(Tổ Quốc) - Nga đã nổi lên như nhà sản xuất vũ khí lớn thứ hai thế giới sau Hoa Kỳ.
Nga đã vượt qua Anh, nước đã giữ vị trí đó từ năm 2002 và dù hiện vẫn đang là nhà sản xuất vũ khí số 1 Tây Âu, theo báo cáo mới của một tổ chức tham vấn Thụy Điển.
Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm SIPRI ngày 10/12 cho biết trong báo cáo thường niên về 100 công ty sản xuất vũ khí lớn nhất thế giới rằng, doanh số bán vũ khí của các công ty Nga lên tới 37,7 tỷ USD vào năm 2017, tăng 8,5% so với một năm trước. Doanh số của các công ty Nga chiếm 9,5% trong tổng số 398,2 tỷ USD trên toàn thế giới.
Doanh thu của các công ty vũ khí Nga năm nay đang tăng cao. (Nguồn: Reuters)
Báo cáo bao gồm cả doanh số bán hàng trong và ngoài nước trên toàn cầu, nhưng không bao gồm các công ty Trung Quốc vì số liệu thống kê không đáng tin cậy, viện nghiên cứu này cho biết.
Siemon Wezeman, một nhà nghiên cứu cao cấp tại SIPRI cho hay, các nhà sản xuất khí tài và các hệ thống vũ khí của Nga đã có một bước phát triển đáng kể kể từ năm 2011.
"Điều này phù hợp với việc Nga tăng chi tiêu mua sắm vũ khí để hiện đại hóa lực lượng vũ trang của mình", Wezeman nói.
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử báo cáo này, một công ty quốc doanh của Nga - Almaz-Antey có trụ sở tại Moscow – đơn vị chế tạo các hệ thống phòng không tiên tiến cùng nhiều khí tài quan trọng khác - đã nằm trong số 10 công ty vũ khí hàng đầu thế giới.
Báo cáo này lưu ý, Nga đã bắt đầu thực thi sáng kiến hợp nhất ngành công nghiệp vũ khí của mình vào năm 2007, một tiến trình dự kiến sẽ sớm hoàn thành.
Về tổng thể, Mỹ tiếp tục thống trị danh sách 100 công ty sản xuất vũ khí lớn nhất thế giới, với 42 công ty Mỹ nằm trong danh sách này và chiếm tới 57% tổng doanh số, trong đó có nhà sản xuất vũ khí lớn nhất thế giới, Lockheed Martin Corp.
Là một sự phát triển đáng chú ý, báo cáo nhấn mạnh doanh số bán hàng của các công ty vũ khí Thổ Nhĩ Kỳ năm 2017 tăng 24% so với năm trước. Điều đó phản ánh "tham vọng của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc phát triển ngành công nghiệp vũ khí nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về vũ khí và trở nên ít phụ thuộc hơn vào các nhà cung cấp nước ngoài", nhà nghiên cứu cấp cao Pieter Wezeman nói.