• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Sức nặng với Taliban giúp Nga "giữ quân chốt" với Mỹ tại Afghanistan

Thế giới 15/11/2018 13:57

(Tổ Quốc) - Nga đang tìm cách tự khẳng định bản thân là một thế lực lớn ở Afghanistan.

Đầu tháng này, chính phủ Nga đã tổ chức một hội nghị hòa bình được chờ đợi từ lâu ở Afghanistan, với sự tham dự của các đại diện từ Taliban. Sau sự kiện này, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã chụp ảnh cùng các thành viên chỉ huy của Taliban – những người vẫn đang nằm trong danh sách khủng bố của Nga.

Theo Aljazeera, đối với các nhà quan sát quan tâm đến chính sách đối ngoại của Nga, hội nghị này đồng nghĩa với tuyên bố công khai tham vọng của Điện Kremlin trong việc tự khẳng định mình phía nam Trung Á và Afghanistan nói riêng.

Sức nặng với Taliban giúp Nga giữ quân chốt với Mỹ tại Afghanistan - Ảnh 1.

Ngoại trưởng Nga Lavrov cùng các đại diện tham gia hội nghị hòa bình về Afghanistan ngày 9/11. (Nguồn: AP)

Taliban cũng được hưởng lợi từ hội nghị: lần đầu tiên các đại diện của họ tham gia vào một diễn đàn được tổ chức bởi một thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ.

Hội nghị ban đầu được lên kế hoạch vào ngày 4/9, nhưng sau khi Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani đối thoại với ông Lavrov và yêu cầu hủy bỏ nó, sự kiện này đã bị trì hoãn. Điều đó đã khiến Taliban giận dữ. Thông qua các kênh không chính thức, họ đã làm rõ với Moscow rằng nếu nước này không điều phối được những thay đổi kế hoạch dưới áp lực từ Kabul, các đại diện của Taliban sẽ không xuất hiện tại hội nghị tiếp theo.

Sau thời gian này, chính phủ Nga đã quyết định tiến hành hội nghị ngay cả sau khi chính phủ Ghani từ chối gửi phái đoàn chính thức tới. Thể hiện sự tham gia ngày càng tăng với lực lượng đối lập quân sự chính ở Afghanistan là điều cuối cùng Moscow muốn đạt được.

Liên lạc với Taliban từ những năm 1990?

Aljazeera cho biết, hội nghị về Afghanistan ngày 9/11 không phải là lần đầu tiên Nga và Taliban đối thoại với nhau. Nhóm vũ trang này đã tìm cách thiết lập quan hệ với Nga vào đầu năm 1995, khi họ kiểm soát được một số tỉnh phía Nam, bao gồm cả Kandahar.

Vào tháng 8/1995, một chiếc máy bay chở hàng của Nga đã bị một máy bay chiến đấu Taliban buộc phải hạ cánh tại sân bay quốc tế Kandahar và các nhà lãnh đạo của họ đã sử dụng cơ hội để gửi một thông điệp tới chính phủ Nga.

Những mối liên hệ không chính thức đầu tiên giữa Nga và Taliban diễn ra vào nửa cuối thập niên 1990, sau khi Taliban đánh bại chính quyền Mujahedeen ở Kabul vào tháng 4/1996 và tìm kiếm sự công nhận quốc tế đối với chế độ của họ.

Việc liên lạc giữa Taliban và Moscow sau đó dẫn đến một cuộc họp kín ở Ashgabad, thủ đô của Turkmenistan và được sắp xếp bởi cố lãnh đạo Turkmenistan Saparmurat Niyazov. Đại diện của Taliban đã gặp một phái đoàn Nga và đưa ra đề nghị Moscow ủng hộ một đại diện của nhóm này nắm giữ vị trí đại diện thường trực của Afghanistan tại LHQ - lúc đó vẫn thuộc về một quan chức trong chính phủ.

Nga cho rằng không hợp lý để chấp nhận yêu cầu như vậy và không có thêm cuộc họp nào được tổ chức. Theo Aljazeera, quyết định này có lẽ là một sai lầm ngoại giao lớn khi các thủ lĩnh Taliban vào thời điểm đó đang sẵn sàng kết nối (và ít thù địch với Nga hơn so với hiện tại), điều Moscow có thể đã tận dụng để trở thành lợi thế của mình.

Nhưng vào thời điểm đó, chính phủ Nga nhấn mạnh vào việc duy trì quan hệ với chính phủ Mujahideen, thay vì một nhóm vũ trang mà họ chưa hiểu rõ.

Một trong những hậu quả mà Nga (và các nước khác) dừng liên lạc với Taliban là khiến họ trở nên cực đoan hơn. Không nhận được sự công nhận quốc tế, các thủ lĩnh Taliban tiếp tục sát cánh cùng al-Qaeda Osama bin Laden- khi ông này lên kế hoạch và chỉ đạo cuộc tấn công ngày 11/9.

Nga chỉ tìm cách thiết lập lại mối liên hệ với Taliban vào giữa những năm 2010, sau sự suy giảm mạnh mẽ của quan hệ Nga-Mỹ, Moscow bắt đầu quan tâm tới hoạt động quân sự tại Syria và việc các chiến binh cực đoan di chuyển từ Syria đến Afghanistan.

Chiến lược tái khẳng định vị thế Nga tại Afghanistan

Sau nhiều năm không có chính sách đáng kể về Afghanistan, Moscow cuối cùng đã quyết định tham gia lại. Sự tăng cường ảnh hưởng của họ ở Trung Đông đã cho họ sự tự tin để tái khẳng định chính mình trong các chiến địa khác của khu vực, bao gồm cả Afghanistan.

Một phần những cân nhắc của Nga hoàn toàn liên quan đến an ninh. Hoạt động khủng bố gia tăng ở các tỉnh phía bắc Afghanistan, gần biên giới của các nước cộng hòa Xô Viết cũ như Tajikistan và Uzbekistan. Để đối phó lại mối đe dọa này, Moscow có thể tìm cách tăng cường sự hiện diện quân sự ở Trung Á.

Đồng thời, chính phủ Nga muốn đóng vai trò của một "nhà hoạch định hòa bình" ở Afghanistan để sử dụng nó như là đòn bẩy trong quan hệ của họ với Hoa Kỳ. Bằng cách tăng cường quan hệ với Taliban, chính phủ của Ashraf Ghani, một đồng minh thân cận của Mỹ, Moscow đang tìm cách trở thành một thế lực quan trọng trong việc giải quyết xung đột ở Afghanistan, nơi mà quyền lợi của các cường quốc khu vực và thế giới, bao gồm Mỹ, cùng có điểm chung. Bằng cách này, Nga sẽ mở ra một mặt trận khác mà thông qua đó, họ tìm cách tái gắn kết với Hoa Kỳ.

Sự thành công trong nỗ lực hòa bình của Nga tại Afghanistan không thể diễn ra nếu không có sự liên kết với Mỹ- đang có sự hiện diện quân sự, cùng với NATO, để giúp chính phủ của Tổng thống Ghani nắm quyền. Điện Kremlin hiểu rõ ràng và đang cố gắng nắm lấy lợi thế tối đa từ sự hợp tác với Taliban trong khuôn khổ hội nghị tại Moscow.

Sáng kiến hòa bình của Nga sẽ không có sức mạnh nhiều nếu không có sự tham gia của Mỹ cũng là điều mà các lãnh đạo Taliban nhận thức được. Sau cuộc họp ngày 9/11, đại diện của họ đã xác nhận lại rằng họ sẵn sàng đàm phán với Washington miễn là nước này cam kết rút quân khỏi Afghanistan và thông báo thời gian rút quân. Cho đến lúc đó, Taliban đã thề sẽ không thiết lập bất kỳ liên hệ trực tiếp nào với Tổng thống Ghani, người mà họ coi là chịu ảnh hưởng trực tiếp từ Mỹ.

Mục đích chuyến đi của Taliban đến Moscow không chỉ là khẳng định lại lập trường này mà còn cho Mỹ thấy rằng họ có "lựa chọn thay thế"; có nghĩa là, nếu Washington không tham gia, thì Taliban sẽ tìm kiếm sự hỗ trợ về chính trị và thậm chí quân sự từ đối thủ cạnh tranh của Washington là Nga.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ