• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

“Sức ép” Nga buộc NATO tăng cường quân đội tại Mỹ và Đức

Thế giới 09/02/2018 10:11

(Tổ Quốc) - Mỹ và Đức đã đề nghị xây dựng hai bộ tư lệnh mới của NATO nhằm ngăn chặn Nga - động thái thể hiện sự ủng hộ đối với kế hoạch tăng cường sức mạnh quân sự của liên minh này.

Mỹ và Đức đã đề nghị xây dựng hai bộ tư lệnh mới của NATO nhằm ngăn chặn Nga, các nhà ngoại giao và các quan chức cho biết – động thái thể hiện sự ủng hộ đối với kế hoạch tăng cường sức mạnh quân sự của liên minh này.

Theo Reuters, nằm trong chuỗi phản ứng của NATO đối với việc Nga sáp nhập Crimea năm 2014, các nước đồng minh NATO đang xem xét xây dựng một bộ tư lệnh chiến lược bảo đảm an toàn cho các tuyến đường biển trước tàu ngầm của kẻ thù và một bộ tư lệnh hậu cần tập trung vào việc di chuyển quân đội nhanh hơn tại châu Âu trong trường hợp xung đột xảy ra.

Tâm điểm NATO đối với hai bộ tư lệnh mới

Chưa quyết định nào được đưa ra, nhưng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis sẽ nhóm họp cùng các bộ trưởng quốc phòng khác trong liên minh vào tuần tới tại Brussels để thảo luận về kế hoạch xây dựng hai bộ tư lệnh trên- từ đó đặt nền tảng để các nhà lãnh đạo NATO đưa ra quyết định chính thức tại một hội nghị thượng đỉnh vào tháng 7.

NATO đang xem xét và quyết định địa điểm xây dựng hai bộ tư lệnh mới.

"Đức và Hoa Kỳ đã đề nghị và đó là một dấu hiệu tốt thể hiện sự ủng hộ của họ, đặc biệt là từ Tổng thống Hoa Kỳ (Donald) Trump", theo một nhà ngoại giao cấp cao của NATO. "Nhiều đồng minh khác đã chờ đợi họ để thúc đẩy kể hoạch."

Các bộ tư lệnh mới này sẽ đi kèm nguồn đầu tư và nâng cao uy tín của bản thân nước đề xuất, vì vậy được các nước đồng minh hết sức quan tâm, bao gồm cả Bồ Đào Nha và Ba Lan, các nhà ngoại giao nói.

Tuy nhiên, các đề xuất của Đức và Mỹ mang sức nặng hơn do đây là hai trong số các nước đóng góp lực lượng quân đội lớn nhất NATO.

Một quan chức NATO cho biết, nơi xây dựng các bộ tư lệnh này "sẽ được xem xét trong những tháng tới."

Theo hai nhà ngoại giao đồng minh và ba quan chức thông tin về kế hoạch này, Mỹ đã đề nghị đặt một bộ tư lệnh tại Norfolk, Virginia và bộ tư lệnh tại Đức có thể triển khai tại Ulm, miền Nam nước Đức, hoặc có thể tại Cologne, hai nơi đã có các cơ sở của NATO và các cơ sở đa quốc gia.

Việc xây dựng hai bộ tư lệnh mới – theo các nhà ngoại giao là sẽ có tổng cộng 1.500 nhân viên, là sự mở rộng đầu tiên trong hai thập kỷ sau khi NATO cắt giảm mạnh lực lượng vào năm 2011.

Cử chi này mang tính biểu tượng mạnh mẽ đối với các đồng minh Đông Âu và đặc biệt là điều bất ngờ từ nước Đức khi đề xuất của họ được đưa ra vào thời điểm EU phải đối mặt với áp lực từ Washington chi tiêu nhiều hơn cho quốc phòng.

Sự “nhạy cảm” của nước Đức

Mặc dù chiến lược này sẽ không khôi phục lại Bộ tư lệnh Đại Tây Dương được NATO lập từ thời Chiến tranh lạnh với quy mô lớn hơn nhiều và bị giải tán từ năm 2002 – động thái này vẫn đánh dấu việc NATO mở rộng lực lượng để đối phó với Nga – khi kết hợp cả lực lượng luân phiên tại các nước Baltic, Ba Lan và vùng Biển Đen.

Phương Tây đang lo ngại những hệ lụy từ việc Nga sáp nhập Crimea, được cho là ủng hộ trực tiếp lực lượng li khai miền Đông Ukraine và thực hiện một chiến dịch làm suy yếu thể chế chính trị tại Mỹ và châu Âu.

Cả Mỹ và châu Âu cũng dấy lên hồi chuông báo động khi Nga tháng 9 năm 2017 đã tiến hành cuộc tập trận Zapad quy mô lớn – với sự tham gia của hàng chục nghìn binh sĩ và có thể đã diễn tập chiến tranh điện tử ở Latvia, các quan chức NATO nói.

Ben Hodges, người vừa mới về hưu từ cương vị chỉ huy quân đội Hoa Kỳ ở châu Âu, từ lâu đã kêu gọi nước Đức đảm nhận vai trò lớn hơn trong việc giải quyết các yêu cầu hậu cần và vận tải cho liên minh.

Các quy định về biên giới các quốc gia và của Liên minh Châu Âu khiến việc vận chuyển các thiết bị quân sự và binh lính diễn ra chậm và tốn kém.

Dù vậy, vấn đề này khá nhạy cảm. Đức vẫn muốn tiếp tục đối thoại với Moscow và nội bộ nước Đức cũng đã tranh luận về đề xuất đặt tên cho căn cứ hậu cần mới của NATO là “Bộ Tư lệnh tác chiến hậu phương” – ngụ ý rằng NATO đang chuẩn bị cho chiến tranh.

Một số quan chức Đức muốn đặt tên cho căn cứ này là “Bộ tư lệnh hỗ trợ tác chiến chỉ huy đồng minh”. Việc cung cấp địa điểm xây dựng các căn cứ này đồng nghĩa với việc chịu trách nhiệm về phòng không và an ninh mạng, cũng như đào tạo và vận chuyển các lực lượng và cơ sở hạ tầng đi kèm, một trong những quan chức cho biết.

"Đây không chỉ là vấn đề đảm bảo cho các đoàn tàu chạy đúng giờ", quan chức trên nói.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ