, bởi sau hơn 10 năm thực hiện Luật Quảng cáo năm 2012, ngành quảng cáo đã có những bước phát triển vượt bậc và đã có nhiều thay đổi về tổ chức, quy trình, phương thức quảng cáo, nhiều loại hình quảng cáo mới đã xuất hiện và dần phổ biến trên thị trường đòi hỏi chính sách, pháp luật về quảng cáo cần phải có sự điều chỉnh phù hợp.

Sửa Luật Quảng cáo: Tạo dựng môi trường quảng cáo lành mạnh, hiện đại, có khả năng hội nhập - Ảnh 1.

Đại biểu Phạm Nam Tiến – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông

Theo đại biểu, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, chính sách, pháp luật của chúng ta cũng đã không ngừng phát triển, hoàn thiện. Nhiều đạo luật có các nội dung liên quan chặt chẽ, mật thiết đến hoạt động quảng cáo đã được Quốc hội ban hành thời gian qua như: Luật Điện ảnh 2022, Luật Bảo vệ người tiêu dùng 2023, hay gần nhất là Luật Dược 2024 đều có những quy định về hoạt động quảng cáo trong những lĩnh vực riêng biệt.

Bên cạnh đó, quan điểm trong quản lý nhà nước về quảng cáo cũng đã có sự thay đổi. Quảng cáo giờ đây không đơn thuần chỉ là hoạt động xúc tiến thương mại mà còn được xem là một trong những nội dung quan trọng hàng đầu của công nghiệp văn hoá. Vì vậy chính sách, pháp luật cũng cần thay đổi để tạo điều kiện phát triển cho lĩnh vực này.

"Tại dự thảo Luật sửa đổi lần này, tôi nhận thấy Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với tư cách là Thường trực cơ quan chủ trì soạn thảo đã rất cầu thị, lắng nghe ý kiến của các cơ quan nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp, chuyên gia, nhà khoa học, những đối tượng chịu tác động.

Các phương án chính sách được đưa ra trong dự thảo Luật được xây dựng trên cơ sở xác định đúng những vấn đề bất cập, vướng mắc trong thực tiễn (nội dung, hình thức quảng cáo, quảng cáo trên báo chí, quảng cáo trên mạng, quảng cáo ngoài trời) với quan điểm chung là cố gắng đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động quảng cáo, góp phần xây dựng thị trường quảng cáo lành mạnh, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời, dự thảo Luật cũng có những quy định nhằm tăng cường quản lý hoạt động quảng cáo, trách nhiệm trong hoạt động quảng cáo để bảo đảm an ninh thông tin, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng", đại biểu Phạm Nam Tiến đánh giá.

Quan tâm đến quy định về quảng cáo trên mạng (bao gồm trên môi trường internet, mạng xã hội, ứng dụng trực tuyến, mạng viễn thông, thiết bị đầu cuối), đại biểu cho rằng, trong những năm qua, thị phần quảng cáo đang có sự dịch chuyển nhanh chóng từ phương thức quảng cáo truyền thống (báo chí, truyền hình) sang phương thức quảng cáo số (sử dụng internet, mạng xã hội, ứng dụng trực tuyến) dẫn đến việc các cơ quan báo chí ngày càng khó khăn về nguồn thu quảng cáo.

Nếu như hoạt động quảng cáo trên báo chí được quản lý tương đối chặt chẽ, bài bản thì hoạt động quảng cáo trên mạng đang tồn tại nhiều hạn chế, bất cập. Điều này tạo nên sự lo ngại về việc cạnh tranh không bình đẳng giữa các cơ quan truyền thông, báo chí với các nền tảng lớn (facebook, google, tiktok) trong hoạt động quảng cáo.

"Chính vì vậy, quy định về hoạt động quảng cáo trên mạng là nội dung mà tôi cho là sẽ được dư luận và nhiều đại biểu quan tâm. Đối với vấn đề này, tôi đánh giá cao việc Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc xây dựng quy định điều chỉnh.

Tuy nhiên, tôi nhận thấy quy định này cần được tiếp tục rà soát để đảm bảo bao quát, hài hoà, đầy đủ trách nhiệm của tất cả các bên tham gia vào chuỗi hoạt động quảng cáo (từ nhãn hàng, nhà sản xuất phim quảng cáo, đại lý quảng cáo, nền tảng mạng truyền phát quảng cáo, người chuyển tải sản phẩm quảng cáo); tính thống nhất của hệ thống pháp luật (các quy định không trùng lắp, chồng chéo, mâu thuẫn với các luật có liên qua khác như: Luật Bảo vệ người tiêu dùng, Luật Cạnh tranh, Luật An ninh mạng,…); và tính hiệu lực, hiệu quả sau khi Luật có hiệu lực thi hành", đại biểu bày tỏ.

Tạo dựng môi trường quảng cáo lành mạnh, hiện đại, có khả năng hội nhập

Khẳng định sự cần thiết của việc sửa đổi Luật Quảng cáo, đại biểu Nguyễn Duy Thanh – Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau cho rằng, sau hơn 10 năm thực hiện Luật Quảng cáo 2012, đến thời điểm hiện nay hoạt động quảng cáo đã có rất nhiều thay đổi.

Song song với các hoạt động quảng cáo truyền thống, với sự đổi mới liên tục của công nghệ, quảng cáo trên các phương tiện truyền thông xã hội internet, facebook, tik tok… đã xuất hiện và trở nên phổ biến trên toàn thế giới.

Xu hướng nổi bật nhất của thị trường quảng cáo Việt Nam trong 2 thập niên qua là sự gia tăng của quảng cáo trên không gian mạng. Hệ thống chính sách, pháp luật về quảng cáo của chúng ta cũng đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, không theo kịp sự phát triển của thị trường quảng cáo hiện nay, nhất là các quy định về quản lý hoạt động quảng cáo trên báo chí, trên môi trường mạng, dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới...

Sửa Luật Quảng cáo: Tạo dựng môi trường quảng cáo lành mạnh, hiện đại, có khả năng hội nhập - Ảnh 3.

Đại biểu Nguyễn Duy Thanh – Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau

Do vậy, việc Chính phủ đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo tại Kỳ họp này là rất cần thiết, để kịp thời thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước và bắt kịp sự vận động và chuyển biến của xã hội, khắc phục những vấn đề còn vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động quảng cáo phát triển.

Đặc biệt, lĩnh vực quảng cáo hiện nay cũng được nước ta xác định là một trong 12 lĩnh vực trọng tâm trong Chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Theo đại biểu, thời gian qua, hoạt động quảng cáo ở nước ta đã đạt được nhiều thành tựu và có những đóng quan trọng cho nền kinh tế quốc dân. Do vậy, việc phải hoàn thiện hệ thống pháp luật để phát triển hơn nữa lĩnh vực quảng cáo đầy tiềm năng này là một nhu cầu rất cấp thiết.

Về cơ bản, 03 nhóm chính sách mà Chính phủ đề xuất trong dự thảo Luật lần này là phù hợp. Để xây dựng được một môi trường quảng cáo thực sự hiện đại, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng là chính, đại biểu cho rằng dự thảo Luật này cần tiếp cận từ các góc độ của người tiêu dùng để thiết kế các nội dung, chứ không chỉ từ vị trí của cơ quan quản lý nhà nước để quản lý.

"Dự thảo Luật cần được xây dựng dựa trên những căn cứ chính trị, pháp lý, thực tiễn; tham khảo kinh nghiệm quốc tế, nhất là ở các quốc gia phát triển, có thị trường quảng cáo chuyên nghiệp, hiện đại; lấy ý kiến rộng rãi của các cơ quan, doanh nghiệp, hội, hiệp hội… để bảo đảm tính khả thi, tính dự báo phù hợp với bối cảnh hiện tại và hài hòa lợi ích của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ quảng cáo và người tiêu dùng; thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh, phát triển thị trường quảng cáo và nâng cao chất lượng sản phẩm quảng cáo; có khả năng hội nhập với thị trường quảng cáo thế giới", đại biểu bày tỏ.

Đảm bảo bao quát hết các đối tượng hoạt động quảng cáo trên mạng

Quan tâm đến các quy định về quảng cáo môi trường mạng, quảng cáo xuyên biên giới và quảng cáo trên báo chí, đại biểu Bế Minh Đức – Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng ủng hộ việc nới rộng hơn về diện tích, thời lượng quảng cáo trên các loại hình báo chí của dự thảo Luật. Điều này sẽ tạo ra cơ hội tốt cho các đơn vị thực hiện tự chủ tài chính.

Sửa Luật Quảng cáo: Tạo dựng môi trường quảng cáo lành mạnh, hiện đại, có khả năng hội nhập - Ảnh 2.

Đại biểu Bế Minh Đức – Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng

Về quy định về quy trình ngăn chặn, gỡ bỏ quảng cáo vi phạm trên mạng của các tổ chức, cá nhân trong nước, dự thảo Luật đã giao trách nhiệm cho các bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương theo thẩm quyền có trách nhiệm phát hiện, xác định quảng cáo vi phạm pháp luật và xử phạt vi phạm hành chính, đại biểu cho rằng, điều này là cần thiết theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các chủ thể trên, tuy nhiên để triển khai thực hiện có hiệu quả, các chủ thể trên cần quan tâm bố trí nguồn nhân lực có chuyên môn và các giải pháp kỹ thuật để sẵn sàng triển khai ngăn chặn, gỡ bỏ quảng cáo vi phạm. Cơ quan chủ trì soạn thảo cần đánh giá thêm về nguồn lực triển khai thực hiện giải pháp này.

"Đặc biệt về nghĩa vụ đăng ký thuế, kê khai, nộp thuế đối với doanh thu phát sinh từ dịch vụ quảng cáo. Đây là vấn đề rất được quan tâm trong thời gian vừa qua. Để bảo đảm thực hiện tốt việc thu thuế từ hoạt động quảng cáo, tôi đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiếp tục rà soát quy định bảo đảm bao quát toàn diện hoạt động quảng cáo làm cơ sở cho việc quản lý đăng ký, kê khai, nộp thuế được đầy đủ. Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát, đối chiếu với luật chuyên ngành, như: Luật Công nghệ thông tin, Luật Viễn thông, Luật An ninh mạng, Luật An toàn thông tin mạng….để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, đồng thời bao quát hết các đối tượng hoạt động quảng cáo trên mạng", đại biểu nêu ý kiến.

Xuân Trường - Thế Công

NỔI BẬT TRANG CHỦ